Có hàng loạt yếu tố dẫn đến sự thành công hay thất bại của một startup.
Tại sao các startup thất bại?
Theo nghiên cứu của Trường kinh doanh Harvard, 75% các công ty startup được đầu tư vốn thất bại. Theo nghiên cứu về tỷ lệ startup thất bại theo ngành của Statistic Brain, tỷ lệ thất bại của các công ty ở Mỹ là 50% sau 5 năm và trên 70% sau 10 năm. Nghiên cứu này cũng yêu cầu lãnh đạo các công ty đưa ra 4 lý do chính dẫn đến việc kinh doanh thất bại và những sai lầm trong công tác quản lý. Tất cả những điều này tập trung vào việc ra quyết định của doanh nhân và kiến thức kinh doanh nói chung:
1. Thiếu tập trung
2. Thiếu động lực, cam kết và niềm đam mê
3. Tự tin thái quá nên không muốn nhìn nhận hay lắng nghe
4. Xin lời khuyên sai người
5. Thiếu sự cố vấn
6. Thiếu kiến thức kinh doanh nói chung và các kiến thức về tài chính, điều hành và tiếp thị
7. Đầu tư nhiều tiền quá sớm
Trong một nghiên khác, CB Insights đã đưa ra một số lý do các startup thất bại. Những lý do này đều có liên quan đến sai lầm trong quản lý, định hướng của các lãnh đạo ở một vài cấp độ nào đó:
1. Thị trường không có nhu cầu
2. Hết tiền
3. Đội ngũ nhân sự kém
4. Thất bị trong cạnh tranh
5. Sai lầm trong định giá
6. Sản phẩm kém
7. Thiếu mô hình kinh doanh
8. Tiếp thị kém
9. Không quan tâm đến khách hàng
Chúng ta có thể thấy rằng các vấn đề đều liên quan đến vấn đề trong kinh doanh, đội nhóm và cả sản phẩm. Những vấn đề này luôn gắn liền với việc lãnh đạo và khả năng xây dựng đội nhóm, thúc đẩy mô hình kinh doanh, tư duy kinh doanh của một người lãnh đạo. Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ rằng, nếu hết tiền là lý do thất bại thì chắc chắn luôn có những yếu tố khác nữa gây ra kết quả này.
Vậy còn lý do khiến một số startup thành công là gì?
Gần đây, The Ecommerce Genome có cuộc điều tra về lý do thành công khi điều tra 650 doanh nghiệp startup về lĩnh vực liên quan đến Internet. Tuy cuộc điều tra chủ yếu về các công ty trong ngành công nghệ nhưng nó cũng mang đến nhiều thông tin hữu ích:
1. Các nhà sáng lập có động lực, dẫn đến niềm đam mê và sự cam kết
2. Giữ vững quan điểm và lập trường đã chọn
3. Sẵn sàng điều chỉnh, thay đổi khi cần thiết
4. Kiên nhẫn
5. Sẵn sàng quan sát, lắng nghe và học hỏi
6. Có những mối quan hệ cố vấn tốt
7. Người lãnh đạo có kiến thức về kinh doanh và chuyên ngành tốt
8. Chỉ huy động vừa đủ tiền để đạt được các mốc kinh doanh quan trọng
9. Cân bằng các kiến thức về kinh doanh với chuyên môn kỹ thuật cần thiết trong phát triển sản phẩm.
Vậy những lý do cho sự thành công có đối lập với nguyên nhân của sự thất bại?
Có một số đặc điểm bạn nhất định phải cần để trở thành một doanh nhân thành công. Tuy nhiên, có đủ những điều kiện cần cũng chẳng đủ để đảm bảo cho sự thành công. Do vậy, nếu có thể điều chỉnh các nguyên nhân dẫn đến thất bại thì ít nhất bạn sẽ có thêm cơ hội để thành công
Ta có thể thấy rằng kế hoạch kinh doanh là chìa khóa cho thành công. Rõ ràng là startup thì cần có một kế hoạch và bạn vẫn hoàn toàn có thể linh hoạt với kế hoạch đó. Đam mê và động lực cũng là những yếu tố hiển nhiên cần thiết. Mỗi doanh nhân, cố vấn, nhà báo, nhà đầu tư hay nhà phân tích đều hay nói đến niềm đam mê. Steve Jobs cũng là một người thường xuyên được trích dẫn những danh ngôn về vấn đề này.
Những người thành công thường tin tưởng vào những gì họ đang làm. Họ cảm nhận rằng mình đang gây tầm ảnh hưởng và có thể thay đổi thế giới. Người doanh nhân thành công chẳng bao giờ ngại cạnh tranh. Họ đua nhau để giành chiến thắng, họ ghét sự thất bại. Không có doanh nhân thành đạt nào mà không có tinh thần cạnh tranh và ý chí giành chiến thắng cả.
Điều quan trọng tiếp theo là sự tư vấn. Việc bạn sẵn sàng học hỏi không đồng nghĩa với việc bạn sẵn sàng tìm kiếm người cố vấn và cởi mở để lắng nghe hướng dẫn của họ. Tôi không khuyên bạn nghe theo tất cả những lời tư vấn, những hãy biết suy nghĩ và chắt lọc chúng.
Startup thì cũng là doanh nghiệp, chúng cũng cần phải thiết lập, có những nguyên tắc và thực tiễn kinh doanh cơ bản. Nhiều nhà sáng lập (kỹ thuật) rất yêu thích ý tưởng về sản phẩm của họ. Họ tin tưởng vô điều kiện rằng chỉ cần mình có sản phẩm tốt thì khách hàng sẽ tự đến với mình. Đó là khi các nhà lãnh đạo đang thiếu kiến thức và yếu về tư duy kinh doanh. Theo kết quả điều tra thì để thành công bạn cần cả kiến thức kinh doanh cũng như chuyên môn trong lĩnh vực cụ thể.
Vậy phải chăng, những người sáng lập là kỹ thuật thì sẽ không thành công với cương vị CEO? Cũng không phải như vậy. Bạn có thể thấy ngay ví dụ điển hình của Tiến sĩ Irwin Jacobs, nhà sáng lập và CEO của Qualcomm. Tiến sĩ Jacobs là một kỹ sư xuất sắc từng giảng dạy tại MIT. Tuy nhiên, ông cũng có kiến thức cũng như tư duy kinh doanh xuất sắc. Chúng ta cũng có những ví dụ điển hình khác như Meg Whitman (eBay) và Eric Schmidt (Google) là những CEO có chuyên môn kỹ thuật đặc biệt.
Cuối cùng thi để startup thành công cần có ý tưởng rõ ràng và thực tế về vấn đề thời gian, có những kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn 12 đến 18 tháng và chỉ gọi vốn đủ tiền để đạt được các mốc quan trọng tiếp theo. Đó cũng là những vấn đề quan trọng cho sự thành công.
Mai Lâm
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/Entrepreneur