Với người lao động, dù có tuyên bố làm việc vì đam mê thì lương vẫn luôn là yếu tố quan trọng. Vậy với các CEO Việt, tăng lương là yếu tố để người lao động hứng khởi hơn trong công việc, hay tăng lương chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là tăng chi phí?
"Các CEO ứng xử với bài toán lao động và tiền lương thế nào?" là câu hỏi TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đặt ra tại phiên thảo luận "Làm sao nâng cao năng suất lao động" trong khuôn khổ Diễn đàn CEO 2018 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây.
Sunhouse: Mức trần tăng lương = Tỷ lệ lạm phát + Mức tăng năng suất lao động, cấp quản lý thu nhập lên tới hàng chục tỷ đồng/năm
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho biết trong cách làm lương của Sunhouse có 2 triết lý cơ bản.
Một là bù giá vào lương. Mức trần tăng lương = Tỷ lệ lạm phát + Mức tăng năng suất lao động.
Giả sử năm 2017 lạm phát ở mức 4%, năng suất lao động của bộ phận X tăng 9% thì tổng mức tăng lương của bộ phận này sẽ không quá 13%.
Hai là, những người tham gia xây dựng chính sách thì được hương cơ chế theo lợi nhuận. Những người không tham gia chính sách thì hưởng theo quỹ lương.
"Tôi khoán cho bộ phận A tối đa quỹ lương chiếm 1% doanh thu, nếu thừa cuối năm chia thêm 2 - 3 tháng, thậm chí 10 tháng lương. Bằng cách dó, chúng tôi khống chế được mức tiền lương và bắt buộc mọi người phải suy nghĩ cách tăng năng suất lao động. Bộ phận nào năng suất tăng 2%, lương sẽ tăng, nhưng có bộ phận không tăng đồng nào nếu năng suất giảm".
"Bộ phận quản lý tất nhiên hưởng mức cứng theo thị trường. Phòng HR sẽ đi mua dữ liệu để khảo sát. Còn lại tôi sẽ trích quỹ khen thưởng 10% cho các cấp quản lý, chia ra các phòng ban. Có những quản lý của chúng tôi thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm. Nhưng ngược lại năm sau có thể tụt đi, nhưng đó là động lực để họ luôn đổi mới, luôn luôn phải tư duy", sếp Sunhouse chia sẻ.
Asanzo: Tăng lương theo doanh số, có lúc lương tăng tới 100%
Asanzo có nét đặc thù là một hãng sản xuất điện tử. CEO Asanzo Phạm Văn Tam chia sẻ một bí quyết quản lý giúp doanh nghiệp này "nhẹ đầu" – Tăng lương theo doanh số.
Theo đó, tiền lương khoán theo năng suất của công nhân, và cũng giống bộ phận quản lý và kế toán, cũng được tăng theo doanh số của bộ phận bán hàng.
Với cách quản lý đó, có tháng tăng nhiều vì doanh số công ty tăng, có những lúc tăng 100%. Cũng có lúc mức tăng lại theo đúng quy định nhà nước 10% -15%/năm.
"Tất cả bộ phận đó khoán theo sản phẩm, tăng theo sản phẩm. Đó là cách quản lý giúp cho doanh nghiệp nhẹ đầu, áp dụng cho những công ty sản xuất như bên tôi", ông Tam cho biết.
Chính sách trên hiệu quả thế nào? Ngoài việc CEO khá "thảnh thơi" như ông Tam thừa nhận, thì Asanzo gần đây luôn bận rộn với việc tăng cường tuyển dụng lao động và đầu tư nhà máy mới. Ngoài việc đưa vào hoạt động nhà máy 200 tỷ đồng tại Long An, Asanzo cũng lên kế hoạch rót thêm 20 triệu USD đầu tư một nhà máy nữa tại TPHCM, với quy mô 17.000 m2.
2017 là năm khá thành công của Asanzo khi đạt doanh thu 4.629 tỷ đồng, gần gấp đôi so với 2016. Tất cả những gì Asanzo có được trong năm 2017 đều bằng 3 năm trước đó cộng lại.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ