"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xin việc ở nhà máy cả" là một suy nghĩ của rất nhiều bạn trẻ thà thất nghiệp, ngửa tay xin tiền ba mẹ, còn hơn là phải làm một công việc chân tay. Xin khuyên: Đời người nhiều khi đừng nên hỏi mình muốn làm gì, mà hãy hỏi: Mình biết làm gì? Mình làm giỏi cái gì?
Có một ngày, nhà vệ sinh bị hỏng, ống bị tắc không thông được khiến nước trong bồn cầu phun ngược trở lại, cả nhà tắm đắm chìm trong vũng nước dơ bẩn. Tôi vội vàng nhờ một người thợ đến. Anh ta mang theo một cuộn dây thép rất dài và bắt đầu khơi thông nước trong nhà tắm từ cống thoát nước.
Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ vẫn không thông được, anh ta liền nói với tôi rằng bây giờ phải tháo ra, thông từ đường ống thoát nước bên trong mới được, và như vậy thì anh ta đòi giá tiền cao hơn, anh ấy hỏi tôi có đồng ý hay không?
Lúc đó đã gần nửa đêm, tôi thiết nghĩ phải sửa xong nó trong hôm nay chứ nếu để đến ngày mai thì sẽ không chịu được nên tôi đồng ý. Cuối cùng anh ta cũng sửa xong vào lúc hai giờ ba mươi phút sáng.
Mấy tiếng đồng hồ đó, tôi thỉnhg thoảng đứng ở bên cạnh, vừa quan sát vừa trò chuyện với anh ta. Tôi phát hiện đây là một công việc cũng khá thú vị, ai cũng cần người sửa nhà vệ sinh, hơn nữa phải lập tức sửa được, giá cả dựa vào thực tế: "Sửa được thì có tiền, không được thì không có tiền, càng phức tạp thì giá càng cao", hơn nữa nhà nhà đều cần chi phí cho khoản này, thế nên lương của anh ta rất cao.
Nhưng anh chia sẻ, nhu cầu thì không thiếu nhưng lại không thể kinh doanh lớn, tại vì những người trẻ tuổi không chịu học, họ cho rằng đây là một công việc dơ bẩn, một công việc thấp hèn, kém sang.
Nghe thấy vậy, tôi cảm thấy vô cùng tiếc nuối, người trẻ lúc nào cũng chê lương thấp, nhưng khi có công việc lương cao, nhu cầu cao thì lại không chịu làm, vậy rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Thực ra đời người muốn an phận không khó, chỉ cần mình học giỏi một thứ, làm tốt, làm chuyên nghiệp một thứ thì mức lương bạn nhận được sẽ không hề thấp.
Tôi thường bắt gặp người trẻ hay hỏi tôi: Kế hoạch cuộc đời tôi là gì? Nên làm gì, nên chọn việc như nào thì mới viên mãn?
Những lúc đó tôi thường hỏi ngược lại họ: Bạn giỏi cái gì? Bạn biết làm gì?... Nhưng phần lớn họ lại không đưa ra được câu trả lời cho tôi, tất cả bọn họ đều đi theo một lộ trình được lập sẵn: đi học, tốt nghiệp, tìm việc làm, cho đến khi tìm được việc thì mới bắt đầu nghĩ muốn làm gì. Vậy nên họ thường không giỏi một thứ gì cả.
Đây chính là bi kịch lớn nhất của đời người: khi bạn nói có thể làm bất cứ điều gì nhưng lại không thật giỏi được và khi mà bạn không biết mình giỏi cái gì thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn không hề có năng lực cạnh tranh.
Cái mà bạn có thể giỏi rất đa dạng, có thể là một kỹ năng giống như anh thợ tôi đã kể ở bên trên, có thể là kiến thức chuyên môn như: tài chính, thương mại, quản lý… Tuy nhiên những chuyên môn này không chỉ cầm tấm bằng tốt nghiệp là xong, mà trong quá trình học, bạn phải học thật xuất sắc, phải biết biến kiến thức thành kỹ năng của bản thân mình, như vậy bạn mới nhận được sự khẳng định của xã hội.
Bạn muốn giỏi một thứ gì đó thì phải cần quá trình tích lũy. Công việc đầu tiên có thể là do duyên số, nhưng chỉ cần bạn bắt tay vào làm thì sẽ có kinh nghiệm, làm càng lâu thì kinh nghiệm càng nhiều. Tại sao rất nhiều người cả cuộc đời chỉ làm một nghề không bao giờ muốn đổi? Bởi vì họ hiểu rõ về công việc đó, hiểu rõ những nguyên tắc ngầm trong ngành nghề đó.
Giỏi thứ gì thì phải nắm chắc, nắm kỹ, nắm sâu thứ đó. Có những người cả đời chỉ làm một việc, và ở một giai đoạn nào đó họ trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực đó, và như vậy thì thành tựu và sự giàu có cũng luôn ở bên họ.
Đời người đừng nên hỏi mình muốn làm gì mà hãy hỏi: Mình biết làm gì? Mình làm giỏi cái gì?
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Thu Hằng
Theo Trí Thức Trẻ