Công ty lữ hành hàng đầu Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận rất thấp khi cần tới 128 đồng doanh thu để thu về 1 đồng lợi nhuận.
Hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel là một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường, xét về cả quy mô thị phần và doanh số. Trong số những doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngoài Saigontourist, khó tìm được một cái tên nào khác có thể so kè với Viettravel về khía cạnh doanh thu.
Năm 2017, doanh thu của hãng lữ hành này đạt gần 6.200 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2016 và gấp đôi so với năm 2013.
Tuy nhiên đó là xét về khía cạnh doanh thu, còn với lợi nhuận thì Viettravel lại hoàn toàn lép vế. Năm 2017, công ty này chỉ đạt 48 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, với biên lợi nhuận trên doanh thu chỉ khoảng 0,8%. Hay nói cách khác, Viettravel cần tới 128 đồng doanh thu mới đem về 1 đồng lợi nhuận trước thuế - một mức biên lợi nhuận rất thấp so với nhiều doanh nghiệp khác.
Dù vậy, con số này cũng được cải thiện rất nhiều so với những năm gần đây, như năm 2014 để đem về 1 đồng lợi nhuận Viettravel cần 264 đồng doanh thu, hay năm 2015 là 156 đồng doanh thu.
Phần lớn doanh thu của Viettravel đến từ hoạt động lữ hành. Với đặc thù là hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian giữa khách hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ khác, biên lợi nhuận gộp từ hoạt động này rất thấp, gần như mang tính "lấy công làm lãi".
Trong 3 năm gần nhất, biên lợi nhuận gộp của Viettravel chỉ đạt từ 5 – 7%, thuộc nhóm thấp so với nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Sự khác biệt về con số biên lợi nhuận cũng có thể thấy rõ qua tương quan giữa Viettravel và Saigontourist. Dù doanh thu khá tương đồng và hoạt động trong cùng lĩnh vực, nhưng thực tế biên lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của Saigontourist có thể đạt đến hơn 30%, thay vì con số chưa tới 1% của Viettravel.
Điểm khác biệt ở chỗ doanh thu lữ hành trong tổng doanh thu của Saigontourist chỉ từ 35 – 55%, trong khi của Viettravel đến hơn 95%.
Trong báo cáo hợp nhất bán niên 2017, doanh thu hoạt động lữ hành của Saigontourist đạt hơn 1.700 tỷ đồng trên tổng số gần 3.000 tỷ doanh thu. Biên lợi nhuận gộp đạt gần 20%, con số cao hơn đáng kể so với mức 6,4% trong năm 2017 của Viettravel.
Nhưng cũng cần nhìn lại thì ngoài hoạt động lữ hành, các mảng kinh doanh còn lại của Saigontourist như doanh thu cung cấp dịch vụ ăn uống, phòng ngủ hay cho thuê mặt bằng có biên lợi nhuận cao hơn khá nhiều. Chưa kể khoản doanh thu tài chính rất lớn nhờ hệ thống vốn góp vào nhiều khách sạn hạng sang.
Theo thống kê của Forbes Việt Nam, Saigontourist là một trong những công ty đang sở hữu chuỗi khách sạn hạng sang lớn nhất Việt Nam, với tổng số 8.000 phòng khách sạn và resort khắp nước. Ngoài những khách sạn 5 sao nổi tiếng, ông trùm khách sạn này còn nắm giữ cổ phần dao động từ 20% đến 40% tại rất nhiều khách sạn ở nhiều tỉnh, thành phố khác.
Ngoài yếu tố trên, một phần nguyên nhân dẫn tới biên lợi nhuận thấp của Viettravel còn đến từ các khoản chi phí với doanh nghiệp này quá lớn. Gần như lợi nhuận gộp hàng năm chỉ đủ bù đắp cho chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng.
Trong 4 năm gần nhất, tỷ lệ giữa tổng hai khoản chi phí này trên lợi nhuận gộp của công ty luôn chiếm từ 88% đến 92%.
Tỷ lệ tăng của các khoản chi phí này với doanh thu cũng khá tương đồng, dẫn tới việc dù doanh thu của Viettravel năm 2017 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2014, nhưng biên lợi nhuận không cải thiện được là bao.
Theo Tuyết Lan
Trí Thức Trẻ