Founder của một công ty khởi nghiệp sau khi đọc bài viết của tôi “Khởi nghiệp đừng bao giờ tuyển người chưa có kinh nghiệm!?” đã chia sẻ như nội dung bên dưới, tôi có điều chỉnh lại một số từ ngữ cho dễ hiểu hơn. Tôi cũng đã chia sẻ với bạn ấy và hy vọng sẽ nhận được thêm các lời chia sẻ khác, từ những người thật việc thật trong cộng đồng.
(Bài viết của tôi: Khởi nghiệp: đừng bao giờ tuyển người chưa có 'kinh nghiệm'!?)
Dear anh Hiếu,
Công ty của em hoạt động được hơn 2 năm, tạm gọi là tồn tại được trong thị trường cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực phần mềm quản lý ở Việt Nam với đội ngũ nhân sự trên dưới 10 người. Vấn đề nhân sự luôn là nỗi đau, là bài toán hóc búa như những người sáng lập như tụi em đây. Có nhiều lúc em cảm thấy bất lực và chỉ biết tự động viên bản thân, động viên anh em sáng lập cùng gồng mình lên để làm việc.
Là công ty phần mềm nhỏ nên công việc của bên em lúc thì rất nhiều gây nên quá tải, lúc thì rất ít hoặc không có việc, dù tụi em cũng cố gắng tạo ra sản phẩm thật tốt, cũng đầu tư quảng bá, cũng áp dụng nhiều kiến thức quản trị được học nhưng khách hàng khi nào mua, có bao nhiêu đơn hàng… là thứ khó quản lý vô cùng. Hơn 2 năm khởi nghiệp là chuỗi ngày, bản thân em và hai người đồng sáng lập không ngừng nỗ lực từng phút giây.
Khó khăn, gian khổ thì tụi em không ngại. Bản thân em là người làm kỹ thuật (em tốt nghiệp đại học KHTN TP HCM ngành CNTT), em chịu trách nhiệm chính về việc phát triển sản phẩm theo đúng nhu cầu từ bộ phận kinh doanh thu nhận từ khách hàng. Em đã nhiều lần xây dựng team và gặp thất bại đúng như bài chia sẻ của anh là “Khởi nghiệp đừng bao giờ tuyển người chưa có kinh nghiệm!?”, đọc bài viết của anh em thấy chính em ở trong đó vậy, rất đau ạ.
Vấn đề về nhân sự kỹ thuật ở lĩnh vực của em cụ thể như sau:
1. Tuyển fresher thì đúng là công ty em không có đủ nguồn lực và thời gian đào tạo, phát triển.
2. Tuyển junior thì vẫn chưa ổn: vì khả năng có hạn bởi tính chất công việc mảng này đòi hỏi khả năng cao hơn.
3. Tuyển senior thì người làm yêu cầu rất cao, đòi hỏi nhiều thứ nên công ty khó lòng đáp ứng được, đặc biệt là ứng viên cấp độ senior rất quan tâm đến quy mô công ty như phải nhiều nhân sự, thương hiệu công ty phải có tên tuổi… Cái này công ty khởi nghiệp gần như là không đáp ứng được, cho dù bên em có chính sách lương/thưởng, phúc lợi và cả môi trường làm việc theo em là rất năng động mà lúc trước em đi làm cho công ty phần mềm Nhật Bản em chỉ ao ước có môi trường đầy sáng tạo này để phát triển.
4. Tuyển người quen biết, bạn bè thì phải xem xét có phù hợp không, nếu không thì rất khó làm việc cùng nhau, bên em cũng từng xảy ra mâu thuẫn vì điều này, bởi người làm không rõ ràng sự khác nhau giữa công việc và mối quan hệ (tình bạn, tình cảm gia đình).
5. Tìm bạn đồng hành, co-founder, cùng chia cổ phần thì lại càng khó khăn hơn. Cũng may là bên em có được 3 người fouder “cam kết và đồng cam cộng khổ”, tụi em rõ ràng minh bạch trong chính sách chia sẻ của nhau, nếu không thì chắc công ty đã phá sản lâu rồi.
6. Outsource thì không ổn vì phải có document thật là rõ ràng, trong khi làm Product cho khởi nghiệp thì thay đổi liên tục theo thời gian nên khả năng outsource là vô cùng khó khăn và chịu chi phí không nổi mỗi lần thay đổi.
Việc tuyển kỹ thuật nói chung vất vả vô cùng. Kỹ thuật với công ty khởi nghiệp còn liên quan đến nhiều thứ, ví dụ hiện tại công ty bên em còn nhỏ, cơ chế bảo vệ source code phần mềm vẫn chưa tốt, tìm một kỹ thuật chưa tin tưởng có khi còn mất mát nhiều hơn. Đó là câu chuyện lấy cắp source code rồi ra mở công ty riêng đó anh, cho nên anh thấy đó từ một công ty phần mềm sau thời gian lại tách ra làm 2 làm 3 và cứ thế mà nhân bản ra, bởi từ người trong nhà mà ra cả.
Còn đau buồn hơn nữa, source code công ty của em không có share mà có cả cá nhân/tổ chức “luộc” luôn bộ source code này, rồi chỉnh sửa chút đỉnh, rồi đem đi bán tràn lan trên thị trường với giá rẻ mạt, bởi họ đâu có mất tiền bạc đầu tư làm phần mềm, họ chỉ tốn công sức “ăn cắp” thôi anh. Một công ty nhỏ xíu như bên em khi bị “ăn cắp” toàn bộ hệ thống thì vô cùng khổ sở, tránh người ngoài đã khó chứ tránh người trong nhà (trong công ty) là gần như là không thể.
Em thấy rất khó tìm kỹ thuật và hơn nữa không phải cứ trả lương tốt lương cao là được, mà phải có môi trường để phát triển như kiểu binh hùng tướng mạnh vậy. Chắc anh cũng biết, chỉ người nào có tư tưởng startup thì mới có thể làm được trong môi trường startup với nguồn ít ỏi, chỉ có niềm tin là to lớn, khi công ty đã lớn mạnh sẽ dễ dàng hơn cho tuyển dụng. Còn người nào muốn an phận thì không thể làm trong môi trường startup này được, nhưng khổ nỗi, những người có tư tưởng startup thì lại muốn tự làm chứ không chịu đi làm hay hợp tác với người khác, giống như câu nói rất hay của anh Hiếu mà em nhớ mãi “Việt Nam có rất nhiều điểm mạnh, trong đó mạnh nhất là mạnh ai người đó làm” vậy đó anh.
Em gửi anh những tâm tư này hy vọng anh cho em lời khuyên về vấn đề nhân sự bởi em biết anh cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm này.
P/s: tồn tại thì công ty em đã tương đối ổn, tuy nhiên muốn phát triển (scale - up) mà không giải được bài toán nhân lực thì gần như là không thể.
Chia sẻ từ founder một công ty làm phần mềm tại Việt Nam.
Bài chia sẻ từ anh Cao Trung Hiếu
Sáng lập và điều hành Dân Trí Soft
Sáng lập và điều hành Dân Trí Soft
Đọc thêm:
>>> Kỳ 5: Làm thế nào để nhân viên trung thành?