Mức lương Bộ trưởng và công chức ở Singapore được đánh giá là thuộc top cao nhất thế giới.
Vấn đề tiền lương cho công chức đã được Thủ tướng Lý Quang Diệu đặt ra từ những năm 1985. Tại thời điểm đó, ông nhận thấy bộ máy công chức quản lý đất nước có GDP là 17 tỷ USD, tổng tiền lương chỉ là 2,5 triệu USD; còn một công ty vận tải biển dù chỉ làm ra 1 tỷ USD nhưng lương lãnh đạo cao cấp lại là 2 triệu USD.
Th.S Nguyễn Thị Vân Anh, trong tham luận gửi Toạ đàm "Thiền lương tối thiểu và an sinh xã hội" đã chỉ ra rằng để thu hút người tài, Singapore đã tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Theo đó, Chính phủ đã căn cứ thu nhập của khối tư nhân để đề ra mức lương công chức được hưởng.
Ngày 9/4/2007, Chính phủ Singapore đã công bố chế độ lương mới, hiệu lực từ 4/2007. Ngân sách nước này đã chi them 214 triệu đô Sing (SGD), nâng quỹ lương lên 4,7 tỷ SGD/năm.
Mức lương chuẩn để tính lương cho các chức vụ từ Thư ký thường trực trở lên là 2,2 triệu SGD, ngang bằng với mức thu nhập trung bình cùng năng lực 8 ngành trong khu vực tư nhân.
Lương của Thư ký thường trực và Bộ trưởng khởi điểm 1,2 triệu SGD lên 1,6 triệu tương đương 73% mốc lương chuẩn, đến cuối năm 2007 sẽ nâng lên bằng 77% và cuối năm 2008 sẽ là 88%.
Lương của Thủ tướng tăng từ 2,5 triệu lên 3,1 triệu; của Bộ trưởng Cao cấp và Cố vấn Bộ trưởng từ 2,7 triệu lên 3,04 triệu SGD.
Lương của cán bộ trung cấp trẻ và có triển vọng tăng từ 372 nghìn SGD lên 384 nghìn SGD gần ngang với thu nhập của người có độ tuổi từ 32 – 35 làm việc trong khu vực tư nhân.
Trong tiền lương có phần trả cố định hàng tháng, cụ thể Thủ tướng 102 nghìn, Thư ký thường trực và Bộ trưởng là 52,4 nghìn SGD. Phần còn lại được trả theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và hiệu quả công việc hàng năm.
Theo đó, hức lương Bộ trưởng và công chức ở Singapore vào loại cao nhất thế giới.
Chính phủ nước này lập luận rằng, chế độ đãi ngộ góp phần quyết định vào những thành công của Singapore trong những thập kỷ qua và hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, cạnh tranh chất xám từ khu vực tư nhân và từ các nước khác ngày càng quyết liệt.
Bên cạnh chế độ lương cao, Chính phủ Singapore còn có những đãi ngộ khác, để cạnh tranh nhân sự với khu vực tư nhân.
PGS.TS. Vũ Minh Khương giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho biết, hai yếu tố bên cạnh lương thu hút người tài tại Singapore là cơ hội thăng tiến, học hỏi và chính sách an sinh, cụ thể là BHXH.
Lương có thể không cao bằng tư nhân nếu như đất nước còn khó khăn nhưng phải giúp công chức đủ sống, theo ông Khương. Tuy nhiên điều quan trọng là những nhân sự này phải được đảm bảo có môi trường làm việc thuận lợi, công bằng, được tín nhiệm giao việc, có cơ hội vươn lên.
Yếu tố cuối cùng là bảo hiểm. Nguyên nhân người lao động mong muốn khi họ gặp những biến cố sẽ không bị rơi vào cảnh cùng cực. Do đó, người lao động sẽ ưu tiên những nơi làm việc có chính sách tốt về an sinh nhằm an tâm về tương lai.
Công thức trên được ông Khương cho rằng Việt Nam có thể học tập được với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên ông cũng khuyến cáo về việc cải tiến quy trình tuyển dụng công chức. Quy trình này đang được ông đánh giá là "chậm tiến bộ hơn Campuchia" vì vẫn đang dựa vào việc lấy phiếu tín nhiệm.
"Quy trình tuyển dụng cần có cải tiến, giám sát theo và có những hỗ trợ giúp người tài hành động tốt. Thông qua đó sẽ tạo ra được hệ sinh thái cho người tài", PGS. TS. Vũ Minh Khương cho hay.
Đề án cải cách tiền lương đang được Chính phủ Việt Nam xem xét. Một trong những phương án được trình lên thì mức lương công chức có thể đạt đến 33,4 triệu đồng/tháng ở mức chuyên gia cao cấp bậc 3, cao gấp 3 lần hiện nay. Đề án cải cách tiền lương được kỳ vọng sẽ đảm bảo được mức sống cho công chức nhà nước, đồng thời tạo động lực nâng cao năng suất lao động, thu hút người tài.
Theo Đ.Minh
Trí Thức Trẻ