"Ở Việt Nam, xét về mô hình thương mại điện tử B2C, có thể nói số 1 là Lazada thì số 2 là Facebook", ông Shohei Fujita nhìn nhận. Nhìn xa hơn, giai đoạn bán hàng online trên Facebook sẽ chỉ là giai đoạn sơ khởi. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chỉ bán hàng online trên nền tảng một bên thứ 3 trong khoảng 2 - 3 năm đầu…Nhìn vào trào lưu buôn bán trên mạng xã hội ở Việt Nam, ông Shohei Fujita, Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Interspace cho rằng: Việt Nam là một trong những quốc gia mà kênh bán hàng trên Facebook rất phổ biến.
"Xét về mô hình thương mại điện tử B2C, có thể nói số 1 là Lazada thì số 2 là Facebook", ông Shohei ví von.
Vị giám đốc Nhật Bản cho biết, các doanh nghiệp Nhật trong giai đoạn đầu - khi chưa có năng lực về công nghệ, platform - dùng nền tảng của bên thứ 3 để bán hàng tới người dùng cuối. Ở Nhật, Facebook không nổi tiếng, các doanh nghiệp thường mở "cửa hàng" trực tuyến trên Rakuten hay Amazon.
Nhưng họ cũng có chiến lược cho giai đoạn tiếp theo để không phụ thuộc vào nền tảng thứ 3 - tự xây dựng website cho doanh nghiệp mình.
"Tại sao họ tự xây website của mình mà không tiếp tục bán hàng trên Rakuten hay Amazon?", ông Shohei đặt dấu hỏi.
"Chỉ với website của mình, họ mới có data thực sự của khách hàng, và data này chỉ mình họ có chứ người khác không có được. Đối với việc kinh doanh online, data khách hàng chính là tài sản của doanh nghiệp".
Ở Nhật, thường sau khoảng 2 - 3 năm bán hàng trên các nền tảng Rakuten và Amazon, hầu hết doanh nghiệp Nhật đều mở website riêng. Các website này lượng visit còn cao hơn cả các shop họ có trên Amazon.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ thủ đô |
Nhìn vào thị trường Việt Nam, ông Shohei cho rằng: Việc người người bán hàng trên Facebook hiện giờ chỉ ở giai đoạn 1. Khi các shop còn nhỏ, chưa có năng lực về công nghệ, họ phải dùng những nền tảng dễ tiếp cận, không mất phí để có thể bán hàng.
"Nhưng khi các doanh nghiệp phát triển hơn, sang giai đoạn 2, họ sẽ tự tạo website, thậm chí tạo nhiều website để lấy data khách hàng và bán trực tiếp. Việc xây dựng website bán hàng riêng giúp họ có thể quản lý data, hàng hóa và bán rộng khắp hơn", ông Shohei nói.
"Facebook từng là một trong những nền tảng cực tuyệt vời để bán hàng"
"Facebook từng là một trong những nền tảng cực tuyệt vời để bán hàng", ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade Vietnam - chia sẻ.
Đó là câu chuyện của 2 năm trước.
Do sự cạnh tranh quá nhiều cũng như việc không kiểm soát được chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng đã mất dần lòng tin cũng như người bán không còn nhìn Facebook như một kênh bán hiệu quả nữa, đặc biệt khi chi phí ngày càng tăng.
Hơn nữa, khi Facebook hay Google có sự thay đổi về thuật toán, việc kinh doanh của người bán tất bị ảnh hưởng, có thể mất khách hàng, mất fanpage, mất database.
"Hầu hết Publisher (người tiếp thị sản phẩm để nhận hoa hồng - PV) của Accesstrade dùng website. Họ phải tự xây dựng website riêng dù đơn giản hay phức tạp, vì họ hiểu data người dùng là thứ giá trị nhất. Không làm website sẽ không có data".
"Yếu tố thứ 2 là họ hay dùng Google và Facebook để hút lượng khách vào website của họ. Publisher hoặc doanh nghiệp nào hiểu rõ được chuyện đó thì sau khoảng 1 - 2 năm, họ đều vô cùng vững chãi và tăng trưởng ổn định. Những bạn phụ thuộc quá nhiều vào nền tảng như Google và Facebook thì những lúc có sự thay đổi về thị trường hay thuật toán, chính sách mới của doanh nghiệp cung cấp nền tảng…, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn", ông Hưng phân tích.
Theo Trí Thức Trẻ