Dẫn nhiều nghịch lý trong xuất khẩu gạo để minh họa cho những khó khăn của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, chuyên gia kinh tế PhạmChi Lan cho rằng dù đã cắt giảm nhiều nhưng Bộ Công Thương vẫn đang là một trong ít bộ quản nhiều điều kiện kinh doanh nhất Việt Nam. Việc kéo dài sửa đổi những bất cập của Nghị định 109 về xuất khẩu gạo nhiều năm khiến cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân bà thấy bức xúc.
Cửa hẹp
Mổ xẻ những vấn đề của xuất khẩu Việt Nam nhiều năm qua tại Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm "Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững” do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 8/8, bà Phạm Chi Lan cho rằng, xuất khẩu được nhắc đến hằng ngày trong các hội thảo tại Việt Nam và bàn mãi không hết chuyện.
Theo bà Lan, nhiều tổ chức đã đánh giá Việt Nam đang ở trước ngã rẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới hoặc là tiếp tục xuất khẩu hàng gia công, lắp ráp giá trị thấp. Thực tế hiện nay, dư địa dành cho các DN sản xuất trong nước không nhiều do các DN FDI lớn đã xây dựng mạng lưới cung cấp riêng. Hầu hết các công đoạn giá trị gia tăng cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi… đều nằm ngoài Việt Nam. Các dịch vụ quan trọng cũng đều do các DN ngoại cung cấp.
Một thực tế nữa phải chấp nhận là cả nước hiện chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng, nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong các DN này, chỉ có 2% là DN lớn, 2%-5% là DN vừa còn lại là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Những điểm yếu trường kỳ này là tác nhân khiến DN Việt không có cửa chen chân vào các chuỗi giá trị mang lại thặng dư cao, đặc biệt trong bối cảnh xuất nhập khẩu ngày càng phụ thuộc nhiều vào khối FDI. Kể lại câu chuyện Công ty Hồ Quang của nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng chọn đi theo cửa ngách thành công trong xuất khẩu khi tập trung đầu tư sản xuất gạo chất lượng cao ST24 lọt vào đến top 3 thế giới về đạt chuẩn hữu cơ tốt nhất đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, EU, Nhật Bản, bà Lan cho rằng, đây là trường hợp rất hiếm hoi trong lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, DN chưa kịp mừng với thành công thì lại bị “trói” bởi những quy định của Nghị định 109 đòi hỏi các quy mô xuất khẩu lớn.
“Trong nghị định về xuất khẩu gạo có quá nhiều quy định vô lý, đã được doanh nghiệp, chuyên gia góp ý trong suốt 8 năm qua. Tháng 6/2017 Bộ Công Thương lôi ra sửa và không hiểu sao đến nay, sau 14 tháng, mọi việc vẫn vậy, không sửa nổi những trói buộc vô lý của nghị định. Những thay đổi của Nhà nước chậm như vậy làm khó cho DN. Muốn tăng cường xuất khẩu phải cởi trói ngay cho các DN đi theo hướng công nghệ cao, thúc đẩy xuất khẩu theo giá trị chứ không phải theo số lượng”, bà Lan nói.
Yếu vì trong nước mải lo “giết nhau”
Để đẩy mạnh xuất khẩu, theo các DN tham gia hội thảo cần học các kinh nghiệm của nước ngoài trong việc liên kết chuỗi để cùng bước ra thị trường nước ngoài thay vì mải đấu đá ở thị trường trong nước. Thái Lan hiện đang là mô hình gần gũi với các DN Việt trong việc thực hiện các mô hình xuất khẩu thành công.
Như phở đóng gói ăn liền mang tên Phở Việt của DN Thái Lan nhờ xây dựng được mạng lưới phân phối, bắt mạch sản phẩm được ưa thích và đảm bảo độ an toàn cao để tấn công thị trường Mỹ. Nhãn hàng này của DN Thái Lan đến nay bán rất chạy trong khi DN Việt không ai lấy tên Phở Việt để kinh doanh xuất khẩu. Xuất khẩu sản phẩm nông sản, gạo của Thái Lan cũng là những bài học mà các DN Việt cần học hỏi.
Chia sẻ thêm thông tin, theo bà Phạm Chi Lan, nghịch lý của DN Việt là hiện Thái Lan cũng dùng tên nước mắm Phú Quốc để xuất khẩu. Tuy nhiên các DN sản xuất trong nước thay vì đi kiện DN Thái về việc dùng nhãn hàng của Việt Nam, lại quay ra dựng chuyện nước mắm để đánh các DN sản xuất mắm truyền thống ở thị trường nội địa.
“Việc doanh nghiệp lớn quay sang đánh các doanh nghiệp sản xuất nước mắm nhỏ trong nước thay vì mở rộng thị trường nước ngoài không bao giờ giúp DN lớn được.”, bà Lan nói.
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Chè Thế hệ mới với nhãn hiệu Cozy cho hay, kinh doanh trong nước hay khai thác thị trường xuất khẩu đều có cái khó riêng. Với thị trường trong nước, DN phải cho siêu thị tới 500 nghìn USD để được đưa hàng lên kệ. Còn quản lý doanh nghiệp ở nước ngoài cũng không đơn giản.
Theo ông Tuân, để trở thành quốc gia xuất khẩu hàng giá trị gia tăng, Nhà nước cần có chính sách thuế phù hợp cũng như có chính sách ưu đãi DN mở hệ thống phân phối tại nước ngoài. Cùng đó, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hình ảnh đất nước thông qua một số ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh. Việc thiếu công nghệ mạnh cũng là vấn đề trong thúc đẩy xuất khẩu của đất nước.
"Sự chậm trễ trong sửa sai của cơ quan quản lý đủ thời gian để "giết chết" một loạt doanh nghiệp trong một năm. Thực sự, DN không đủ kiên nhẫn sống để chờ sự thay đổi từ Nhà nước. Lâu nay chúng ta mải xuất khẩu mà bỏ quên sân nhà để các DN nước ngoài tận dụng được những lợi thế mở cửa theo các cam kết FTA tràn vào, không bảo vệ được thị trường trong nước".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong