Trong cuộc sống bận rộn hối hả ngày nay, ai trong chúng ta cũng có lần phải làm nhiều việc một lúc, bất kể là có nhiều người cảnh báo về tác hại của việc đó đối với năng suất và hiệu quả làm việc.
Nhưng một số nghiên cứu khác lại cho biết làm nhiều việc một lúc có khá nhiều lợi ích. Chẳng hạn vừa lái xe đường dài vừa nói chuyện điện thoại (tất nhiên là dùng tai nghe) sẽ giúp tài xế tỉnh táo.
Những kết luận này, mặc dù khá thú vị nhưng lại khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi. Vậy làm nhiều việc một lúc là tốt, xấu hay là không thể?
Chuyển giữa các việc với nhau
Những gì mà ta hay gọi là làm nhiều việc một lúc thì các nhà tâm lý học lại gọi là "chuyển nhanh giữa các việc".
Ví dụ, khi bạn vừa nhắn tin vừa xem phim, tâm trí của bạn chuyển từ bộ phim sang điện thoại. Cùng một lúc bạn không thể tập trung vào cả hai được. Khi bạn đọc một tin nhắn, nghĩa là bạn bỏ lỡ một đoạn của bộ phim. Đây là lý do tại sao các nhà tâm lý học cho rằng làm nhiều việc một lúc là không thể.
Và quá trình này tất nhiên có những tác động tiêu cực. Có một sự chững lại khi chuyển từ việc này sang việc khác, và đôi khi là giảm hẳn năng suất hoặc hiệu quả công việc.
Tính toán rủi ro
Đối với một số việc, như nhận diện giới tính của một khuôn mặt, sau đó chuyển qua nhận diện biểu hiện trên khuôn mặt đó, thì quá trình chuyển qua lại giữa hai việc chỉ mất khoảng 200 mili giây. Nhưng năng suất sẽ giảm tới 40% nếu bạn vừa học vừa xem phim.
Ở các công sở, người ta liên tục bị ngắt quãng khi đang làm việc. Ai mà từ chối được việc phải nghe đồng nghiệp kể về con cái họ?
Theo ước tính, mỗi năm ở Mỹ quá trình ngắt quãng này làm thiệt hại tới 650 tỷ USD. Chuyên gia khoa học máy tính Gloria Mark ở Đại học California, Irvine còn tính ra được mức trung bình 25 phút để mỗi người quay lại làm đúng việc trước đó mình đang làm mà bị ngắt quãng giữa chừng.
Trên thực tế, khi bạn nhận một cuộc điện thoại, bạn vừa nói chuyện với người ở đầu dây bên kia vừa có thể bị phân tâm bởi những thứ khác nữa. Và theo ước tính, điều đó khiến bạn mất đến 68 giây để nhớ ra là bạn đang làm gì trước khi nhận điện thoại.
Lời khuyên thiết thực
Tác động tiêu cực khi làm nhiều việc một lúc là có thực, và chúng ta rất ít khi lường được vì không dễ gì nhận ra những tác động này. Sự ngắt quãng và phải làm nhiều việc một lúc, nhìn chung, đều khiến ta giảm năng suất lao động.
Lời khuyên ở đây khá đơn giản: Khi đang làm việc gì đó đòi hỏi phải suy nghĩ, tốt nhất đừng làm việc gì khác nữa.
Để vừa giữ được sự tập trung mà lại vừa làm được nhiều việc, hãy thử chia một ngày của bạn thành các khoảng thời gian nửa giờ. Nếu đang làm một việc mà muốn chuyển sang việc khác, hãy chờ nửa giờ sau. Làm thế để mỗi việc bạn đang làm không bị ngắt quãng trong ít nhất là nửa giờ.
Làm nhiều việc một lúc không phải không có mặt tốt của nó. Nếu trong nhiều việc phải làm có một việc gì đó cực kỳ đơn giản, hoặc bạn có thể làm mà không cần phải để tâm, thì tác động không có gì đáng kể. Chẳng hạn, nghe nhạc khi đang tập thể dục thậm chí còn giúp bạn cảm thấy thư thái và thoải mái vận động hơn.
Thậm chí chuyển từ việc này qua việc khác cũng có tác dụng làm tâm trí bạn được nghỉ ngơi và trải nghiệm cái mới. Ngoài ra, quy tắc "nửa giờ" cũng giúp bạn cảm thấy có động lực làm việc. Mục đích ở đây là khiến bạn cảm thấy mình chỉ có 30 phút để làm một việc gì đó. Dù cho bạn đang say mê làm việc đó, nhưng chỉ có 30 phút để làm sẽ khiến bạn tập trung và làm việc hiệu quả hơn.
Đinh Vân
Theo Trí Thức Trẻ