Albert Einstein từng nói, chỉ có hai thứ không có giới hạn trên cuộc đời này, đó chính là vũ trụ và … thời gian dùng thử WinRar. Tất nhiên, câu nói kia không phải là của Einstein, nhưng có bao giờ bạn thắc mắc làm sao mà WinRar có thể tồn tại khi khách hàng không bỏ 1 xu nào mà vẫn dùng thử mãi mãi?
Lịch sử của WinRar
Vào năm 1993, một định dạng mới tên Roshal Archieve (hay được gọi tắt là RAR) xuất hiện với tính năng nén, giải nén và khôi phục dữ liệu. Dù được phát triển bởi một nhà lập trình người Nga tên Eugene Roshal, nhưng bản quyền định dạng này lại được đăng ký dưới tên Alex Eminent.
Chỉ hai năm sau khi xuất hiện, phần mềm WinRAR ra đời với tính năng nén và giải nén tập tin trên hệ điều hành Window và ngay lập tức trở thành một tên tuổi phổ biến.
Như nhiều phần mềm khác trên thị trường, WinRAR cho phép người dùng sử dụng miễn phí một thời gian trước khi đưa ra quyết định có muốn mua bản quyền chính thức hay không. Đối với đa số các phần mềm khác, khi thời gian dùng thử kết thúc, mọi tính năng sẽ bị vô hiệu và người dùng phải bỏ ra một số tiền cụ thể để tiếp tục sử dụng sản phẩm.
Nhưng với WinRAR, khách hàng vẫn mặc nhiên sử dụng sản phẩm mặc dù chẳng bỏ chút tiền nào để mua bản quyền. Mọi tính năng cơ bản nhất của WinRAR vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường, điểm khác biệt duy nhất mà người dùng nhận ra là dòng cảnh báo:
"Vui lòng nhớ rằng WinRAR không phải là một phần mềm miễn phí. Sau khi sử dụng thử trong 40 ngày, bạn phải mua bản quyền hoặc gỡ bỏ phần mềm ra khỏi máy."
Chính vì thế, WinRAR được vô số người dùng gọi với biệt danh là "annoyware", một phần mềm gây "phiền phức" khi liên tục nhắc nhở thời gian sử dụng thử đã hết.
Và tất nhiên rằng đa số người dùng chỉ tốn chưa tới 1 giây để tắt nội dung kia rồi tiếp tục sử dụng WinRAR như bình thường. Liệu đây có phải là một lỗi của chương trình? Nếu thế thì công ty này kiếm tiền bằng cách nào?
WinRAR và thời gian dùng thử… bất tận
Khi tham dự một hội thảo về Tình hình đánh cắp bản quyền vào năm 2013, Burak Canboy - CEO của WinRAR đã phát biểu như sau: "Đánh cắp bản quyền thật ra không ảnh hưởng đến chúng tôi là mấy, bởi vì WinRAR luôn sẵn sàng cho phép người dùng sử dụng phần mềm ngay cả khi hết thời gian dùng thử.
Rất nhiều người dùng còn tưởng rằng WinRAR là một phần mềm hoàn toàn miễn phí, chính vì thế, họ rất vui vẻ vào thẳng trang web của chúng tôi để tải về, tránh được rủi ro sử dụng các phần mềm đã được "cracked" và không chính thống."
Có nghĩa rằng, việc người dùng không thèm quan tâm đến dòng cảnh báo hết hạn và vẫn tiếp tục sử dụng là điều mà WinRAR đã biết quá rõ.
Đó hoàn toàn không phải là một lỗi kỹ thuật mà là một kế hoạch kinh doanh cực kỳ thông minh. "Nhất tiễn song điêu", thời gian dùng thử bất tận vừa giúp WinRAR chống lại việc vi phạm bản quyền, vừa giúp phần mềm này trở thành một trong những yếu tố "tiên quyết" khi bất kì máy tính nào được kích hoạt.
Vậy Winrar kiếm tiền bằng cách nào?
Thắc mắc cuối cùng chính là doanh thu để duy trì hoạt động của WinRAR. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ dòng nhắc nhở "40 ngày dùng thử đã kết thúc", tuy nó chỉ gây một ít khó chịu và tốn chưa tới 1 giây để giải quyết, nhưng chính dòng chữ này đã trở thành một nguy cơ tiềm tàng đối với các tập đoàn lớn.
Dù Winrar không còn là một ứng dụng "bắt buộc", nhưng phần mềm này vẫn được hàng triệu công ty trên khắp thế giới tin dùng.
Winrar thừa biết rằng hơn 90% người dùng của mình là những khách hàng cá nhân luôn thích sự miễn phí và Winrar sẵn lòng cho họ tiếp tục sử dụng sản phẩm, vì trên thực tế, doanh thu từ những khách hàng này vừa ít lại vừa khó kiếm được.
Nhưng đối với những tập đoàn "tỷ đô", những người sử dụng WinRAR để nén những đơn hàng, những hợp đồng và dữ liệu đáng giá "triệu đô", sử dụng phần mềm WinRAR đã được mua bản quyền là một việc tất yếu.
Hãy tưởng tượng thông báo "40 ngày dùng thử đã kết thúc" hiện lên trong lúc các đối tác đang bàn về những dự án trị giá "triệu đô", một công ty không sẵn lòng bỏ 29,99 USD ra để mua một phần mềm bản quyền chắc chắn sẽ đánh mất hình ảnh của mình ngay trong buổi họp.
Chưa kể rằng đối với những công ty mang tư cách pháp nhân, WinRAR có thể dễ dàng đâm đơn kiện lên tòa án với cáo buộc sử dụng sản phẩm trí tuệ vượt quá thời gian cho phép. Làm thế nào mà chối cãi được trong khi dòng nhắc nhở kia xuất hiện mỗi ngày như một lời cảnh báo. Rủi ro này cũng quá đủ để các tập đoàn lớn "mua đứt" WinRAR để tránh thiệt hại về sau.
WinRAR không kiếm tiền trực tiếp trên người dùng, WinRAR kiếm tiền từ các tập đoàn!
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế, những người dùng "miễn phí" kia hoàn toàn không biết rằng mình cũng đang đóng góp một phần lớn trong việc duy trì thương hiệu WinRAR ở mức cao, những đánh giá và chấm điểm của người dùng cá nhân đang đưa tên tuổi và danh tiếng của WinRAR vượt qua những đối thủ khác trên thị trường.
Thêm vào đó, nếu đã quá quen sử dụng WinRAR ở nhà, các người dùng này sẽ trở thành một "đại sứ thương hiệu", góp phần đem WinRAR đến gần hơn những khách hàng tiềm năng: các tập đoàn mà họ làm việc.
WinRAR liên tục đưa ra các chiến lược giúp phần mềm của mình trở thành tên tuổi đại diện cho việc nén và giải nén dữ liệu, vào năm 2015, WinRAR còn tung ra một phiên bản hoàn toàn miễn phí cho quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất là Trung Quốc.
Không những thế, WinRAR còn có hẳn một ứng dụng riêng dành cho Android, hoàn toàn miễn phí và không nhắc nhở khách hàng phải mua bản quyền, nhưng ứng dụng này lại đem về doanh thu bằng cách chèn quảng cáo vào trong giao diện.
Thế mới biết, nếu sản phẩm miễn phí thì người dùng mới chính là sản phẩm.
Theo Lê Thanh Sang
Trí Thức Trẻ