(SGTT) - Người tiêu dùng ngày nay dường như sẵn sàng thỏa hiệp trong chuyện mạo hiểm dữ liệu cá nhân để đổi lấy những tiện ích mà sản phẩm công nghệ cao mang lại.
Người tiêu dùng thường háo hức với những công nghệ mới mà bỏ quên tính rủi ro của chúng. |
Matthew Rathbun, Phó Chủ tịch công ty kinh doanh bất động sản Coldwell Banker Elite (Mỹ) cho rằng, trên lý thuyết con người sẽ cảm thấy khó chịu khi bị vây quanh bởi vô số các thiết bị điện tử có thể nghe và nhìn thấy những gì họ đang làm. Nhưng thực tế thì có vẻ như người ta không những không sợ mà còn đang rất hào hứng với những công nghệ càng ngày càng khó bảo mật hơn.
Lo lắng kiểu nửa vời
Theo báo cáo của Đại học Washington năm 2017, đã có hàng trăm triệu thiết bị dùng trong nhà thông minh có mặt ở hơn 40 triệu hộ dân ở Mỹ.
Là một nhà môi giới bất động sản, Rathbun nhận thấy cần phải trang bị kiến thức về lĩnh vực thiết bị gia dụng và nhà thông minh để có thể thu hút khách hàng hơn. Ông Rathbun nhận ra rằng dù một vài khách hàng vẫn còn e ngại vấn đề mất an toàn thông tin, nhưng phần đông lại cho biết họ thấy chuyện tự động hóa trong nhà ở là điều tốt. Riêng bản thân mình, Rathbun cũng thừa nhận việc điều chỉnh nhiệt độ máy sưởi trong đêm dễ dàng hơn nhiều nếu chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại là xong, không còn phải khó nhọc lê bước xuống cầu thang như trước nữa.
Chuyên gia trang trí nội thất Lantha Carley bày tỏ rằng mặc dù cô không bao giờ sử dụng trợ lý ảo Alexa của Amazon vì sợ bị nghe lén. Điều trái khoáy là cô cảm thấy chẳng có gì đáng lo ngại nếu dùng điện thoại thông minh. Đối với cô chúng thật sự giúp ích khi chỉ cần sử dụng ứng dụng trên chiếc điện thoại của mình để điều khiển hệ thống đèn, bật máy sưởi trước khi về đến nhà trong mùa đông giá lạnh.
Những chia sẻ của Carley và Rathbun đã được phản ánh trong một nghiên cứu được tiến hành bởi anh Eric Zeng, nghiên cứu sinh của trường Đại học Washington, Mỹ. Cùng với các cộng tác viên của mình anh đã phỏng vấn 15 chủ nhân của những ngôi nhà thông minh về mối quan tâm của họ đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Mặc dù những người được phỏng vấn đều có ý thức về vấn đề an ninh mạng như việc đánh cắp dữ liệu, theo dõi và xâm phạm bảo mật, nhưng không ai cho rằng chúng đến từ những sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày.
Càng hiện đại càng bất an
Một ví dụ mới nhất là chuyện nhà thông minh. Jeremy Warrent, Trưởng bộ phận công nghệ của Vivint, một công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực nhà thông minh, nói rằng công ty tập trung vào xu hướng “một cho tất cả” để thu hút khách hàng. Tích hợp nhiều thiết bị thông minh như chuông cửa, camera trong nhà và ngoài sân, khóa cửa, lò sưởi vào một ứng dụng duy nhất sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm có tính tập trung hơn. Vì vậy người dùng sẽ không cần tải riêng nhiều ứng dụng để điều khiển các thiết bị này.
Nếu có người nào đó xuất hiện trước cửa nhà trong khi bạn đang làm việc, bạn có thể điều khiển camera bên ngoài để xem người đó là ai. Bạn cũng có thể nói chuyện với họ qua loa thông minh. Thậm chí bạn còn có khả năng tắt hệ thống an ninh đi, ra lệnh mở cửa cho họ và theo dõi họ đang làm gì trong nhà. Tất cả đều được điều khiển chỉ bằng một ứng dụng duy nhất trên điện thoại của bạn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc chiếc điện thoại thông minh, vốn có thể nghe và “nhìn thấy” bạn, thu thập mọi dữ liệu về đời sống suy nghĩ của bạn, nay đã giữ luôn chìa khóa căn nhà bạn.
Mối lo không to bằng tiện ích
Về phía nhà phát triển, Warrent khẳng định công nghệ của Vivint an toàn, và đại diện của Vivint là Liz Tanner luôn nhấn mạnh phương châm hoạt động “mã hóa mọi thứ”. Hệ thống có mật khẩu được mã hóa, công ty làm việc trên mạng Wi-Fi mã hóa, video cũng được mã hóa từ trung tâm của Vivint lên đám mây dữ liệu và ngược lại.
Liệu một lời cam kết như vậy đã là đủ? Trước đây, có nhiều vụ các ‘hacker’ công nghệ cao đã từng xâm nhập và điều khiển các thiết bị điện tử thông minh lắp trong nhà qua đó thu thập các thông tin nhạy cảm của người dùng. Các công ty công nghệ luôn phải liên tục cố gắng ngăn chặn những sự việc như vậy này tái diễn.
Vấn đề của công nghệ luôn nằm ở chỗ khả năng bảo mật thường phải theo sau tốc độ xâm nhập vào cuộc sống riêng của con người. Những năm gần đây, hàng loạt các vụ rò rỉ thông tin cá nhân cũng có mang đến cho người dùng những lo ngại nhất định. Vậy nhưng điều đáng nói là những rủi ro chưa đủ để giúp cho mỗi người chúng ta cẩn trọng hơn khi sử dụng các thiết bị điện tử.
Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, các khách hàng thuộc nhóm trung lưu có vẻ không quan tâm lắm đến vấn đề bảo mật dữ liệu. Nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm khách hàng này thường vẫn luôn đánh giá các dữ liệu của họ chưa đủ giá trị để kẻ xấu quyết tâm khai thác. Có vẻ như trong tâm lý người tiêu dùng bây giờ, cán cân bảo mật dữ liệu - tiện ích đang nghiêng hẳn về một phía.
Lam Nguyen