(TBKTSG) - Tại cuộc họp mới đây với các bộ, ngành và một số địa phương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói 2019 là năm tăng tốc để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội cho cả năm năm, đồng thời ông cũng lưu ý các lãnh đạo trong hệ thống hành chính không được sợ trách nhiệm, tránh tình trạng quá thận trọng, chần chừ, giữ an toàn là chính.
Muốn trị được căn bệnh sợ trách nhiệm nơi các cơ quan hành chính nhà nước, điều tiên quyết là cải cách triệt để hệ thống luật lệ và thủ tục hành chính. Ảnh: TL |
Có thể nói, sợ trách nhiệm là căn bệnh phổ biến, đã tồn tại trong hệ thống hành chính từ rất lâu và cũng là căn bệnh rất dễ “lây nhiễm”. Không phải ngẫu nhiên mà khi bàn về nhiệm vụ của năm 2019 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lại đề cập đến vấn đề “sợ trách nhiệm”, “an toàn là chính”... vì đây là giai đoạn bắt đầu công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp và toàn quốc, thời điểm mà bệnh sợ trách nhiệm rất dễ bùng phát. Ngoài ra, đây cũng là căn “bệnh mãn tính” tại không ít các cơ quan nhà nước, nhất là vào những giai đoạn được xem là nhạy cảm như bị thanh tra, kiểm tra hoặc khi có bất cập nào đó liên quan đến các cơ quan, đơn vị, địa phương... bị đưa lên mổ xẻ trên các phương tiện truyền thông.
Mặc dù bệnh sợ trách nhiệm chỉ có ở một số cán bộ trong các cơ quan công quyền, nhưng tác động tiêu cực của nó lại lan tỏa đến hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn và có khi là hàng triệu người dân và doanh nghiệp. Thời gian chờ hoàn tất các thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền thường xuyên là chuỗi ngày dài mòn mỏi, có khi là hàng năm trời, thậm chí là vô thời hạn để chờ “xin ý kiến” cấp trên, chờ “văn bản hướng dẫn”, chờ “rà soát để chấn chỉnh”... Điều đáng nói là không chỉ có người dân và doanh nghiệp mà ngay cả không ít cơ quan nhà nước cũng là “nạn nhân” của căn bệnh sợ trách nhiệm này. Tình trạng các dự án đầu tư công bị kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục dẫn đến chậm tiến độ có phần không nhỏ từ nguyên nhân này.
Muốn trị được căn bệnh sợ trách nhiệm nơi các cơ quan hành chính nhà nước, điều tiên quyết là cải cách triệt để hệ thống luật lệ và thủ tục hành chính. Chỉ với hệ thống luật lệ đơn giản, minh bạch, dễ hiểu và không thể có diễn giải khác nhau, không thể vận dụng... thì các cán bộ công quyền mới tự tin và yên tâm mà thực thi chức trách. Còn với môi trường pháp luật rối rắm, còn nhiều chồng chéo và mù mờ như hiện nay thì sợ trách nhiệm là điều đương nhiên.
Bên cạnh đó, quan điểm đánh giá của các cơ quan hành pháp, tư pháp đối với những “sự cố” của các cán bộ có trách nhiệm thực thi nhiệm vụ ở các cơ quan hành chính nhà nước cũng là điều đáng phải xem xét.
Lâu nay lãnh đạo Đảng và Chính phủ luôn khuyến khích và đề cao cán bộ công chức dám đột phá, dám đổi mới sáng tạo và trong điều kiện cơ chế chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ nhưng trong thẩm quyền của mình thấy việc gì có lợi cho dân vẫn dám làm, dám chịu trách nhiệm, chứ không phải cái gì cũng sợ sệt xin ý kiến. Nhưng một lãnh đạo của Bộ Tài chính lại chỉ ra một thực tế khác, đó là “Anh em sợ rằng làm 10 cái, 8 cái đúng nhưng chỉ 1-2 cái sai là theo quy chế đánh giá cán bộ sẽ bị xử lý ngay”. Nhẹ thì bị cắt thi đua, khiển trách... nặng thì có thể bị truy tố hình sự.
Đột phá, đổi mới, sáng tạo có nghĩa là làm điều chưa có ai làm, chưa có trong quy định nên cũng không thể biết chắc nó có mang lại hiệu quả tích cực hay không, có tác động tiêu cực không lường được hay không. Do đó, không thể trách những cán bộ vì sợ trách nhiệm mà không dám đột phá, đổi mới, sáng tạo vì nếu lỡ sai thì bản thân họ có thể phải gánh lấy hậu quả và có khi là rất nặng nề. Trong quá khứ, câu chuyện về ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, là một ví dụ điển hình.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn