(TBKTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa của Nhật Bản, đáng chú ý là những doanh nghiệp cung cấp mặt hàng tiêu dùng, gia dụng muốn đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam vì nhìn thấy tiềm năng thị trường trong nước đang phát triển.
Doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản đang trao đổi tại buổi kết nối giao thương Good Goods Japan 2018". Ảnh: Lê Hoàng |
Ông Ayumi Kusaba, Phó giám đốc tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết như trên tại sự kiện "Kết nối doanh nghiệp ngành Hàng tiêu dùng Nhật Bản - Good Goods Japan 2018" do JETRO tổ chức tại TPHCM vào ngày 4-12. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam.
So với các thị trường Thái Lan, Malaysia và Thượng Hải (Trung Quốc) được JETRO tổ chức trước đó, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thị trường Việt Nam lần này nhiều hơn hẳn, cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp xứ hoa anh đào với thị trường Việt Nam khá lớn, ông Ayumi Kusaba chia sẻ. Tham gia sự kiện này, các doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu đến thị trường Việt Nam các sản phẩm đa dạng mẫu mã và phong phú chủng loại như đồ dùng trẻ em, dụng cụ bếp, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, văn phòng phẩm...
Theo đại diện JETRO, điểm mới của sự kiện này là các doanh nghiệp Nhật Bản mang tới những sản phẩm có nhiều chức năng ưu việt, thiết kế trang nhã để khai thác thị trường Việt Nam. Đồng thời, sự kiện sẽ giới thiệu những sản phẩm mới, có nhiều chức năng tiện lợi chưa có trên thị trường.
Trước đó, JETRO cũng tổ chức hội thảo để tìm hiểu thông tin thị trường, lắng nghe ý kiến từ các nhà phân phối, tham quan các cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại lớn. Cụ thể, tổ chức này tổ chức cho đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đến các điểm bán lẻ tại TPHCM như chuỗi Nhà sách Phương Nam, chuỗi bán lẻ hàng Nhật Hachi-Hachi, Kohnan Vietnam, Van Hanh Mall và các cửa hàng bán dụng cụ gia dụng để khảo sát, tìm hiểu khả năng đưa hàng vào thị trường Việt Nam.
Lợi thế của doanh nghiệp Nhật Bản là cạnh tranh về chất lượng nhưng thách thức lại là giá bán khá cao. Do đó, theo ông Ayumi Kusaba, việc đi khảo sát thực tế ở các điểm bán lẻ tại TPHCM nhằm giúp doanh nghiệp Nhật Bản có thể điều chỉnh giá bán phù hợp hơn nhằm cạnh tranh. Mặt khác, nếu thấy tiềm năng thị trường lớn, doanh nghiệp Nhật sẽ đầu tư sản xuất tại Việt Nam để cạnh tranh.
"Trước đó, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã thực hiện đầu tư sản xuất ở Việt Nam sau khi khảo sát thị trường", ông Ayumi Kusaba nói.
Hùng Lê