Sự nghiệp Satya Nadella, người đưa Microsoft vượt mặt Apple sau chưa đầy 5 năm

Microsoft vừa vượt qua Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Kỳ tích của Microsoft lập được chỉ chưa đầy 5 năm sau khi ông Satya Nadella ngồi ghế Tổng Giám đốc công ty.
Khi ông Nadella được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc (CEO) Microsoft tháng 2/2014, công ty đang ở tình trạng không hề ổn thỏa: Windows 8 là một thảm họa, nhân viên đấu đá nhau, người dùng và lập trình viên đều mất niềm tin.

Tuy nhiên, thời thế đã đổi thay. Cuối tuần trước, giá trị vốn hóa của Microsoft vượt Apple. Microsoft chính thức trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới. Tất cả làm được chỉ chưa đầy 5 năm sau khi ông Nadella ngồi lên chiếc ghế cao nhất của Microsoft. Ông đã xoay chuyển công ty và nói không ngoa, đưa nó lên tầm cao mới.

Satya Narayana Nadella sinh tại Hyderabad, Ấn Độ năm 1967. Cha của ông là một công chức, mẹ là giáo sư tiếng Sanskrit. Từ khi còn nhỏ, ông đã muốn làm cầu thủ chơi cricket chuyên nghiệp và chơi tại trường học. Dù vậy, ông nhận ra đam mê dành cho khoa học, công nghệ lớn hơn nhiều. Ông nhận bằng cử nhân kỹ sư điện của Viện Công nghệ Manipal năm 1988. Ông nói: “Tôi luôn biết rằng tôi muốn chế tạo mọi thứ”.

Do họ không có chương trình học khoa học máy tính thực sự, ông Nadella đến Mỹ để học tại Đại học Wisconsin-Milwaukee, nơi ông tốt nghiệp năm 1990. Năm 1992, ông gia nhập Microsoft. Thời điểm đó, Bill Gates vẫn là CEO, Windows mới bắt đầu hành trình thống trị thế giới. Nadella là một trong khoảng 30 người nhập cư từ Ấn Độ làm việc tại công ty. Dự án đầu tiên của ông là sản phẩm truyền hình tương tác và hệ điều hành Windows NT. Cùng thời gian này, ông kết hôn với Anu, người vẫn sống tại Ấn Độ. Sau đó, mọi chuyện phức tạp hơn do luật nhập cư. Ông xin visa H-1B để đưa vợ sang Mỹ sống cùng.

Trong những năm đầu tại Microsoft, ông Nadella gây ấn tượng với sếp và đồng nghiệp khi mỗi cuối tuần lại đi từ trụ sở Microsoft đến Trường Kinh tế Booth của Đại học Chicago để hoàn thành khóa học MBA. Ông tốt nghiệp năm 1997. Năm 1999, ông nhận chức vụ đầu tiên, đó là Phó Chủ tịch Microsoft bCentral, bộ dịch vụ web cho doanh nghiệp nhỏ.

Năm 2000, Microsoft có CEO thứ hai: Steve Ballmer. Năm 2001, ông Nadella trở thành Phó Chủ tịch phụ trách Microsoft Business Solutions. Năm 2007, ông giữ chức Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Microsoft Online Services, đồng nghĩa ông chịu trách nhiệm công cụ tìm kiếm Bing cũng như các phiên bản Office trực tuyến và Xbox Live đầu tiên.

Tháng 2/2011, ông tiếp tục thăng chức, trở thành Chủ tịch bộ phận Servers & Tools, bộ phận phụ trách các trung tâm dữ liệu cho các công ty như Windows Server và cơ sở dữ liệu SQL Server, đồng thời một trong các ván bài táo bạo nhất của ông Ballmer: nền tảng đám mây Azure. Khi tiếp nhận bộ phận này, nó có doanh thu khoảng 16,6 tỷ USD. Hiện tại, doanh thu tăng lên 20,3 tỷ USD.

Vào lúc này, Microsoft lâm vào rắc rối. Về mảng PC, Windows 8 là thảm họa, Android và iOS vượt điện thoại Windows một chặng dài, Bing không thể tìm chỗ đứng khi Google là "trùm" tìm kiếm. CEO Ballmer cũng không chịu nổi "nhiệt". Tháng 8/2013, ông tuyên bố sẽ từ chức và tìm kiếm CEO mới. Hội đồng tìm kiếm bao gồm cả ông Ballmer và Bill Gates.

Tháng 2/2014, sau nhiều suy đoán và tin đồn, ông Nadella được thông báo sẽ đảm nhận chức vụ này, với sự ủng hộ của hai CEO đi trước. Để lôi kéo ông Nadella, Ban quản trị Microsoft phê duyệt lương bổng 84 triệu USD trong năm đầu tiên. Ông đã gửi email cho nhân viên khi nhậm chức. Email của ông viết "gia đình, sự tò mò và khát khao hiểu biết định hình ông". Ông còn so sánh việc lập trình với thơ ca.

Tân CEO nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhân viên Microsoft nhờ các thay đổi lớn trong nỗ lực giành lại khách hàng và đi đúng hướng. Nó bao gồm cả những việc không tưởng như đưa đối thủ Linux lên đám mây Azure; ra mắt Office cho iPad; chi 2,5 tỷ USD mua Mojang – studio đứng đau game Minecraft; phát hành các ứng dụng iPhone, Android đầu tiên như Outlook; bỏ qua Windows 9 tiến lên Windows 10; giới thiệu laptop đầu tiên Surface Book và kính HoloLens.

Triết lý của ông Nadella là hợp tác và bảo đảm phần mềm, dịch vụ Microsoft xuất hiện mọi nơi khách hàng cần, kể cả đó không phải là Windows. Đây là lý do ông tuyển cựu quan chức Qualcomm Peggy Johnson, nay là Phó Chủ tịch phát triển kinh doanh, về giúp sức. Thực tế, năm 2015, ông đã dùng iPhone trên sân khấu một sự kiện để trình diễn các ứng dụng Microsoft. Ông còn dẫn dắt Microsoft đi qua các thương vụ lớn nhất, bao gồm mua lại LinkedIn năm 2016 trị giá 26,2 tỷ USD, website chia sẻ mã GitHub 7,5 tỷ USD.

Từ 2014 đến 2015, năm đầu tại vị, cổ phiếu Microsoft tăng 14%. Năm 2018, cổ phiếu Microsoft tăng gần gấp 3 lần so với khi ông nhận chức. Không chỉ các nhà đầu tư, nhân viên cũng rất yêu thích phong cách lãnh đạo nhấn mạnh vào học hỏi của ông. Các giám đốc công nhận sự lãnh đạo của ông đã giúp Microsoft tập trung lại vào thứ mà công ty tốt nhất.

Bước sang năm 2019, ông còn nhiều thách thức phải giải quyết. Doanh số PC xuống dốc làm cản trở tham vọng Windows 10 của Microsoft, trong khi trợ lý ảo Cortana vẫn chưa thành công. Xbox One gặp khó khi cạnh tranh với đối thủ Sony PlayStation 4. Song lần đầu tiên trong một thời gian dài, mọi thứ đang tươi sáng hơn bao giờ hết với Microsoft: Ngày 30/11/2018, Microsoft có giá trị cao hơn Apple lần đầu tiên kể từ năm 2010. Nếu hết năm nay, Microsoft vẫn là công ty giá trị nhất nước Mỹ, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2002.

Theo Du Lam
ICTNews
0 Nhận xét