Sự giảm tốc của ngành sản xuất Trung Quốc là đáng báo động dù không có nhiều bất ngờ khi xung đột thương mại đang diễn ra như hiện nay.
Thị trường chứng khoán châu Á phiên 2/2/2019 đỏ lửa khi những số liệu cho thấy ngành sản xuất Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 1,1% xuống 2.465,29 điểm trong khi sàn Hồng Kông mất 2,6% xuống 25.161,03 điểm. Thị trường Nhật Bản cũng giảm mạnh tương tự.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 1,3% xuống 2.013,80 điểm, còn chỉ số ASX 200 của thị trường Australia mất 0,9% xuống 5.593,80 điểm. Sàn Manila của Philippines tăng nhẹ trong khi Singapore và Indonesia đều giảm điểm.
Những thống kê của chính phủ và các tờ báo lớn cho thấy ngành sản xuất Trung Quốc đã giảm tốc trong tháng 12/2018 do đơn hàng trong nước lẫn quốc tế giảm sút. Nhiều chuyên gia dự báo tình hình này có thể tạo nên cơn chấn động cho các nền kinh tế châu Á, nhất là những quốc gia chuyên cung cấp đầu vào cho những nhà máy ở Trung Quốc.
Trước đó, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh do các nhà sản xuất vội vàng hoàn thành các đơn hàng trước khi Mỹ áp đặt thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Tuy vậy với những tín hiệu giảm tốc trong tháng 12, nhiều chuyên gia dự báo sự tăng trưởng này đang dần xói mòn.
Theo chuyên gia Vishnu Varathan của Mizuho Bank, sự giảm tốc của ngành sản xuất Trung Quốc là đáng báo động dù không có nhiều bất ngờ khi xung đột thương mại đang diễn ra như hiện nay. Điều đáng lưu ý là tác động của chúng có thể nặng nề hơn so với dự đoán khi các đơn hàng giảm mạnh.
Thương mại và đầu tư của Trung Quốc có liên quan khá chặt chẽ với những nền kinh tế láng giềng. Điều này đồng nghĩa với việc sự giảm tốc của sản xuất Trung Quốc sẽ lan tỏa và ảnh hưởng rộng đến những nhà xuất khẩu Châu Á khác.
AB
Theo Thời Đại/MarketWatch