Ngân hàng truyền thống có thể phàn nàn hay đổ lỗi cho việc chậm đổi mới vì họ phải tuân thủ các quy định và luật lệ hiện hành. Tuy nhiên, tại sao các fintech lại có thể giúp người sử dụng dễ dàng mở và sử dụng tài khoản như thế mà vẫn an toàn?
Sự phổ biến ngày càng tăng của các Fintech, từ các ngân hàng mới như N26 (nhà cung cấp dịch vụ mobile banking của Đức) đến những nhà cung cấp dịch vụ từng phần như Revolut, hay những đối thủ cạnh tranh trong một số phân khúc như Shine, đã làm nhiều người lo ngại rằng ngành ngân hàng nếu không đổi mới và sáng tạo thì chắc cũng sẽ đến ngày diệt vong.
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô thì có lẽ ngày này còn rất xa. Revolut, một fintech tăng trưởng "thần tốc" của Anh thành lập năm 2015, cung cấp dịch vụ ngân hàng gồm thẻ ghi nợ trả trước (Master hay VISA), ngoại hối, đổi tiền mã hóa, và thanh toán ngang hàng, kỳ vọng sẽ đạt được 3 triệu khách hàng vào cuối năm 2018. Con số này quá nhỏ bé nếu đặt cạnh số lượng khách hàng hiện có của các ngân hàng truyền thống như Banco Satander vốn có đến hơn 113 triệu khách hàng tại hàng chục nước trên thế giới.
Nhưng dù rằng fintech rõ ràng không phải là đối thủ của ngân hàng truyền thống xét về mặt quy mô, điều này không có nghĩa là ngân hàng cứ ung dung tự tại mà không cần phải làm gì. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì Ít nhất là ngân hàng sẽ cảm thấy bị ngáng chân, buộc phải chứng kiến một phần lợi nhuận và thị phần ngày càng lớn lẽ ra nắm trong tay phải nhường cho fintech. Cũng may là trên thực tế thì ngày càng có nhiều ngân hàng cũng đã và đang tích cực ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động của mình để nâng cao tính cạnh tranh với nhau và với fintech. Nhưng như vậy xem ra là chưa đủ.
Vậy ngân hàng cần và có thể làm gì?
Đơn giản là các ngân hàng hãy xem fintech làm gì và như thế nào, coi đó là một phòng thí nghiệm đổi mới bên ngoài để học hỏi theo. Với fintech, hình ảnh mà chúng tạo dựng thành công không phải là sự quan tâm, ưa thích của công chúng được thể hiện qua hàng loạt vụ gọi vốn "khủng" thành công hay sự tăng trưởng nhảy vọt của cơ sở khách hàng. Thay vào đó, người ta biết đến fintech như một ngân hàng không thu phí (dù trên thực tế, những dịch vụ miễn phí của fintech rất hữu hạn, và để tiếp cận được với hàng loạt dịch vụ khác của chúng cần phải trả phí hàng chục USD/tháng).
Nhưng fintech có những dịch vụ thực sự hấp dẫn như hệ thống chi trả bằng loại tiền mã hóa do người dùng tự chọn, là dịch vụ được đặc biệt ưa thích bởi các mạng lưới chia sẻ việc làm như WeWork, hay tiếp cận được với các dịch vụ bảo hiểm hay chuyển tiền ngang hàng được thực hiện qua ứng dụng trên điện thoại di động. Chúng cũng cung cấp các dịch vụ được thiết kế đặc biệt cho một số phân khúc khách hàng nhất định. Ví dụ, công ty Shine của Pháp cung cấp một giải pháp chuyên biệt giúp cho người làm việc tự do chào mời các dịch vụ từ đăng ký pháp lý đến nộp thuế (vốn rất lằng nhằng ở Pháp) mà việc đăng ký sử dụng cũng tương tự như với các mạng xã hội.
Do vậy, với những dịch vụ mới mẻ so với các dịch vụ của ngân hàng truyền thống, lại cực kỳ tiện lợi đi kèm với cảm nhận rõ rệt về giá trị gia tăng được tạo ra thì việc phải trả phí để sử dụng các dịch vụ của fintech vẫn rất xứng đáng.
Nếu các ngân hàng chỉ chạy theo fintech, chạy theo xu hướng mới nhằm lấp lỗ hổng trong hoạt động của mình bằng cách, ví dụ, tung ra "một dự án mới" bởi một cán bộ ngân hàng nào đó đang muốn cạnh tranh thu hút sự chú ý của lãnh đạo cấp cao đang phải thụ lý hàng ngàn dự án tương tự thì việc "đổi mới" này sẽ không mang lại hiệu quả kỳ vọng như so với các fintech vốn coi việc tung ra các dịch vụ này như là vấn đề mang tính sống còn của mình.
Ngân hàng truyền thống có thể phàn nàn hay đổ lỗi cho việc chậm đổi mới vì họ phải tuân thủ các quy định và luật lệ hiện hành. Tuy nhiên, tại sao các fintech lại có thể giúp người sử dụng dễ dàng mở và sử dụng tài khoản như thế mà vẫn an toàn, không tạo ra nhiều scandal nếu so với quy trình, thủ tục và thời gian mở và sử dụng tài khoản ngân hàng? Có ai trong số những nhà quản lý ngân hàng quan tâm đến fintech đã dành chút thời gian thử mở và sử dụng tài khoản cho tất cả các dịch vụ của fintech để có trải nghiệm thực tế và rút ra được bài học cho ngân hàng của mình? Có ai trong số này thực sự đặt ra câu hỏi ngân hàng mình cần phải làm gì và như thế nào để có được những dịch vụ tương tự như vậy? Có bao nhiêu người trong ngân hàng truyền thống đã và đang thực sự nghiên cứu mô hình fintech lấy đó làm nguồn ý tưởng cho đổi mới và phát triển? Hay họ đang quá bận rộn với những chuyện khác dường như là quan trọng hơn?
Trả lời được những câu hỏi trên một cách thấu đáo thì các ngân hàng sẽ biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu và như thế nào để tự làm mới mình một cách thực chất, theo kịp được trào lưu mới trong thời đại 4.0 tưởng như xa xôi ở đâu đó.
Theo TS. Phan Minh Ngọc
Trí Thức Trẻ