Trước khi "ôm mộng" khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, hãy nhìn lại bản thân mình còn thiếu thứ gì.
Theo nghiên cứu do nhóm chuyên gia đến từ Đại học Northwestern, Cục Điều tra dân số Mỹ và Viện Công nghệ Massachusetts tiến hành, con số những nhà sáng lập tuổi 20 có khả năng xây dựng công ty tăng trưởng hàng đầu là thấp nhất. Trước đó, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các công ty của nhà sáng lập dưới 30 tuổi có tỉ lệ thất bại cao hơn gần 10% so với các công ty có nhà sáng lập trên 30 tuổi. Điểm yếu lớn nhất của các startup trẻ là thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh đương đầu với những khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, khởi nghiệp là hành trình gian nan với tỷ lệ thất bại lên đến 90%, nên để có được thành công không chỉ cần có đam mê, nhiệt huyết mà kinh nghiệm còn đóng vai trò quan trọng. Tiếc là kinh nghiệm không phải là những thứ có thể học trên ghế nhà trường mà đòi hỏi phải có trải nghiệm thực tế.
Những tấm gương khởi nghiệp từ tay trắng thành công như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jack Ma,… thôi thúc nhiều người trẻ gia nhập cuộc chơi thế nhưng thì "đời không như là mơ".
Gừng càng già càng cay
Người xưa đã có câu "Cá không ăn muối cá ươn" giúp chúng ta hiểu ra rằng khi bản thân còn non trẻ, chưa được sống và trải nghiệm nhiều điều, ta luôn phải lắng nghe kinh nghiệm từ những người đi trước để học hỏi, bổ sung cho chính mình. Nếu chỉ biết nông nổi làm theo ý mình, việc gì cũng khó lòng thành công được.
Kinh nghiệm không phải một khái niệm khoa học, không thể tự dưng suy ra từ số liệu thông tin mà nó thể hiện qua một loại luận chứng, một loại kết luận mà chỉ có những người đã từng trải và không ngừng tích lũy thêm nhiều vốn sống mới đưa ra được. Nó lắng đọng qua từng năm tháng, từng trải nghiệm, không ngừng được thời gian chứng minh.
Người trẻ của thời đại công nghệ số có rất nhiều thứ trong tay như các thành tựu khoa học, sự nhiệt tình và lòng can đảm của tuổi trẻ, ý chí chiến đấu sục sôi, nhưng lại thiếu hụt một thứ vô cùng quan trọng: Đó là chính KINH NGHIỆM. Nếu không tự mình trải qua năm tháng và tự tích lũy kinh nghiệm, chúng ta sẽ khó mà rút ra những bài học quý giá. Quá trình khởi nghiệp thì chẳng bao giờ đứng lại chờ chúng ta trải nghiệm xong.
Tuy vậy, không phải tất cả những người có kinh nghiệm đều có thể thành công và chưa từng sai lầm bao giờ. Trên thực tế, dù khởi nghiệp ở độ tuổi 30 hay 40, vẫn có rất nhiều trường hợp thất bại và thua lỗ nhanh chóng. Kinh nghiệm không phải yếu tố duy nhất quyết định thành hay bại của một người. Nó chỉ là "lá bài" quan trọng giúp chúng ta đưa ra những phán đoán cơ bản, đánh giá mức độ tín nhiệm của các yếu tố xung quanh. Nếu phán đoán ấy chính xác, chúng ta lại tiến thêm một bước xa trên con đường sự nghiệp. Nếu phán đoán ấy xảy ra sai sót, cái chúng ta có được chính là một bài học đắt giá bổ sung vào kinh nghiệm bản thân.
Chính vì thế, tích lũy kinh nghiệm càng sớm càng tốt sẽ giúp người trẻ hiểu biết rõ ràng hơn về thị trường làm việc cạnh tranh ngoài kia. Khởi nghiệp không phải con đường vạn năng mà đôi khi, chính hành trình làm thuê mới mang đến cho bạn cơ hội trải nghiệm thực tế, học hỏi các kỹ năng và quy trình làm việc trong môi trường công ty. Đây là một cách tuyệt vời để trở thành người am hiểu công việc và tiếp thu những điều nên làm hay không nên làm. Ngoài ra, đây cũng là thời gian để bạn xây dựng mạng lưới quan hệ của mình. Những tài năng nổi bật trong công ty làm thuê đều có thể trở thành những người sát cánh cùng bạn làm nên hành trình khởi nghiệp sau này.
Làm thế nào để người trẻ khởi nghiệp thành công khi trong tay không có gì ngoài ý tưởng? Lời khuyên chính là sự chủ động: phải chủ động tìm hiểu bản thân muốn gì, chủ động tích lũy kiến thức, kỹ năng cần có, chủ động tìm đến các nhà đầu tư, nhà đồng sáng lập... Chính sự chủ động ấy sẽ mang tới cho chúng ta năng lực, quan hệ xã hội, tài chính, nguồn khách hàng và trên hết là kinh nghiệm kinh doanh.
Cũng giống như chia sẻ của Michael Houlihan và Bonnie Harvey, những người sáng lập ra thương hiệu rượu vang nổi tiếng nhất ở Mỹ mà đi lên từ hai bàn tay trắng và không hề có chút kinh nghiệm nào: "Chúng tôi không được sinh ra với khả năng thiên bẩm để phát triển một doanh nghiệp thành công. Bởi vậy, mắc phải những sai lầm là điều đương nhiên, nhưng sau mỗi thất bại, chúng tôi lại rút ra nhiều bài học giá trị. Nên tôi hiểu, không nên chùn bước, bởi sai lầm thực chất lại rất tốt đẹp. Chúng đẹp bởi bạn có cơ hội không bao giờ lặp lại cùng một sai lầm. Đó là cách bạn phát triển một doanh nghiệp có lợi nhuận, bằng cách rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu. Sau rất nhiều sai lầm, chắc chắn bạn sẽ trở thành người quyết định đúng đắn".
Theo Dương Mộc
Trí Thức Trẻ