Mô hình tất cả trong một của WeChat đang giúp ứng dụng này “ăn nên làm ra” tại Trung Quốc trong khi đó, mô hình phát triển của Facebook ngày càng bộc lộ nhiều khuyết điểm như quảng cáo nhiều, quyền riêng tư kém,…
CEO Facebook Mark Zuckerberg hồi tuần trước công bố rằng, Facebook đang lên kế hoạch chuyển đổi nền tảng và tập trung nhiều hơn vào bảo mật và quyền riêng tư. Mạng xã hội tỷ dân sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo quyền riêng tư cho các ứng dụng, dịch vụ.
Trong một động thái mới nhất, Mark Zuckerberg cho biết anh cảm thấy hối hận vì đã không học hỏi ứng dụng WeChat của Trung Quốc sớm hơn cách đây 4 năm trước. Rồi chỉ đến khi vướng phải các bê bối, Mark mới thấy việc quá tập trung vào một nền tảng đang khiến Facebook gặp khó khăn đến như thế nào.
Cụ thể Zuckerberg trả lời bình luận của một người bạn trên Facebook như sau: "Giá mà tôi nghe lời khuyên của bạn cách đây 4 năm trước". Câu trả lời trên nhằm tới bình luận của Jessica Lessin, đồng sáng lập trang The Information, người đã từng nhắn nhủ Mark nên học hỏi từ WeChat vào tháng 3/2015.
Tập trung nhiều vào giải pháp riêng tư sẽ tạo ra nhiều cách giúp mọi người có thể tương tác với nhau, bao gồm gọi điện, video call, gọi nhóm, stories, thanh toán thương mại và cuối cùng là một nền tảng cho nhiều loại dịch vụ riêng tư khác.
Về mặt nào đó, tương lai mà Facebook muốn nhắm đến cũng sẽ giống như WeChat, siêu ứng dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng do tập đoàn Tencent phát triển.
Sở dĩ ứng dụng này lại được ưa chuộng đến vậy tại Trung Quốc vì nó thực sự là một công cụ đa năng. Không chỉ là một phương tiện để người dùng có thể gọi điện, nhắn tin, gọi video call, người dùng còn có thể dùng ứng dụng này để thanh toán qua di động để mua sắm, gọi taxi, đặt thức ăn,…
Nói chung WeChat phục vụ được hết mọi nhu cầu của khách hàng Trung Quốc và điều quan trọng là người dùng chẳng cần phải sử dụng quá nhiều ứng dụng cho một công việc. Chỉ đơn giản vào WeChat là có thể làm được mọi thứ.
Norman Hui, một nhà phân tích tại công ty Zhongtai International Securities, có trụ sở tại Hồng Kông cho biết, hướng đi mới của Facebook là một bước đi tốt nhưng hãng sẽ phải tìm ra sự cân bằng giữa việc kiếm tiền từ quảng cáo và giữ người dùng trên nền tảng của mình.
Ứng dụng WeChat đã làm rất tốt trong việc chuyển hướng lưu lượng người dùng sang các công ty con khác của hãng như trang thương mại điện tử JD.com hay dịch vụ giao thức ăn Meituan Dianping.
Thế nhưng với Facebook lại khác. Mạng xã hội tỷ dân dù có đông thành viên thật nhưng lại thiếu đi tính kết nối giữa các sản phẩm chung của Facebook ví dụ như WhatsApp hay Instagram.
Ngoài ra Facebook cũng không có đủ sản phẩm để triển khai thêm nhiều dịch vụ kết nối khác. Ví dụ người dùng thường chỉ vào Facebook để lướt News Feed và trò chuyện với bạn bè. Sau đó họ thoát ra để truy cập ứng dụng Ebay, Amazon, Tiki, Lazada, Shopee,…để mua sắm.
Rõ ràng là Facebook đang thiếu rất nhiều thứ. Chính bởi lẽ đó, Facebook sẽ cần nỗ lực gấp nhiều lần thì mới có thể tạo ra được thói quen mới cho người dùng.
Chiến lược mới của Facebook được đưa ra trong bối cảnh mạng xã hội này đang bị cộng đồng tẩy chay vì dính phải liên tiếp các vụ bê bối bảo mật trong suốt một năm qua. Chính Zuckerberg cũng đã thừa nhận những vấn đề bảo mật còn tồn tại.
Ông chủ Facebook khẳng định mạng xã hội này vẫn còn yếu trong khâu bảo mật quyền riêng tư nhưng khẳng định sẽ luôn mã hóa và bảo vệ tất cả thông tin cá nhân của người dùng.
Ứng dụng WeChat cũng từng có thời gian bị chỉ trích vì không đảm bảo mã hóa và bảo vệ dữ liệu người dùng. Mặc dù Tencent tuyên bố WeChat không theo dõi các cuộc hội thoại của người dùng hay lưu giữ hồ sơ nhưng Tencent cho biết, họ sẽ tuân thủ mọi yêu cầu luật pháp đối với dữ liệu người dùng.
Giám đốc Tencent Martin Lau Chi-ping chia sẻ hồi năm ngoái: "Chúng tôi rất quan tâm đến bảo mật dữ liệu người dùng. Đó luôn là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi".
Ngay cả khi Facebook mới bắt đầu phát triển theo con đường của WeChat thì giờ đây ứng dụng của Tencent đã bắt đầu có bước phát triển mới hơn khi nhắm đến phục vụ đối tượng doanh nghiệp, nhằm hòa nhập theo xu thế của ngành công nghiệp Internet.
Giữa một thị trường tiêu dùng ngày càng bão hòa và cạnh tranh, Tencent đã phải cải tổ cơ cấu tổ chức và liên kết chặt chẽ hơn với nhóm khách hàng doanh nghiệp để không bị tụt hậu. Trong bức thư ngỏ vào thời điểm đó, chủ tịch kiêm đồng sáng lập Tencent Pony Ma Huateng đã đưa ra lý do cho việc tái cấu trúc. Ông cho biết số hóa nền kinh tế có nghĩa là cuộc chiến Internet đã dần chuyển từ người tiêu dùng sang ngành công nghiệp.
Vào tháng 1/2019, Tencent tiếp tục mở rộng sự hiện diện của ứng dụng WeChat với việc giới thiệu trợ lý giọng nói giống Siri có khả năng hoạt động trong doanh nghiệp và xe thông minh.
Theo Thiên Long
Trí Thức Trẻ