Ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP, là nền tảng và là trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh.
Ngày nay, ở các nước phát triển, thành phần kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP, là nền tảng và là trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Khi đánh giá về khát vọng làm giàu của các nhà tư bản, nhà kinh tế học người Anh T.J.Dunning (1799 - 1873) có câu nói nổi tiếng: “Với một lợi nhuận thích đáng tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10% lợi nhuận, người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20% là hoạt bát hẳn lên; được 50% trở nên thật sự táo bạo …”. Câu nói được hiểu dưới góc độ lòng tham của các nhà tư bản làm giàu bằng mọi giá ở giai đoạn Chủ nghĩa Tư bản bản hoang dã. Cách hiểu đó không sai trong của hoàn cảnh lịch sử giai đoạn đó, không những vậy ngày nay ở đâu đó vẫn đúng.
Tuy nhiên nếu có cái nhìn khách quan và thực tế, sẽ thấy khát vọng làm giàu chân chính của con người đã sản sinh ra kinh tế thị trường và cũng là động lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và nền văn minh nhân loại.
Nếu con người không có khát vọng làm giàu thì làm sao thế giới có những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh với những thương hiệu và đẳng cấp danh tiếng toàn cầu như: Ford Motor, Microsoft; Mercedes-Benz; Peugeot; Toyota, Sony; Samsung, Kia Motor…
Những tập đoàn, công ty tư nhân hàng đầu ở các nước công nghiệp phát triển luôn đóng vai trò đầu tàu đưa quốc gia trở thành những cường quốc kinh tế. Đó cũng là những thương hiệu mang lại niềm kiêu hãnh cho người dân của các quốc gia đó.
Không ai khác, chính những tập đoàn và công ty đó cùng với các doanh nghiệp và thành phần kinh tế tư nhân ở các nước phát triển đã mang lại công ăn việc làm cùng khối lượng của cải khổng lồ không chỉ cho riêng các chủ doanh nghiệp mà cho toàn xã hội, đáp ứng tốt hơn đời sống vật chất tinh thần của con người.
Ngày nay, ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP, là nền tảng và là trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh.
Đồng thời bằng chính sách điều tiết thu nhập các giai tầng trong xã hội, khát vọng làm giàu của con người ở các quốc gia phát triển là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất tạo tiềm lực tài chính để thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội tiến bộ. Điển hình là quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Hà Lan, Phần Lan…
Ở Việt Nam, từ năm 1954 (với miền Bắc) và từ năm 1975 (trên phạm vi cả nước) đến trước thời kỳ đổi mới cả nước năm, do ảnh hưởng của mô hình CNXH Xô viết, kinh tế thị trường bị kỳ thị, tẩy chay do vậy trừ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, còn lại kinh tế tư nhân, trước hết là các doanh nghiệp tư nhân bị xóa sổ.
Vì vậy năng lực và động lực sáng tạo của con người trong sản xuất kinh doanh vươn lên làm giàu cho bản thân và cho đất nước gần như bị triệt tiêu; sức sản xuất bị kìm hãm, đình đốn; đời sống nhân dân cả nước lâm vào đói nghèo, thiếu ăn.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm ), đã đề ra đường lối Đổi mới, với chủ trương đa dạng hoá các loại hình sở hữu, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần từ mô hình kinh tế đơn thành phần là nhà nước.
Đảng thừa nhận kinh tế thị trường là phương thức phát triển kinh tế năng động nhất mà nhân loại đã tìm ra, là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, chứ không phải chỉ là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. Đây là bước ngoặt về đổi mới tư duy của Đảng, mở đường cho đất nước phát triển, để người dân thực hiện quyền tự do kinh doanh.
Tuy nhiên, từ chỗ kỳ thị kinh tế thị trường chuyển sang thừa nhận và phát triển kinh tế thị trường, Việt Nam không tránh khỏi tình trạng “rón rén”, “dò đá qua sông” khi phát triển kinh tế tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Sau hơn 30 năm Đổi mới, đến tháng 6/2017, lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Mặt khác, quán tính của mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung cùng với tư tưởng giáo điều, cửa quyền, hệ thống xin - cho còn phủ đầy, nguồn lực vẫn tập trung phần lớn trong tay nhà nước vẫn lực cản lớn đối với sự hồi sinh kinh tế tư nhân, đặc biệt là với doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam trong hơn ba thập kỷ vừa qua.
Lực cản đó được thể hiện bằng hàng nghìn giấy phép con. Đây là “cái gậy” để các ngành, các cấp hành các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân mà trong vô vàn trường hợp là để trục lợi, tư lợi.
Trong khi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI được trải thảm đỏ, được ưu đãi mọi mặt từ đất đai, vay vốn, thuế… thì doanh nghiệp tư nhân trong nước không những không được ưu đãi gì lại phải lo lót đủ các loại phí bôi trơn. Đến mức, ông Nguyễn Sinh Hùng khi đang là Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên: “Thủ tục để được cấp chứng chỉ hành nghề bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm! Vì sao? Vì phải có tiền người ta mới cấp”.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận cần phải trả 0,7-1 đồng tiền chi phí không chính thức”.
Những lực cản trên đây khiến kinh tế tư nhân của Việt Nam èo uột, không lớn nổi. Hàng năm, một số lượng rất lớn doanh nghiệp tư nhân phải ngừng hoạt động hoặc bị giải thể. Trong hai năm 2017 - 2018, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động so với số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 47,73% và 69,05%; gần 50% doanh nghiệp của tư nhân kinh doanh thua lỗ.
Trong những năm gần đây, tỉ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP có xu hướng giảm, từ 43% (1995), 39% (2010) và 38% (2017). Tỉ trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong GDP chỉ 8,64% (2017), theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều xác định kinh tế tư nhân là động lực, là xương sống của nền kinh tế. Từ đó nhà nước tạo mọi điều kiện cho thành phần kinh tế này phát triển. Nhờ vậy, giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đều đạt hai con số, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Còn Việt Nam, trong khoảng hai thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 6,8%. Thu nhập GDP theo đầu người của Việt Nam năm 2018 chỉ đứng thứ 136/168 nước tham gia xếp hạng của thế giới, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Mặc dù kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, nhưng xét theo số tuyệt đối, GDP bình quân đầu người của thế giới ngày một giãn xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn của Việt Nam 3.900 USD, nhưng nay đã vọt lên hơn 7.500 USD, gần gấp đôi, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái.
Không chỉ vậy, nền kinh tế Việt Nam, lệ thuộc quá lớn vào khu vực FDI, khi thành phần kinh tế này chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 70% giá trị xuất khẩu.
Để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu và quá lệ thuộc vào khu vực FDI, trước hết phải đặt kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nước đúng vị thế vốn có của nó trong nền kinh tế thị trường.
Trân trọng khát vọng làm giàu chính đáng của người dân, coi đó là động lực phát triển của quốc gia. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh cải cách thể chế, để người dân được làm những gì pháp luật không cấm, cơ quan công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Từ thực tiễn phát triển mấy trăm năm của kinh tế thị trường trên thế giới cùng những thành công và chưa thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế, cho thấy chỉ khi kinh tế tư nhân được phát triển theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường thì mới có dân giàu, nước mạnh. Tuy nhiên, điều kiện đủ của mục tiêu cao cả này là sự vận hành khoa học của thể chế nhà nước.
Theo Nguyễn Huy Viện
Vietnamnet