Sự tăng trưởng của ngành trà sữa nói riêng và F&B nói chung cũng giúp nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hưởng lợi. Onefood là một ví dụ khi chuyển đổi mô hình kinh doanh thuận theo xu hướng chung của thị trường.
Kiếm tiền từ cơn sốt trà sữa
Theo thống kê của Dcorp R- Keeper Việt Nam tới thời điểm tháng 7/2018 cả nước hiện có đến 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ, 7.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và trên 80.000 nhà hàng được đầu tư bài bản. Việt Nam được xếp vào một trong những nhóm nước có dân số trẻ, có xu hướng thích ăn ngoài, đã và đang trở thành thị trường lớn đầy tiềm năng cho ngành F&B.
Một ví dụ rõ nhất cho sự phát triển của ngành F&B là xu hướng nở rộ của trà sữa trong vài năm gần đây. Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cũng cho thấy thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm 20% và từ năm 2016 đã đạt quy mô 282 triệu USD. Năm 2017 cũng ghi nhận tăng trưởng kỷ lục của thị trường này với sự bùng nổ hàng loạt thương hiệu quốc tế.
Không riêng trà sữa của Đài Loan (The Alley, Gong Cha, Dingtea, Tiên Hưởng, Coco, Bobapop, Sharetea, R&B Tea, Maku, Chachago, Uncle Tea, OneZo) mà mô hình trà sữa ở nhiều nước cũng đổ vào Việt Nam. Có thể kể ra các tên tuổi như Koi Thé (Singapore), Royal Tea, Comebuy, Heekcaa (Hồng Kông), Goky, Ryucha (Nhật), Chamichi, Milktea Guy (Thái Lan), Britea (Anh), Meet & More (Hàn Quốc)...
Sự tăng trưởng của ngành trà sữa nói riêng và F&B nói chung cũng giúp nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hưởng lợi. Onefood là một ví dụ khi chuyển đổi mô hình kinh doanh thuận theo xu hướng chung của thị trường.
Cuối năm 2014, Công ty OneFood ra đời với sản phẩm chính là nguyên liệu dạng bột phục vụ ngành pha chế, nhưng ngay lập tức vấp phải bài toán tiêu thụ. Nguyên liệu bột là sản phẩm mới, các đại lý không nhận mua vì khách hàng không muốn sử dụng các mã nguyên liệu lạ. Đầu tư sản xuất nhưng không thể bán được, thậm chí công ty này đã xoay sang đối tượng người dùng cuối, cho người đến tận các cửa hàng café để chào bán, nhưng đều bị từ chối.
Giữa năm 2015, khi các thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm lan rộng, startup này nhận thấy các chủ cửa hàng đồ uống có nhu cầu tìm một đơn vị cung cấp chuyên nghiệp các nguyên liệu pha chế nhằm đảm bảo chất lượng. OneFood quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển mình thành một đơn vị cung cấp toàn bộ mã nguyên liệu cho các cơ sở kinh doanh đồ uống. Hiện đơn vị này là đối tác cung cấp nguyên liệu cho các đơn vị lớn như Golden Gate, Bobabop hay TwitterBean cũng như các doanh nghiệp trong ngành F&B khác.
3 lần nghĩ ngược của chàng sinh viên Bách Khoa
Ít ai biết đứng sau OneFood là một sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm của Đại học Bách Khoa Hà Nội tên Phan Khoa. Sau khi tốt nghiệp Khoa làm việc cho một Tổ chức phi chính phủ với mức thu nhập đáng mong ước của nhiều người. Tuy nhiên, sau một năm, anh đã quyết định chuyển công việc và bắt đầu công cuộc kinh doanh khi nhận thấy đam mê của mình, mặc dù không nhận được bất cứ sự ủng hộ từ gia đình.
Trúng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh 4 công ty cùng một lúc, trong đó có cả Coca-Cola nhưng Khoa lại quyết định tham gia vào một doanh nghiệp thực phẩm vừa bước qua bờ vực phá sản.
Lý giải cho quyết định nghĩ ngược lần thứ nhất này, Khoa cho biết, nếu làm ở Coca-Cola dù được nhiều hỗ trợ từ hệ thống lớn nhưng sẽ không có được những trải nghiệm khó khăn trong việc vận hành của một doanh nghiệp. Trong khi đó những kinh nghiệm tích lũy lúc "nằm gai nếm mật" lại vô cùng quý giá khi khởi sự lập nghiệp của chính bản thân sau này.
Trong suốt 8 tháng tiếp xúc với việc kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu, phụ gia cho các nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm, chàng sinh viên mới ra trường được bổ nhiệm làm Trưởng đại diện phía Nam để phát triển thị trường mới. Đây có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất khi Khoa "3 không": không người thân, không bạn bè, không mối quan hệ.
"Tôi đứng trước một cơ hội rất lớn để một lần nữa trải nghiệm, chinh phục bản thân mình. 8 tháng tại Hà Nội tôi chỉ đóng vai trò là nhân viên kinh doanh. Tôi được vào Sài Gòn phát triển sự nghiệp là cơ hội được làm chủ một doanh nghiệp nhỏ nhỏ trong phạm vi an toàn mà không thiệt hại về tài chính", anh Khoa chia sẻ về lần nghĩ ngược thứ 2 khi từ bỏ mọi thứ để vào Tp.HCM lập nghiệp. Sau một thời gian vừa quản trị, kế toán, thủ kho, thủ quỹ, giao nhận đôi khi đi thu nợ, Khoa từng bước phát triển cơ sở trong Tp.HCM và đến tháng thứ 4 mới có đơn hàng đầu tiên.
Thời gian làm việc tại Tp.HCM cho Khoa cơ hội tiếp xúc với ngành socola và nhận thấy một xu hướng ngược của nhân sự ngành F&B. Theo anh giai đoạn 2011-2013, dòng nhân sự có xu hướng chuyển dịch từ Hà Nội vào Sài Gòn thì với ngành F&B có hiện tượng ngược lại. Thời điểm này Hà Nội thiếu nhân sự ngành này và Khoa nhận thấy mình có lợi thế nếu quay trở về khởi nghiệp tại địa phương này. Từ đây, Onefood ra đời.
"Tôi chưa bao giờ phải trả giá cho những lần nghĩ ngược của mình mà nó đến từ những lần mình được trải nghiệm và có cơ sở để đưa ra các quyết định đó. Ngay như Newton khi đưa ra định luật Vạn vật hấp dẫn xuất phát từ việc một quả táo rơi trên đầu. Ai cũng nghĩ quả táo rơi trên đầu thì nghĩ ra định luật nhưng theo tôi nó là bề nổi của tảng băng chìm. Tất cả đã được chuẩn bị từ trước và khi đó bắt đầu chín muồi thì quả táo gây ra xúc tác. Đó không phải là may mắn mà là cả một quá trình", CEO Onefood nhìn nhận.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ