Theo nguồn tin riêng gửi tới trang Reuters, Google đã cắt đứt quan hệ kinh doanh với Huawei, sau khi tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, cấm tất cả các nhà mạng viễn thông Mỹ sử dụng trang thiết bị của Huawei hay các tập đoàn đến từ “các quốc gia thù địch”. Điều này có nghĩa là, Google sẽ không hợp tác với Huawei bằng cách chuyển giao phần mềm, phần cứng và hỗ trợ họ về mặt công nghệ nữa. Huawei sẽ phải tìm những nguồn công nghệ mã nguồn mở, hoặc tự mình phát triển công nghệ để tiếp tục tạo ra những smartphone mới, cũng như những thiết bị công nghệ họ phát triển cùng sự giúp đỡ của Google.
Dĩ nhiên trong nước, Huawei sẽ không vấn đề gì, vì họ đã và đang tự phát triển hệ điều hành riêng trong trường hợp các tập đoàn Mỹ hợp tác với họ quyết định cắt đứt quan hệ. Giờ mối lo ngại đã xảy ra và Huawei sẽ phải tự mình tạo ra một HĐH mới cho các thiết bị smartphone của mình. Dù ở thị trường quê nhà Trung Quốc, Huawei sẽ không hề hấn gì, nhưng ở thị trường quốc tế, chắc chắn việc Google ngừng hợp tác sẽ là một đòn đánh rất đau trong nỗ lực cạnh tranh với hai thương hiệu khác đang dẫn đầu thị phần smartphone cùng với họ, đó là Samsung và Apple.
Theo nguồn tin của Reuters, “Huawei từ nay sẽ chỉ được phép sử dụng phiên bản public của Android, và sẽ không thể nhận được những ứng dụng và dịch vụ độc quyền từ Google nữa.”
Sau hôm thứ 5 vừa rồi, Huawei Technologies Co Ltd đã bị liệt vào danh sách đen những công ty không được buôn bán với đối tác Mỹ, sau khi tổng thống Trump ký sắc lệnh. Đến hôm thứ 6 vừa rồi, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ đang cân nhắc việc hạ thấp lệnh cấm đối với Huawei để “ngăn chặn sự gián đoạn trong việc cung cấp thiết bị và vận hành hệ thống viễn thông đang có.” Thế nhưng đó là ở mảng thiết bị cơ sở hạ tầng, còn mảng phần mềm thiết bị mobile lại là một câu chuyện khác.
Thêm vào đó, hiện vẫn chưa rõ việc Mỹ cấm Huawei sẽ ảnh hưởng ra sao đến hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, mảng phát triển chip xử lý của Huawei sẽ không thể nào tiếp tục hoạt động hiệu quả như hiện tại nếu không có sự giúp đỡ của phía các doanh nghiệp Mỹ.
Hiện tại theo Google, có khoảng 2,5 tỷ thiết bị Android trên toàn thế giới. Huawei là một trong số những tập đoàn có số lượng máy Android nhiều nhất. Dĩ nhiên việc Google nghỉ chơi với Huawei không ảnh hưởng gì đến phiên bản AOSP, Android Open Source Project, dự án mã nguồn mở ai muốn dùng cũng được, nhưng bù lại, Huawei sẽ không có thứ quan trọng nhất mà nhiều hãng đang có, đó là sự hỗ trợ của chính Google để phát triển ứng dụng và dịch vụ riêng.
Hồi tháng 3, Eric Xu, chủ tịch luân phiên của Huawei tuyên bố thẳng thắn: “Google hay cộng đồng Android hoàn toàn không có quyền cấm chúng tôi sử dụng những tài nguyên mã nguồn mở.” Ông này nói đúng, nhưng động thái của Google đồng nghĩa với việc, kể từ giờ, tất cả những thiết bị smartphone của Huawei sẽ không có Gmail, YouTube, Chrome, và cũng sẽ không có luôn cả Google Play Store để người dùng cài các ứng dụng vào máy. Nhiều khả năng những thiết bị hiện tại của Huawei, bán ra trước ngày Google tuyên bố cắt đứt quan hệ đối tác sẽ không gặp ảnh hưởng.
Trong khi đó tại Trung Quốc, hầu hết các dịch vụ của Google kể trên đều bị cấm bởi bức Vạn Lý Trường Thành ảo mà chính Huawei phát triển cho chính phủ Trung Quốc, thay vào đó dân ở đây dùng các dịch vụ tương tự, từ MXH, ứng dụng mua sắm cho đến chợ ứng dụng do các tập đoàn như Tencent hay Baidu phát triển. Vì thế ở thị trường quê nhà, việc Google cắt đứt quan hệ với Huawei sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa. Thị trường bị ảnh hưởng lớn nhất của Huawei sẽ là châu Âu, thị trường lớn thứ 2 của họ. “Sở hữu những ứng dụng độc quyền của Google là điều kiện tiên quyết để một hãng smartphone có thể cạnh tranh ở những khu vực như châu Âu,” Geoff Blaber, phó chủ tịch CSS Insight nhận định.
Theo Reuters