TTO - Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã leo lên những nấc thang mới. Vậy Việt Nam nên hành động như thế nào để ứng phó với cuộc thương chiến này?
Việt Nam cần thận trọng với hàng quá cảnh mượn đường xuất sang Mỹ. Trong ảnh là cảng Cát Lái ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Không buộc được Trung Quốc chấp nhận những yêu cầu về tiệp cận thị trường trong cuộc đàm phán thương mại vừa qua, chính quyền Hoa Kỳ đã quyết định áp thêm thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc.
Quyết định leo thang chiến tranh thương mại này được đưa ra một cách nhanh chóng nhờ tính toán của Hoa Kỳ rằng Trung Quốc sẽ "hết đạn" trong việc đáp trả vì Hoa Kỳ chỉ xuất 120 tỉ USD nhưng nhập tới 540 tỉ USD từ Trung Quốc.
Từ số liệu quý 1 năm nay mới công bố, việc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục gặp nhiều thách thức, trong khi Hoa Kỳ lại có GDP tăng trưởng tốt càng củng cố niềm tin này cho phía Hoa Kỳ.
Mặc dù tác động tiêu cực trước mắt của việc leo thang chiến tranh thương mại là biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu, chúng ta còn phải chờ đợi phản ứng trả đũa của Trung Quốc hay liệu Trung Quốc có xuống thang và chấp nhận những yêu cầu của Hoa Kỳ trong đàm phán thương mại.
Tác động mạnh nhất của việc leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam sẽ là xuất nhập khẩu tới hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Trong ngắn hạn, tác động tích cực nhất là việc hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh hơn, đặc biệt là ở những lĩnh vực thay thế hàng Trung Quốc chịu thuế cao hơn như điện tử, nội thất, túi xách, thủy sản.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng tới 28,4% so với cùng kỳ. Về trung hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI chuyển dịch khỏi Trung Quốc.
Nhưng thách thức của việc chiến tranh thương mại leo thang đến Việt Nam cũng không ít. Giống như năm ngoài, chiến tranh thương mại sẽ làm đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng đôla Mỹ. Đồng Việt Nam vì vậy cũng sẽ chịu ảnh hưởng theo.
Tăng trưởng toàn cầu suy giảm vì chiến tranh thương mại thì ai cũng sẽ bị tác động tiêu cực. Việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cả vì khó khăn nội địa lẫn rào cản vào thị trường Hoa Kỳ sẽ khiến cầu đối với hàng Việt Nam sẽ giảm đi.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2019 đã giảm 5,8% so với cùng kỳ, trong đó điện thoại di động giảm 62,3% và thủy sản giảm 31,5%.
Hơn thế nữa, nếu Trung Quốc không xuất sang Hoa Kỳ thì họ sẽ giảm giá và xuất vào các thị trường khác mà thị trường Việt Nam thì cận kề.
Hàng hóa sản xuất nội địa chịu sức ép cạnh tranh sẽ là các sản phẩm của Trung Quốc chịu thuế cao khi xuất sang Hoa Kỳ, bao gồm cả hàng tiêu dùng như nội thất, hóa chất, nhựa, cao su, nông sản. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 18,8%.
Một rủi ro lớn là vấn đề hàng chuyển tải (transshipment), tức là hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế cao hơn.
Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì các doanh nghiệp bị trừng phạt là ở Việt Nam, và không chỉ doanh nghiệp mà là cả nhóm sản phẩm.
Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín, và dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất lớn.
Áp lực đặc nặng lên hoạt động quản lý nhà nước cả về hải quan lẫn thị trường nội địa để ngăn chặn transshipment. Việt Nam nằm trong Top 5 nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. Mặc dù mức thặng dư không cao như Trung Quốc, EU, Mexico hay Nhật Bản, nhưng Việt Nam cũng nằm trong tầm ngắm của cơ quan đàm phán thương mại Hoa Kỳ.
Một lý do mà phía Hoa Kỳ tập trung trong thời gian qua là cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam và tác động của nó tới chênh lệnh cán cân thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Mặc dù về mặt kinh tế thì rõ ràng không có chuyện đồng Việt Nam được định giá thấp để thúc đẩy xuất khẩu, nhưng về mặt chính trị thì luôn là yếu tố để Hoa Kỳ tạo cớ. Chúng ta không cần vấn đề hàng chuyển tải là một cớ nữa.
NGUYỄN XUÂN THÀNH, TRƯỜNG CHÍNH SÁCH CÔNG VÀ QUẢN LÝ FULBRIGHT