TTO - Khó thể nói Google là một start-up hay kỳ lân đúng nghĩa, vì tầm của 'anh cả' thị trường tìm kiếm này đã vượt ra khỏi mọi danh xưng.
Đôi bạn thân đã tạo nên huyền thoại Google Sergey Brin (trái) và Larry Page - Ảnh: CNBC |
Dẫu vậy, hành trình Google ra đời và bí quyết vươn xa 21 năm qua lại là điều mà bất kỳ start-up nào cũng quan tâm.
Không giống với những gương mặt đình đám như Bill Gates (Microsoft), Mark Zuckerberg (Facebook), Michael Dell (Dell)... chọn rời ngang ghế giảng đường đại học, đôi bạn thân Larry Page và Sergey Brin (đồng sáng lập Anphabet Inc. - công ty mẹ của Google) lại chọn hướng học hành bài bản và chỉ bỏ ngang tấm bằng tiến sĩ tại đại học danh tiếng Stanford (Mỹ), vì tin rằng đó là thời điểm "chín muồi" cho ý tưởng của mình.
Trước đó, Larry đã tốt nghiệp hạng ưu Đại học Michigan, còn Sergey tốt nghiệp từ ngôi trường Maryland.
Nghĩ khác và quyết liệt
Một lợi thế lớn của hai gương mặt trên là đều có xuất phát điểm khá hoàn hảo. Larry có cha là giáo sư khoa học chuyên mảng trí tuệ nhân tạo, còn cha của Sergey cũng là một giáo sư toán học (theo trang Childhoodbiography).
Có học vị cao và kỳ vọng rất nhiều ở con đường học thuật của con trai, nhưng những người cha của Larry và Sergey vẫn lắng nghe và tôn trọng quyết định của con.
Theo trang CNBC, có một sự thật ít người biết là Larry và Sergey giai đoạn đầu không có thiện cảm với nhau khi chạm mặt ở ĐH Stanford năm 1995, thường xuyên tranh cãi về đủ thứ. Nhưng câu chuyện thú vị ở chỗ cả hai đều tranh luận quyết liệt dựa trên lập luận vững chắc, hướng đến việc quan điểm nào đúng, từ đó bổ sung kiến thức cho nhau chứ không tranh cãi vì cái tôi.
Sau này rất nhiều công ty khởi nghiệp đã đi theo hướng tương tự: chọn những người đồng sáng lập là người có góc nhìn đa dạng, khuyến khích tính phản biện.
Google ra đời vào giai đoạn 1997-1998 tại ký túc xá Đại học Stanford, với tham vọng góp phần chia sẻ kiến thức trên phạm vi toàn cầu tốc độ nhanh. Thời điểm này cả Larry và Sergey đều chỉ có đam mê hừng hực chứ không có nhiều tiền, nên họ tìm hỗ trợ tài chính từ một giáo sư là cố vấn của Larry.
Phát minh này được chào bán năm 1998 nhưng thất bại, dẫn đến việc cả hai lóng ngóng thành lập công ty.
"Trụ sở" đầu tiên của Google là một gara xe. Lúc đó Larry và Sergey chỉ mong muốn sản phẩm của mình được nhiều người biết đến chứ chẳng bao giờ ngờ "đứa con tinh thần" trên sau này lại giúp cả hai trở thành những tỉ phú danh tiếng.
Đề cao khả năng sáng tạo
Larry và Sergey thậm chí nấn ná việc phát hành cổ phiếu, dù nhiều tờ báo đồng loạt giật tít về sự kiện Google lên sàn giao dịch vào năm 2004 là "Đợt phát hành cổ phiếu được mong chờ nhất trong thế kỷ", hay như theo BBC là "Sự kiện lớn nhất trong lịch sử làng cổ phiếu".
Có một chiến lược sử dụng người mà Google vẫn thường áp dụng với nhân viên bao năm là "70/20/10". Theo tạp chí Forbes, tỉ lệ này có nghĩa là 70% thời gian đi làm là dành cho công việc chính, 20% dành cho việc với những hoạt động đội nhóm hoặc dự án khác, 10% dành cho bất cứ điều gì khiến họ thoải mái, vui vẻ.
Và chính nhờ môi trường luôn đề cao tính sáng tạo, cá nhân hóa mạnh mẽ mà nhiều sản phẩm tân tiến ra đời từ ý tưởng của chính nhân viên, thậm chí từ kỹ sư vô danh.
Google cũng chọn một hình thức quản trị độc đáo, cấp tiến thời điểm đó: hướng nhân viên đến sứ mệnh phục vụ xã hội hơn là lợi ích của cá nhân.
Một xu hướng tích cực đang diễn ra mỗi lúc một rõ nét ở Thung lũng Silicon cũng như tại nhiều môi trường khởi nghiệp: người tài dần đầu quân vào những nơi họ cảm nhận được sứ mệnh, tầm ảnh hưởng tích cực của bản thân với công ty và thị trường hơn là lương thưởng.
Chính vì vậy mà Google thời còn non trẻ từng có những cuộc "kéo người" từ các ông lớn như Microsoft gây chấn động khắp nơi, điều đáng nói là Google không hứa hẹn mức lương, đãi ngộ hấp dẫn hơn. Điều duy nhất trở thành "thỏi nam châm" ở họ là cố gắng chia sẻ tầm nhìn chung, sứ mệnh.
Trong một lần chia sẻ với người viết, tiến sĩ Trần Việt Hùng (sáng lập viên ứng dụng triệu USD Got It, thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam) cho biết điều đó là thực tế dần phổ biến ở những người tài.
"Công ty chúng tôi từng kéo về thành công một số kỹ sư của Google, Oracle... Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng nhân tài luôn mong muốn được cống hiến, được thử thách với những điều mới mẻ và tạo ảnh hưởng lớn chứ không chỉ thu nhập, lợi ích thông thường. Các công ty khởi nghiệp bé nhỏ vì thế đừng quá lo lắng về việc phải cạnh tranh với những ông lớn" - tiến sĩ Việt Hùng nói.
Sáng tạo trước khi nghĩ đến tiền
Văn hóa doanh nghiệp tại Google là một trong những chủ đề luôn thu hút nhiều người. Với Larry, ông luôn mong muốn tạo dựng công ty có mô hình hệt như một trường đại học, nghĩa là khuyến khích cống hiến, sáng tạo hết mình trước khi nghĩ đến tiền. Và ở môi trường này, mỗi "sinh viên" cần nỗ lực cho việc trả lời câu hỏi: Công việc, dự án của mình đem lại lợi ích gì cho cuộc sống, giải quyết được những vấn đề gì của hiện tại và tương lai?
Làm việc điên cuồng
Có xuất phát điểm tốt cũng như sở hữu bộ óc siêu việt, nhưng Larry và Sergey trong mắt đồng nghiệp là những người làm việc điên cuồng, có khi thâu đêm miệt mài với thuật toán và không bao giờ thỏa mãn với điều đạt được, luôn hướng đến việc nỗ lực hiện thực hóa "điều không thể".
CÔNG NHẬT tổng hợp