(TBKTSG Online) - Những sự kiện xảy ra trong thời gian qua như nghi vấn gian lận xuất xứ của Asanzo và mới nhất là hệ thống siêu thị Big C bất ngờ tuyên bố tạm dừng nhập hàng của nhiều nhà cung cấp hàng may mặc…, mới nghe tưởng không mấy liên quan nhưng lại đều đang kể một câu chuyện buồn về “thân phận” của hàng Việt, doanh nghiệp Việt.
Đất chật người đông, nhãn hiệu chưa có tên tuổi nên nhiều sản phẩm may mặc phải chấp nhận hình thức trưng bày là "đổ đống" và thường xuyên giảm giá. Ảnh minh họa: Tâm An |
Tôi đã đôi lần mua quần áo ở siêu thị Big C, cả thời hệ thống này còn trong tay người Pháp lẫn đã về tay ông chủ Thái. Mua vì bị hấp dẫn bởi những tấm biển giảm giá màu đỏ cắm trên những ụ quần, áo đổ đống đang được khá nhiều khách hàng khác vây quanh. Mua vì giá khá rẻ, chất vải, kiểu dáng và đường may tàm tạm và một chút an ủi là ủng hộ các công ty nhỏ Việt Nam chưa có danh tiếng. Nhưng rồi, “hai lần rồi mãi mãi”. Hai cái quần mua một lượt, cùng cỡ, cùng nhãn hiệu nhưng khi về thì chỉ cái đã thử ở siêu thị thì mặc vừa, cái còn lại thì… không. Chiếc áo thun thì ra màu và nhão ngay sau lần giặt đầu tiên. Đường may cũng là đường vắt sổ, không còn một milimet vải thừa để nới rộng hay cắt sửa.
Tôi không có đủ thông tin để biết những nhãn hiệu tôi đã từng mua có thuộc nhà cung cấp nào trong số 200 công ty may mặc vừa đột ngột nhận được thông báo tạm ngừng nhập hàng từ phía Big C. Nhưng tôi khá chắc chắn rằng cuộc chiến ở mặt hàng may mặc tại đây rất khốc liệt. Trong mỗi siêu thị, hàng ngàn nhãn hiệu của các công ty chen chúc trên các quầy kệ. Nhãn nào có chút tên tuổi hoặc có kinh phí trưng bày thì hàng được treo trên móc, sang hơn chút thì tủ hoặc đề tên nhãn hiệu. Còn tình trạng chung là gấp và xếp ở các khay chứa. Đó toàn là những nhãn hiệu chưa tên tuổi. Nếu vào danh sách “sale khủng” (diễn ra liên tục) thì đổ đống, không còn phân biệt được nhãn nào với hiệu nào. Giá của các nhãn hiệu xếp đống này thì rất rẻ so với mặt bằng chung.
Và tôi đoan chắc, chính cuộc đua khắc nghiệt trong chốn đất chật người đông đó, vừa phải có giá rẻ nhất (vì tiêu chí của hệ thống này là rẻ nhất trên thị trường), vừa phải cạnh tranh với chính hàng của mình nhưng gắn mác siêu thị (hàng nhãn riêng) đã bào mòn sức lực lẫn sức chiến đấu của không ít công ty trong sản xuất lẫn bàn đàm phán khi ký các hợp đồng với siêu thị, không ít phải chấp nhận lao theo khi đằng sau là nhà xưởng đã gầy dựng, là công nợ đã chất chồng… Có vậy thì Big C mới dám tối hôm trước gửi email, sáng hôm sau đã dừng nhập hàng. Và có vậy thì quần áo giá rẻ ở đây mới càng ngày càng rẻ hơn và chất lượng thì ngày càng… không chịu nổi.
Những nhà sản xuất nho nhỏ và yếu kém và yếu thế như vậy, nhiều vô kể ở đất nước có đến 90% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ này. Nhỏ, yếu vì không đủ thời gian, sự quan tâm để tham gia các hội đoàn và có cơ hội nhận hỗ trợ của tỉnh, thành phố trong các chương trình xúc tiến thương mại này kia. Nhỏ và yếu vì không đủ kinh nghiệm lẫn kiến thức pháp lý để đọc những hợp đồng dài vài chục trang, mời lên ký vào những buổi chiều nắng nóng và phải chờ cả tiếng đồng hồ trước đó mới đến lượt… Tôi từng quen nhiều doanh nghiệp tư nhân đi lên từ cơ sở sản xuất ở làng nghề, những hợp tác xã hăm hở đi gặp gỡ các nhà bán lẻ hiện đại vì tin rằng đó là cách xây dựng thương hiệu nhanh nhất cho sản phẩm, hào hứng ký các hợp đồng ghi nhớ, vội vàng hoàn thiện các giấy tờ kiểm nghiệm, mẫu mã bao bì để vô siêu thị rồi bẽ bàng rút hàng chỉ sau vài tháng vì không đảm bảo doanh số. Tôi cũng biết có doanh nghiệp vào siêu thị một năm rồi chịu không nổi phải xin chấm dứt hợp đồng vì nhiều điều kiện quá. Ngày tất toán, không những không có dư nợ (dù thời hạn thanh toán bao giờ cũng tới 60 ngày sau giao hàng) mà doanh nghiệp còn nợ ngược siêu thị mấy chục triệu đồng.
Và vì thế, họ lại càng nhỏ, yếu và càng phải vùng vẫy bằng mọi cách để mong tồn tại, sống sót giữa cái thời Việt Nam được đánh giá là “nước mở cửa nhất”, Nhà nước hăm hở đi ký các hiệp định nhưng các doanh nghiệp lại không lớn kịp để hưởng lợi. Cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được công bố nhưng rất nhiều bị biến tướng thành kiểu “lọt sàng xuống nia”, “nhất thân nhì quen” hoặc “trên trải thảm, dưới rải đinh” như nhận xét chua chát của chính đối tượng đáng nhẽ được thụ hưởng. Đâu đó có các đề án tăng sức mạnh cạnh tranh cho hàng Việt nhưng rầm rộ ở hội nghị giới thiệu với truyền thông hơn là thực hành động… Tệ hơn, trong lúc nhà đang cố xây móng thì các hàng rào bảo vệ lại lỗ chỗ lỗ hổng để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái từ nước láng giềng cứ tràn vô, cạnh tranh ngang nhiên với các doanh nghiệp đang cố gắng làm thật, làm đúng. Đó là chưa kể, đủ các loại thanh tra, kiểm tra khiến chi phí không chính thức gia tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao.
Doanh nghiệp làm thật chết trong đau thương hoặc mãi không thể lớn. Nhiều doanh nghiệp không chịu nổi thì chấp nhận bán mình cho doanh nghiệp ngoại. “Chiến” hơn chút thì nhập hàng Trung Quốc giá rẻ về rồi biến thành hàng của mình, chấp nhận “được ăn cả hoặc ngã về không”… bởi cám dỗ lớn vô cùng. Nhập hàng, giá vừa rẻ, mẫu mã nào cũng có trong vòng vài ngày mà cũng dễ dàng công bố mình là hàng “made in Vietnam” vì làm gì có quy định nào. Bản thân nhiều cơ quan quản lý còn đang cố “nhận hết” hàng của các công ty đa quốc gia có nhà máy lắp ráp, hoàn thiện thành phẩm ở Việt Nam là hàng Việt Nam cơ mà.
Hệ quả là hàng Việt của nhiều doanh nghiệp không có sức để cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa. Tệ hơn, hàng Việt bị người tiêu dùng mất lòng tin sau những “quả lừa”. Tình yêu, sự ủng hộ với hàng trong nước cứ trồi rồi lại sụt. Doanh nghiệp bán mình gần hết. Thương hiệu Việt biến mất, giữ được tên thì cũng “hồn” Thái, Hàn, Nhật, Trung Quốc…
Những chuyện này, đã “xưa rồi Diễm” vì đã được nói đầy rẫy trên truyền thông bao nhiêu năm qua. Nhưng, lạ kỳ đến cười ra nước mắt là doanh nghiệp vẫn tiếp tục mất đi, chính sách vẫn định hướng hay hơn thực hiện. Lẽ nào, đó là “định mệnh”, là “thân phận” nên hàng Việt, doanh nghiệp Việt phải chấp nhận? Nếu vậy thì bọt bèo quá, hàng Việt ơi!
Bùi Tâm An