"Được đánh giá tiềm năng nhưng ngành F&B hiếm khi thấy xuất hiện và nhận được đầu tư tại chương trình Shark tank- Thương vụ bạc tỷ?", một câu hỏi khá thú vị được đặt ra cho các nhà đầu tư trong sự kiện giới thiệu shark Nguyễn Hòa Bình mới đây.
Khá ủng hộ ngành F&B truyền thống, shark Nguyễn Thanh Việt hài hước đưa ra ví dụ một ngày đẹp trời muốn mời shark Vương đi ăn nhưng lại nhận được lời đề nghị "lên mây chọn món và ship về nhà".
"Nhiều người thích lên mây lắm nhưng thế thì buồn lắm. F&B vẫn có thể phát triển và làm lớn được nhưng chỉ có điều chưa có startup dám làm. Chăm sóc sức khỏe không phải ốm mới đến mà là chăm sóc từ lúc sinh ra, ăn cái gì cho khỏe. Việt Nam sống trên rừng thuốc mà lại nhập thuốc về. Tại sao không làm cái gì để ăn khỏe. Nói như thế này để nếu có lần sau mùa 4 startup nhớ đăng món này, đừng đăng ký mỗi đám mây (cách nói vui về công nghệ thông tin, cloud). Nếu tôi còn duyên với Shark Tank, các bạn lên gọi tôi sẽ đầu tư. Sẽ đầu tư những gì thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn cho sức khỏe", shark Việt khẳng định.
Lời hứa của shark Việt được thể hiện rõ hơn khi trong tập 6, ông là người duy nhất đầu tư vào startup "Tối nay ăn gì". Startup này đưa ra lời đề nghị 5 tỷ đồng cho 1% cổ phần công ty, mức cổ phần tối đa gọi vốn lần này là 20%, kèm ưu đãi voucher sử dụng miễn phí trọn đời sản phẩm.
Bị 4/5 "cá mập" từ chối, "Tối nay ăn gì" may mắn được Shark Việt đã đưa ra đề nghị 2,5 tỷ đồng cho 36% cổ phần. Thậm chí, với mô hình mà startup đang theo đuổi Shark Bình còn không tin có thể thành công, ông tuyên bố: "Anh cá với em thêm 2,5 tỷ nữa nếu em làm thành công mô hình này. Anh xin em hãy chuyển mô hình kinh doanh đi như anh đã gợi ý".
Nhận định về ngành F&B shark Nguyễn Thanh Hưng cho rằng ở Việt Nam cũng như thế giới, ngành này rất thành công, đây là lĩnh vực hơi mang tính cá nhân, tức là nhà sáng lập thường là người tự làm. Và việc gọi vốn không quá cần thiết trong lĩnh vực này.
"Tuy nhiên tôi thấy hiện nay có một mảng là order về đồ ăn thông qua các ứng dụng như Grab, Uber hay Now. Điều này chuyển dịch ngành F&B, bếp ảo đã bắt đầu hình thành và thay thế bếp thật. Có nhà hàng rất nổi tiếng nhưng không phải nhà hàng. Nhà hàng chỉ có bếp, món ăn cửa hàng được bày trên mạng hết. Tôi nghĩ nó sẽ là xu hướng của tương lai. Còn nếu đầu tư chuỗi đồ ăn thức uống thì tôi nghĩ rất nhiều người thành công. Tôi nghĩ rằng ẩm thực Việt Nam là lợi thế trong lĩnh vực khởi nghiệp. Đáng tiếc rằng các startup về F&B xuất hiện tại Shark Tank lên trình bày quá nhỏ, sản xuất sợi mỳ, nước mắm, giấm rất khó để mở rộng quy mô", shark Hưng chia sẻ quan điểm".
Là một doanh nhân có kinh nghiệm 20 năm trong ngành công nghệ, shark Nguyễn Hòa Bình cho rằng F&B rủi ro rất cao, mở 10 nhà hàng thì 8 nhà hàng ế khách, 2 nhà hàng đông khách. Đặc điểm khác là tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư không cao. Theo shark Bình những ngành truyền thống như F&B mức độ tăng trưởng doanh thu thường kèm với tăng trưởng chi phí, công sức quản lý, con người. Tuy vậy cũng có rất nhiều quỹ đầu tư truyền thống đầu tư vào ngành này. Ngay chính trong tập 6 Shark Tank vừa qua, vị shark này cũng gợi ý một startup chuyển mô hình kinh doanh khác thành "cloud kitchen" (nhà hàng nhưng không có chỗ ngồi chỉ có bếp). Mô hình này có thể giúp doanh thu tăng phi mã nhưng chi phí không đổi.
Cũng là doanh nhân công nghệ nhưng shark Dzung Nguyễn lại có quan điểm khác. Hiện có 2 loại nhà đầu tư gồm: Nhà đầu tư chuyên nghiệp và Nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư chuyên nghiệp startup có thể hoàn vốn bằng cách chia cổ tức. Đây là cách thông thường và dễ nhất. Với nhà đầu tư tổ chức đa phần đầu tư vào để tăng giá trị doanh nghiệp thay vì để nhận cổ tức. Theo shark Dũng, chia cổ tức về hình thức làm giá trị doanh nghiệp giảm.
"Không phải F&B, mà thứ họ quan tâm là mô hình kinh doanh đó tăng quy mô nhanh trong thời gian ngắn, đang cần tiền và họ bơm tiền vào. Vậy một số công ty làm trong F&B nhưng biết ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa vận hành thì vẫn được đầu tư ví dụ The Coffee House. Đây là mô hình new retail. F&B bản chất vẫn là kinh doanh tiêu dùng, bán lẻ nếu startup làm được theo hướng đấy thì hoàn toàn có thể huy động được vốn", shark Dzung phân tích.
Theo hãng phân tích Euromonitor năm 2018, Châu Á Thái Bình Dương là khu vực sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá lớn nhất thế giới và được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép CAGR 4,5% trong giai đoạn 2016-2025. Khu vực này cũng sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc sản xuất dầu thực vật, các sản phẩm ngũ cốc và các mặt hàng như đường, cà phê, trà và gia vị.
Euromonitor cũng dự báo dân số Châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng CAGR 0,8% trong giai đoạn 2016-2025 và đạt 4,4 tỷ người. Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với ngành thực phẩm và đồ uống (F&B). Bên cạnh Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Indonesia, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành F&B trong khu vực với tốc độ tăng trưởng dân số và thu nhập trung bình tiềm năng.
Phát biểu trong buổi giới thiệu Triển lãm quốc tế lần thứ 10 về cung ứng thiết bị và dịch vụ trong ngành F&B hồi tháng 3 năm nay, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM VES, nhận định ngành ẩm thực, đồ uống và khách sạn đang chịu lực đẩy phát triển lớn từ nhu cầu du lịch nội địa, du lịch quốc tế và làn sóng đầu tư cao tại Việt Nam.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ