Thế nào là ứng xử văn minh khi nghỉ việc? Nguyên tắc quan trọng nhất: Không bao giờ được nói xấu công ty cũ

Nói xấu công ty và đồng nghiệp sau khi đã nghỉ làm - điều mà tưởng chừng như chẳng có gì đáng quan tâm vì bạn đã nghỉ việc thì bạn muốn nói gì, làm gì cũng được; nhưng đó lại là những nguyên tắc đạo đức quan trọng mà bạn cần cải thiện trong tư duy của mình.
Bước vào quán cafe là một nhóm các bạn trẻ ồn ào. Ngay khi gọi nước xong và ngồi xuống, cuộc trò chuyện của họ bắt đầu khá rôm rả:

Cô gái A: "Tao mới nghỉ việc ở công ty chúng mày ạ. Lương lậu trả thì ít mà bóc lột nhân viên thì nhiều, chưa kể đãi ngộ cũng chán".

Cô gái B: "Mày quyết định đúng đấy. Tao đi làm được ở shop quần áo mới này hai tuần rồi, tốt hơn hẳn chỗ cũ. Ở chỗ cũ, chủ còn chả thèm để ý gì đến nhân viên cơ."

Câu chuyện tiếp tục kéo dài và là chủ đề chính xuyên suốt buổi tối hôm đó của nhóm bạn trẻ. Và có thể họ đã không nhận ra rằng, họ đang lún dần vào việc vi phạm những điều cơ bản của một nhân viên sau khi đã nghỉ làm tại nơi cũ - điều mà tưởng chừng như chẳng có gì đáng quan tâm vì bạn đã nghỉ việc thì bạn muốn nói gì, làm gì cũng được; nhưng đó lại là những nguyên tắc đạo đức quan trọng mà bạn cần cải thiện trong tư duy của mình.

Điều thứ nhất: Không nói xấu về đồng nghiệp - công ty cũ

Nguyên tắc đầu tiên khi bạn đã nghỉ việc tại một nơi làm (có thể là công ty hoặc bất kì nơi nào bạn làm việc) là đừng bao giờ nói xấu về đồng nghiệp cũ, sếp cũ, công ty cũ.

Trước hết, đó là một thái độ cần có từ chính bạn, thể hiện sự chuyên nghiệp và đúng đắn khi bạn đã đi làm. Khi bạn bước vào cuộc sống và cần một công việc mưu sinh, thái độ khi đi xin việc của bạn sẽ thể hiện hết sức chân thành và nhiệt huyết, rằng bạn muốn chứng minh cho quản lý và công ty thấy được rằng, bạn hoàn toàn xứng đáng với vị trí đó. 

Tất nhiên, chúng ta đều hiểu trong quá trình làm việc, sẽ có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố khác tác động vào như đồng nghiệp, áp lực công việc, môi trường công sở… Và nếu thực sự trong quá trình thử việc, bạn cảm thấy không hòa đồng được thì hãy cân nhắc. Còn một khi đã chấp nhận thương vụ, thì hãy vui vẻ và làm hết sức mình để thể hiện sự chuyên nghiệp của chính bản thân mình khi đi làm.

Điều thứ hai: Bạn có biết mình thuộc dạng nhân viên "build" hay "buy" không?

Ở một khía cạnh tiếp theo mà chúng ta cần đề cập, đó là đối với bất kì doanh nghiệp tư nhân hay công ty nào, họ sẽ đều phải đối mặt với bài toán "build" hay "buy" khi tuyển dụng. 

Đứng ở góc độ của người làm chủ, đây là bài toán kinh tế mà họ đều phải chi trả lương cho hai dạng nhân viên trên và đều có nguy cơ rủi ro riêng. Ví dụ nhân viên mặt bằng chung thấp không thể phát triển hoặc nhân viên chất lượng cao nhưng lại không phù hợp với công việc. Và cũng chính họ là người phải chịu trách nhiệm cho việc tuyển dụng, dẫn dắt những người này để đảm bảo sự sống còn của công ty/cửa hàng của mình. Người đi làm công ăn lương thường hay không đặt mình vào vị trí của người chủ để hiểu được áp lực này của họ, mà thường chỉ chăm chăm tập trung vào việc phàn nàn việc chi trả lương thấp mà quay lại nói xấu nơi làm cũ.

Vậy nên nếu có bức xúc gì với nơi mình làm việc sau một thời gian, hãy tìm cách nói chuyện với quản lý về những suy nghĩ của bạn (trong trường hợp bạn thực sự muốn đóng góp). Việc làm này thể hiện sự chuyên nghiệp của con người bạn. Nếu sếp bạn là một người tận tâm, họ sẽ chú ý lắng nghe vì nhân viên mới là người làm trực tiếp công việc, bạn sẽ là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Kể cả trong trường hợp xấu sếp bạn không quan tâm, ít nhất lòng bạn cũng sẽ thanh thản hơn vì được trút hết suy nghĩ của mình, chứ đừng để sự bức xúc kéo dài và sau đó mang đi tám với bạn bè mình, vì họ đâu có giúp bạn giải quyết được vấn đề đó. Vì vậy, hãy thực hiện việc đó khi bạn còn đang đi làm. Như vậy sẽ có ý nghĩa hơn cả, còn nếu đã nghỉ việc rồi thì sẽ chả còn tác dụng gì.

Điều thứ ba: Tránh xa tâm lý "bầy đàn"

Có một tâm lý ở Việt Nam mà chúng ta tạm gọi là "bầy đàn" của những người đã nghỉ việc. Họ tự coi mình là những con thú bị thương và thường có xu hướng lôi kéo, tiêm nhiễm những điều tiêu cực cho những nhân viên còn đang làm việc ở nơi làm cũ. 

Tiến - một nhân viên văn phòng mới nghỉ việc sau 4 năm cống hiến cho công ty, nhưng Tiến không đạt được sự thăng tiến như mong muốn. Tiến nghĩ rằng sếp của mình không đánh giá đúng thực lực của mình và quyết định nghỉ việc. Một tháng sau khi Tiến nghỉ việc, Tiến vẫn thường xuyên liên hệ với các đồng nghiệp cũ để hỏi han tình hình của công ty, nhưng đi kèm với đó là một thái độ và năng lượng tiêu cực. Tiến luôn khuyên nhủ đám đàn em ở lại rằng: "Chúng mày có tiếp tục làm thì cũng kết cục như anh thôi, công ty cũng sẽ ruồng bỏ hoặc không đánh giá cao chúng mày. Tốt nhất hãy ra đi càng sớm càng tốt như anh đây này."

Điều này thực sự tệ! Bạn đang không những không nhận ra việc làm vô ý này của mình mà bạn còn đang làm ảnh hưởng tới cả những đồng nghiệp cũ, công ty cũ - nơi mà họ đã cung cấp cho bạn một nơi để làm việc, một mức thu nhập ổn định hàng tháng để bạn có thể tiếp tục cuộc sống của mình. 

Điều thứ tư: Tương lai là thứ bạn không thể biết trước

Và điều cuối cùng, bạn thực sự sẽ không dự đoán được tương lai của mình như thế nào đâu. Chúng ta đều biết một sự thật hiển nhiên, ngay cả khi đã nghỉ công ty cũ, nhưng sau một thời gian chu du bốn phương tám hướng, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, chúng ta vẫn có cơ hội để quay lại công ty cũ mà. Trên thế giới, đâu thiếu gì những ví dụ kinh điển như vậy (nếu bạn thực sự giỏi và hiểu giá trị của bản thân mình). 

Chưa kể, trong thời đại công nghệ hiện nay, các phòng ban nhân sự đều có một kênh thông tin đánh giá nhân sự. Khi bạn đi xin việc tại công ty mới, phòng nhân sự thường sẽ có một động tác kiểm tra chéo lại những nơi làm việc cũ của bạn. Họ sẽ hỏi thăm sếp cũ của bạn về thái đô và chất lượng công việc của bạn ra sao, đó sẽ là những ấn tượng đầu tiên của bạn với công ty mới (ngay cả khi bạn chưa nhận công việc đó). 

Vậy nên khi nghỉ việc tại nơi làm cũ ư? Hãy ngẩng cao đầu ra đi vì bạn không còn gì phải nuối tiếc, cả bạn và công ty đều hài lòng với nhau về những gì cả hai đã làm được với nhau trong suốt thời gian qua. Sếp bạn có thể vui vẻ giúp bạn viết một thư giới thiệu về bạn khi bạn đi nhận công việc mới. Bạn được nhận sự đánh giá và tôn trọng của mọi người khi nhắc đến bạn trong giới/ngành nghề của bạn, thông qua những điều thật sự nhỏ nhặt như vậy. Vì vậy, hãy nhớ tôn chỉ này và loại nó ra khỏi cuộc sống của mình nhé!

Lời kết

Chúng ta đều biết rằng, mỗi khi có ai đó nghỉ việc trong công ty, đó luôn là "hũ mật ong drama" mà ai cũng muốn bàn tán và chia sẻ về điều đó. Nếu giữa bạn và công ty đều nhất quán, đều thấu hiểu nhau về một sự thật đơn giản và dễ dàng chấp nhận: chúng ta đã không còn thể đi tiếp với nhau (về muôn vàn lý do); thì hãy luôn giữ cho mình một thái độ tích cực về nơi làm cũ của bạn. Điều này trước nhất là tốt cho bản thân của bạn tránh xa khỏi những thị phi; và điều thứ hai là bạn đang thể hiện sự chuyên nghiệp trên con đường sự nghiệp cả đời của mình. 

Nếu bạn đã thực hành tốt những điều trên, tôi tin chắc rằng thành công và may mắn sẽ tiếp tục đồng hành cùng bạn trong tương lai!

Theo An Anh Vũ, thiết kế Hoàng Anh
Helino
0 Nhận xét