(TBKTSG) - Sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, doanh số của hai ông khổng lồ nước giải khát tăng trưởng liên tục hàng năm. Theo VnExpress (1), năm 2016, tổng doanh thu gộp lại của hai ông lớn này ở xứ mình đã vượt mốc một tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, họ liên tục báo lỗ suốt hai thập niên và chỉ công nhận có lãi để chịu đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cách đây vài năm. Theo Infonet (2), thuế chỉ được trả “sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam”. Nhìn từ một góc độ khác, xem ra mấy ông khổng lồ đã tận dụng “thời gian ân hạn” 20 năm trước khi phải nộp thuế TNDN.
Dân chạy xe ôm công nghệ khi đọc đến đây có thể sẽ “phản đối ầm ầm” vì “ân hạn” dành cho họ ngắn hơn nhiều. Mới đây, tài xế GrabBike đã phản ứng khi phải đóng 60.000 đồng cho khoản thu hộ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mỗi ngày (đã tạm dừng). Uber và Grab vào Việt Nam năm 2014. Như vậy, sau năm năm, tài xế xe ôm công nghệ đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân (với các bác tài này, thuế TNCN của họ chẳng khác gì thuế TNDN đánh lên công ty).
Theo quy định hiện hành, cá nhân có hoạt động phát sinh doanh thu - tài xế xe ôm công nghệ và một số đối tượng khác như đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, người cho thuê mặt bằng - phải chịu thuế TNCN, thuế giá trị gia tăng trên doanh thu với khởi điểm 100 triệu đồng mỗi năm. Tính ra, tài xế nào mỗi ngày kiếm được 274.000 đồng sẽ phải đóng thuế TNCN.
Có người cho rằng chuyện các công ty báo lỗ thông qua chuyển giá phổ biến khắp thế giới và chuyển giá đã được nâng lên thành “nghệ thuật”. Vì thế, chống chuyển giá vô cùng khó khăn phức tạp ngay cả ở những nước phát triển chứ đừng nói gì là ở xứ ta. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng đã có nhiều trường hợp “nỗ lực đấu tranh” thành công buộc “nghệ thuật chuyển giá” phải lùi bước và đóng thêm thuế. Ví dụ, một công ty bất động sản lớn của Hàn Quốc đã bị truy thu thuế TNDN lên đến hơn 95 tỉ đồng sau khi bị cơ quan thuế điều tra chuyển giá. Hay một ông khổng lồ nước giải khát đã “chuyển lỗ thành lãi” để đóng 120 tỉ đồng thuế TNDN!
Thử nghĩ, ở ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng/năm với thuế suất 4,5%, một tài xế xe ôm công nghệ phải đóng 4,5 triệu đồng tiền thuế. Như vậy, ở mức đó, cần đến gần 27.000 tài xế xe ôm công nghệ đóng thuế TNCN mới bằng số tiền thuế TNDN đã đóng của một ông khổng lồ. Dĩ nhiên, thuế TNDN của công ty khác thuế TNCN dành cho xe ôm, nhưng giới xe ôm sẽ cảm thấy bất công nếu họ làm bài tính “thuế suất” như sau: lấy tiền thuế TNDN trả năm 2016 chia cho tổng doanh thu, “thuế suất” của ông khổng lồ chưa đến 0,02%, trong khi thuế suất TNCN đánh lên xe ôm là 4,5%!
Đành rằng ở Việt Nam chỉ có một số ít doanh nghiệp tầm cỡ như hai ông khổng lồ, đến cuối năm 2016, vẫn có gần 17.500 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó chừng 12.600 doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính (3). Và theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cứ 10 doanh nghiệp thì gần bốn doanh nghiệp báo lỗ, nghĩa là không trả một đồng thuế TNDN nào! Như vậy, có lẽ một nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế hiện nay là chống chuyển giá ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sao cho hiệu quả hơn (vì số thuế thu được thường lớn), chứ không phải là tập trung đánh thuế người chạy xe ôm, dù là xe ôm công nghệ hay xe ôm thường. Chống chuyển giá là chuyện vô cùng khó, nhưng vẫn đáng làm hơn đánh thuế lên người thu nhập thấp.
Người chạy xe ôm cũng sẵn lòng đóng thuế nếu thu nhập chịu thuế và thuế suất giúp họ tái tạo sức lao động, nghĩa là nuôi dưỡng được nguồn thu. Ngược lại, nếu quản lý không tốt - chuyện hoàn toàn không đơn giản khi số lượng người chịu thuế rất lớn, còn số thuế thu từ mỗi cá nhân nộp thuế lại quá nhỏ - vô hình trung, chúng ta lại khuyến khích khai man thuế trong giới xe ôm.
Xét nguồn lực có hạn của cơ quan thuế hiện nay, không lẽ chúng ta chấp nhận buông lơi chuyện chống chuyển giá ở doanh nghiệp nước ngoài để tập trung chống xe ôm trốn thuế? Ông bà mình đã nói: con cá sổng là con cá to!
(1) https://vnexpress.net/kinh-doanh/doanh-thu-ty-do-o-viet-nam-cua-coca-cola-va-pepsi-3770719.html
(2) https://infonet.vn/nhung-phi-vu-chuyen-gia-kinh-dien-o-viet-nam-post268869.info
(3) https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/603/4606/tinh-hinh-doanh-nghiep-fdi-sau-hon-30-nam-mo-cua.aspx
Quỳnh Thư