(TBKTSG) - Mới đây Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Điều này thể hiện sự quan tâm và đưa ra một góc nhìn mới của Đảng với vấn đề đầu tư nước ngoài.
Trong hai năm 2018-2019, Bộ Chính trị có ba Nghị quyết đáng chú ý liên quan vấn đề doanh nghiệp, đầu tư. Thứ nhất là nghị quyết về kinh tế tư nhân, được coi là động lực kinh tế quan trọng. Lần đầu tiên đánh giá kinh tế tư nhân quan trọng như vậy. Thứ hai là nghị quyết về doanh nghiệp nhà nước nhằm đẩy nhanh cổ phần hóa và bây giờ là nghị quyết về đầu tư nước ngoài (FDI). Nghị quyết đưa ra đánh giá thành quả quan trọng của việc thu hút đầu tư FDI đồng thời vạch ra khiếm khuyết và giải pháp. Như vậy có thể thấy nghị quyết của Đảng nêu cao vai trò quan trọng của doanh nhân và xác định doanh nghiệp là đội quân chủ lực kinh tế đất nước. Cùng với kinh tế nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn. Câu hỏi đặt ra là:
Thứ nhất, Chính phủ, bộ, ngành có nên coi thu hút đầu tư nước ngoài như thành tích để đưa vào báo cáo theo nghĩa thu hút vốn đăng ký càng nhiều, dự án nước ngoài càng nhiều thì càng thành công?
Khi vẫn còn tư tưởng thành tích trong thu hút đầu tư nước ngoài, sẽ dẫn đến cấp phép ngược với chủ trương của Đảng, như vậy, khó tránh khỏi tác động không tốt đến môi trường và ảnh hưởng vấn đề an ninh quốc phòng. Do đó, các bộ phải thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài. Đi kèm với đó là chế tài xử lý sai phạm thu hút đầu tư nước ngoài. Ví dụ vai trò trách nhiệm của bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh ra sao khi dự án nước ngoài đầu tư địa phương không hiệu quả, gây ô nhiễm, bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, chúng ta tôn trọng nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải có thái độ công bằng giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước ở cả các chính sách về thuế, về tiếp cận đất đai. Phải có biện pháp kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng nơi đặt dự án là “thế giới riêng” của doanh nghiệp nước ngoài...
Thứ hai, nghị quyết nói đến vấn đề không chấp nhận dự án đầu tư nước ngoài đưa công nghệ lạc hậu, thay vào đó là công nghệ hiện đại tiên tiến. Đây là định hướng quan trọng, có ý nghĩa lớn để tránh việc Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghiệp. Thế nhưng, một vấn đề nảy sinh từ thực tế cho thấy dù doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ hiện đại vào nhưng lại không chia sẻ, không cho người lao động Việt Nam tiếp cận. Như vậy vấn đề công nghệ hiện đại nhưng việc tiếp cận, chuyển giao từ doanh nghiệp nước ngoài có diễn ra không? Nếu công nghệ hiện đại nhưng chúng ta chỉ làm thuê và làm công việc gia công thì cũng không có ý nghĩa.
Thứ ba, vấn đề là hiệu quả của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là gì? Doanh nghiệp FDI được hưởng lợi từ chính sách thuế, đất đai, lao động giá rẻ, sử dụng năng lượng. Những doanh nghiệp này làm ăn rất hiệu quả, tiền họ có thể giữ lại tái đầu tư, họ cũng có thể chuyển về công ty mẹ (hoặc nước mẹ).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017 chi trả sở hữu ra nước ngoài khoảng 11 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, cần đặt ra hiệu quả của doanh nghiệp FDI là hiệu quả cho ai? Nếu chỉ hiệu quả cho bản thân các doanh nghiệp FDI thì họ đang rất hiệu quả; trong khi nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam ngày càng bị hao hụt thông qua chỉ số để dành ngày càng nhỏ.
Điều này khiến người ta có cảm giác doanh nghiệp nội và người dân Việt Nam đang bị vắt kiệt để nuôi béo khối FDI qua chính sách thuế (doanh nghiệp FDI được ưu đãi quá nhiều, trong khi người dân và doanh nghiệp nội bị tận thu qua thuế, phí và cả các khoản đóng góp mang tên xã hội hóa).
Đây là vấn đề cốt lõi cũng là câu hỏi được đặt ra. Doanh nghiệp nước ngoài ưu đãi về đất, thuế... nhưng hiệu quả mang lại cho Việt Nam là gì ngoài chất thải gây ô nhiễm nước, không khí và chất thải rắn khác?
Bùi Trinh