TPHCM trước nguy cơ mất quyền chi phối cảng Khu công nghiệp Cát Lái

(TBKTSG Online) - Thanh tra TPHCM chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc cổ phần hóa tại Công ty IPC và các công ty có vốn góp của IPC trong kết luận thanh tra mới đây. Trong đó nhấn mạnh việc TPHCM đang đứng trước nguy cơ mất quyền chi phối tại Cảng khu công nghiệp Cát Lái.
TPHCM trước nguy cơ mất quyền chi phối tại cảng Cát Lái. Ảnh: TTXVN
Kết luận 14/KL-TTTP-P6 được Thanh tra TPHCM báo cáo Thanh tra Chính phủ, đồng thời kiến nghị UBND TPHCM chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TPHCM) năm 2015, dưới thời Tổng giám đốc Tề Trí Dũng.

Theo thanh tra, sau khi cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (IPD, công ty con của IPC) trở thành Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) có vốn điều lệ 652 tỉ đồng.

Công ty này phải thực hiện theo phương án cổ phần trước đó là đầu tư xây dựng, khai thác dự án cảng Khu công nghiệp Cát Lái - cảng trung chuyển có tổng vốn đầu tư hơn 660 tỉ đồng. Tuy nhiên, ESL lại góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Cát Lái - Đông Sài Gòn để khai thác cảng, nhưng chỉ góp 20% vốn điều lệ.

Như vậy, công ty ESL trước và sau cổ phần hóa thể hiện không có năng lực phát triển cảng độc lập. Với tỷ lệ góp vốn 20% thì Công ty ESL không còn quyền chi phối, dẫn tới kết quả là đối tác khác nắm quyền chi phối, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng.

“Việc này được cho có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng vào công ty cổ phần..." Thanh tra TP nhân định.

Dự án Cảng Khu công nghiệp Cát Lái thực hiện chậm so với dự kiến, mặc dù được chấp thuận đầu tư từ năm 2002 nhưng đến nay chỉ mới hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Công ty ESL đang làm việc với UBND quận 2 để xác nhận, bổ sung hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính và ký hợp đồng thuê đất nhà nước. Giai đoạn 2 của dự án chưa thực hiện được do chưa xác định được vị trí và diện tích khu đất để hoán đổi cho Quân khu 7.

Sau cổ phần hóa, Công ty ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng.

Từ những sai phạm, khuyết điểm nêu trên, Thanh tra TPHCM kiến nghị nghị Chủ tịch UBND TP giao Hội đồng thành viên Công ty IPC tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức, người đại diện vốn có liên quan trong việc cổ phần hoá tại Công ty ESL và một số công ty liên kết; chấn chỉnh công tác quản lý tài sản, tài chính, quản lý mặt bằng đảm bảo quyền lợi Công ty IPC của nhà nước.

IPC là doanh nghiệp được UBND TPHCM thành lập năm 1993, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, các cụm dân cư, khu đô thị mới...

Dự án cảng Khu công nghiệp Cát Lái là một trong nhiều cảng khác nhau nằm trong khu vực cảng Cát Lái. Giai đoạn một của dự án được thực hiện tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) với vai trò là cảng vệ tinh trung chuyển. Công trình có diện tích hơn 18,3 ha, gồm 3 bến sà lan chuyên dụng, hơn 122.000 m2 bãi chứa container, hơn 48.300 m2 đường giao thông nội bộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật...

Liên quan các sai phạm tại IPC gây thất thoát cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco, công ty con của IPC) bị Công an TPHCM bắt giam hôm 14/5 về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

TH
0 Nhận xét