[TheLEADER] Mặc dù thị trường gọi xe vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, nhưng ABI Research cho rằng các nền tảng gọi xe trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ rất cao.
Các công ty công nghệ đang ngày càng đa dạng, len lỏi vào mọi mặt trong cuộc sống, trở thành một nền văn minh mới, chi phối người tiêu dùng. Chấm dứt kỷ nguyên của vận tải truyền thống, thay vào đó là thói quen đặt hàng online, đặt xe công nghệ.
Theo báo cáo mới đây của Google và Temasek, thị trường gọi xe Việt Nam hiện đã đạt quy mô lên tới 1,1 tỷ USD, gấp đôi giá trị năm 2018. Giai đoạn 2015 - 2019, trung bình mỗi năm thị trường gọi xe ở Việt Nam tăng trưởng 57% - cao nhất ở Đông Nam Á.
Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 38%/năm. Điều này giải thích tại sao, chỉ trong một thời gian ngắn, liên tục các ông lớn quốc tế lẫn trong nước như Grab, Go-Viet, FastGo hay Be... tham gia vào thị trường này.
Theo báo cáo gần nhất của ABI Research, Grab đứng đầu thị trường Việt Nam về số lượng cuốc xe hoàn thành. Theo đó, nửa đầu năm 2018, nền tảng này hoàn thành hơn 146 triệu cuốc xe, gấp gần 5 lần so với đối thủ thứ hai là Be (hơn 31 triệu cuốc).
Cũng theo số liệu này, Go-Viet đã hoàn thành gần 21 triệu cuốc xe, còn FastGo là gần 2,4 triệu cuốc, lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4 tại thị trường gọi xe Việt Nam. Các ứng dụng gọi xe khác chỉ chiếm tổng cộng hơn 200 ngàn cuốc.
Có thể nói, nhu cầu gọi xe tại Việt Nam tăng nhanh chóng mặt vì trong năm ngoái, Grab thực hiện được tổng cộng gần 210 triệu cuốc xe. Nếu tính trung bình, tăng trưởng về số cuốc xe của công ty này tại Việt Nam tăng 1,5 lần.
Mặc dù thị trường gọi xe vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, nhưng ABI Research cho rằng các nền tảng gọi xe trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ rất cao.
Trên thế giới, Uber báo lỗ khoảng 1,1 tỷ USD vào quý 1/2019 dù doanh thu tăng và lượng người dùng hàng tháng tăng. Tại Việt Nam, doanh thu của Grab năm 2018 là 2.200 tỷ đồng, nhưng lỗ ròng lên đến 900 tỷ đồng.
Phía ABI Research đánh giá, các khoản lỗ lớn đang buộc các ứng dụng gọi xe phải cắt giảm chi phí khuyến mại và tặng thưởng cho lái xe. Đồng thời, điều này làm dấy lên câu hỏi: Liệu các ứng dụng gọi xe có đang tăng trưởng bền vững?
Ông Nguyễn Hữu Tuất - nhà sáng lập & Chủ tịch FastGo cho hay: "Chiếm được thị phần trong mảng gọi xe đã khó, giữ được thị phần đó còn khó hơn, vì chưa thấy dấu hiệu nào của việc có lãi với các mô hình này, nếu tăng giá hoặc phí thì bị đối thủ cướp lại ngay.
Ngoài ra, sự trung thành của khách hàng và đối tác trong lĩnh vực gọi xe cũng không cao, vì bản chất mối quan hệ này rất lỏng lẻo, không có ràng buộc về pháp lý, văn hoá, mục tiêu hay một sứ mệnh nào. Đơn giản chỉ là quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn".
Ông Nguyễn Hữu Tuất khẳng định, FastGo là ứng dụng duy nhất tại Việt Nam đã bắt đầu có lãi. Thành công bước đầu này đến từ chiến lược không thu chiết khấu đối với lái xe, chỉ thu tối đa 30.000 đồng với lái xe có doanh thu trên 400.000 đồng của FastGo.
Đồng thời, hãng này cũng cam kết không tăng giá cước xe vào giờ cao điểm, nhưng nếu khách hàng thưởng tip thì xác suất gọi được xe cao hơn.
Chủ tịch FastGo khẳng định, công ty sẽ không đi theo chiến lược "khuyến mãi, giảm giá" giống như nhiều ứng dụng khác, bởi đây không phải là thế mạnh của FastGo. Thay vào đó, FastGo dù mới ra mắt ở Việt Nam, nhưng đã sớm có mặt ở nhiều quốc gia khác như: Myanmar, Singapore và sắp tới là Indonesia...
"Mọi người đang nhìn nhận Việt Nam là sân nhà, còn Đông Nam Á là sân khách. Trong khi FastGo xác định Đông Nam Á là sân nhà, và các thị trường khác là sân khách. Cũng tương tự câu chuyện Viettel đi về nông thôn trước khi tiến tới thành thị", ông Tuất nói.
Việt Hưng