Chỉ 6 tuần trước, WeWork vẫn đang tự hào với danh hiệu “startup có định giá cao nhất Hoa Kỳ”, nhưng giấc mơ IPO nhanh chóng trở thành cơn “ác mộng” khi sự thật bị truyền thông phơi bày.
THIÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỊA NGỤC
Đúng 7 giờ 12 phút vào một buổi sáng mùa hè tại New York, đơn đăng ký IPO của WeWork chính thức xuất hiện trên trang web Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Bộ hồ sơ S-1 này đã được mong chờ từ lâu vì nó là một bước đi bắt buộc trên con đường phát triển của startup giá trị nhất thế giới.
Với mức định giá kỷ lục 47 tỷ USD và tham vọng còn cao hơn thế của CEO Adam Neumann: Không màng đến doanh thu và mô hình cho thuê văn phòng mà hướng tới mục tiêu "thay đổi thế giới". WeWork nhanh chóng trở thành một biểu tượng lừng lẫy của thung lũng Silicon, một tấm gương táo bạo đã phá vỡ tất cả quy luật kinh tế thông thường.
Trong ánh nắng bình minh, hàng nghìn nhà đầu tư và nhà báo lần đầu tiên có cơ hội "săm soi" tình hình tài chính của WeWork, để đánh giá tuyên bố "WeWork đang trên quỹ đạo thống trị thế giới với mức lợi nhuận không tưởng" của vị CEO trẻ tuổi.
Tuy nhiên, ngược lại với những tuyên bố "trên mây", cả thị trường ngay lập tức rơi vào hỗn loạn sau khi có cơ hội "chiêm ngưỡng" bộ hồ sơ trên. Một loạt bài báo chỉ trích và tin tức tiêu cực xuất hiện với tốc độ chóng mặt, tất cả đều xoay quanh việc lạm dụng quyền lực cá nhân, sai lầm trong quản lý và vô số hành vi "quái đản" của CEO Neumann.
Chỉ trong 33 ngày, một loạt lời đề nghị đầu tư đã bị rút lại khiến định giá của WeWork lao dốc hơn 70%. Neumann cũng nhanh chóng mất ghế CEO khi giấc mơ "sở hữu nghìn tỷ USD" vẫn còn dang dở. Con đường "đăng quang" của Neumann chẳng mấy chốc trở thành đường xuống địa ngục, một thảm họa IPO lớn nhất lịch sử hiện đại.
Một kết quả không ai mong muốn, nhất là khi WeWork từng được phong là "kỳ lân" với số vốn đầu tư khiến cả thế giới ganh tỵ. Với những bộ óc thiên tài nhất của thung lũng Silicon, những nhà đầu tư mạo hiểm giàu kinh nghiệm nhất thế giới và hàng tỷ USD để "tung hoành", dưới cái nhìn của nhiều người, WeWork là một thương vụ "chắc như bắp" và quá trình IPO chỉ như một thủ tục cuối cùng.
NHỮNG "THẦN TƯỢNG" KHỞI NGHIỆP
Xuyên suốt quá trình 9 năm xây dựng "huyền thoại" WeWork, đã có 2 sự kiện xảy ra: Theranos và Uber. Trong đó, "thảm họa" Theranos đã khiến các nhà đầu tư "sáng mắt ra" về những cú lừa tỷ đô được sinh ra ngay trong thung lũng Silicon, nhất là khi hình ảnh "founder thần tượng" Elizabeth Holmes xuất hiện với số lượng "fan cuồng" đông đảo.
Còn tại "cú sốc" Uber, họ đã thấy khả năng "đánh lừa công chúng" của CEO mạnh mẽ và bất cần Travis Kalanick, tất cả những gì "gã điên" này cần chỉ là một vài thủ thuật đánh tráo cơ bản của kế toán.
Hai bài học về "CEO thần tượng" trên là một tin dữ đối với Neumann, đã qua rồi thời kỳ mà nhà đầu tư coi trọng giấc mơ "thống trị thế giới" hơn là tình hình tài chính ổn định. Nhà đầu tư ngày nay không còn kiên nhẫn như xưa.
Neumann, một cựu Hải quân 40 tuổi từ Israel được biết đến với mái tóc dài rối bời, xuất hiện tại mọi sự kiện chỉ với chiếc áo thun, quần jean và những tuyên bố "kỳ quái".
Lớn lên ở một Kibbutz (cộng đồng tập thể nông nghiệp tại Israel), Neumann tự nhận mình có một quá khứ khó khăn, ba mẹ ly hôn khi mới 7 tuổi, Neumann buộc phải chuyển nơi ở đến 13 lần cho đến lúc trở thành một thiếu niên.
Vào năm 2001, chàng trai Neumann 22 tuổi đến sống với người chị của mình tại New York. Tuy theo học trường kinh doanh, nhưng Neumann gần như dành toàn bộ thời gian của mình để "tán tỉnh toàn bộ cô gái trong thành phố". Anh chàng này sau đó thất bại với 2 startup về giày cao gót có thể thu gọn và quần áo trẻ em có đệm gối.
Quá tam ba bận, Neumann đã tìm được dự án của đời mình khi thành lập WeWork vào năm 2010 với Miguel McKelvey. Mô hình của startup này không có gì quá phức tạp, tìm kiếm và thuê lại toàn bộ tòa nhà, sau đó tu sửa, chia nhỏ cho các freelancer, startups, hay những doanh nghiệp nào có nhu cầu văn phòng ngắn hạn.
Hợp đồng của WeWork với chủ tòa nhà thường kéo dài đến 15 năm, nhưng với khách hàng, họ chỉ thuê chỗ trong khoảng 1 tháng.
WeWork thường được đánh giá là một tập đoàn bất động sản với mô hình "khác biệt". Neumann cùng với vợ Rebekah, một tín đồ của thuật huyền bí Do Thái và cũng là em họ của nữ diễn viên Gwyneth Paltrow, đã ra sức "truyền bá" một văn hóa làm việc khác người: yêu cầu nhân viên làm việc sáng đêm, luôn sẵn sàng túc trực để đổi lại cơ hội uống bia rượu thoải mái trong công ty và trải nghiệm văn hóa "phóng khoáng" của dân hippie. Rebekah còn mở một trường tiểu học tư nhân để phục vụ cộng đồng những người đang thuê không gian của WeWork.
Dù là CEO, nhưng Neumann luôn đi chân trần khắp văn phòng làm việc. Anh ta còn ra lệnh cấm nhân viên ăn thịt trong văn phòng và sử dụng tiền của công ty để mua thịt. "Làm hết sức, chơi hết mình", Neumann nổi tiếng với khả năng uống cạn chai rượu Tequila Don Julio và hút cần sa ngay trong văn phòng, tại nhà riêng hay bất cứ đâu (theo Business Insider).
CÁI BẪY CỦA THÀNH CÔNG
"Ma lực" đồng tiền dần thay đổi Neumann, chỉ trong vòng vài năm, vị CEO này đã mua hơn 5 biệt thự, bao gồm một nhà phố 10,5 triệu USD tại Greenwich Village, một căn khác tại Hamptons và một khu biệt thự gần 250.000 mét vuông phía bắc New York.
Vào năm 2017, Neumann còn chi 35 triệu USD để mua 4 căn hộ trong cùng một tòa nhà tại Manhattan và một chuyên cơ Gulfstream trị giá 60 triệu USD để bay khắp nơi, từ London, Panama, Cộng Hòa Dominican, cho đến Tokyo, Hong Kong và Hawaii. Những người kế nhiệm Neumann đã ngay lập tức lên kế hoạch "thanh lý" chiếc máy bay này.
Bản cáo bạch trong bộ hồ sơ niêm yết chứng khoán cũng phản ảnh một phần tính "điên rồ" của Neumann, bắt đầu với câu: "Chúng tôi là một công ty cộng đồng, cam kết gây ảnh hưởng đến toàn cầu. Nhiệm vụ của chúng tôi là thay đổi thế giới… với nguồn năng lượng của "we", vĩ đại hơn mỗi người nhưng lại nằm trong mỗi người."
Trong đó còn có đoạn cam kết "quyên góp 1 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu" (số tiền mà họ chưa nắm trong tay), và hứa hẹn "cứu" 8 triệu hecta rừng nhiệt đới.
Rebekah Neumann (vợ Neumann) là giọng văn đứng sau bản cáo bạch, đặc biệt là đoạn đề cập đến "Dự án Wingspan", liệt kê những bên bảo lãnh của WeWork theo hình tròn thay vì thứ tự thông thường. Vài tháng trước, WeWork cũng đổi tên thành We để thể hiện tham vọng. Một số nguồn tin cho hay bản cáo bạch nháp còn đề cập một loạt lợi thế cạnh tranh với tên gọi "Siêu năng lực của chúng tôi".
Việc IPO của WeWork không chỉ xác định sự thành công của "dự án tâm linh" cho Neumann mà còn là lời công nhận cho Masayoshi Son, vị CEO của SoftBank với chiến lược đầu tư gây không ít tranh cãi: Đổ hàng tỷ USD vào các startup tiềm năng để thống lĩnh thị trường.
Son giờ đây cũng đang phải đứng ra gọi vốn cho chính mình khi "phi vụ Uber" không thành công như mong đợi, sự thành công của WeWork là những gì Son cần để tiếp tục con đường "liều ăn nhiều".
Son và Neumann chỉ gặp nhau 30 phút vào năm 2016 trước khi đi đến cam kết đầu tư hơn 10 tỷ USD từ 2 nguồn là Softbank và Vision Fund (quỹ do Son dẫn đầu với 100 tỷ USD từ các nhà đầu tư Ả Rập).
Khi các nhà đầu tư khác từ chối tiếp tục hỗ trợ (Vanity Fair khẳng định vì Neumann không những đến trễ mà còn có vẻ say xỉn trong buổi họp gọi vốn), SoftBank đã nhanh chóng rót hơn 2 tỷ USD để đẩy tổng định giá của WeWork lên 47 tỷ USD.
Các ngân hàng sau đó cũng "hùa" theo, JPMorgan Chase và Goldman Sachs cùng bày tỏ mong muốn bảo lãnh và tư vấn mức định giá "trên trời" lần lượt là 63 tỷ USD và 96 tỷ USD.
Đại diện của cả Neumann, WeWork, JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Softbank đều từ chối bình luận thêm.
MỘT LỊCH SỬ THUA LỖ
Rắc rối bùng nổ khi bộ hồ sơ S-1 dài 359 trang xuất hiện trên Internet. Giới đầu tư, phân tích và truyền thông ngay lập tức "mổ xẻ" và tìm được một loạt những thông tin tiêu cực: Một danh sách dài về mâu thuẫn giữa Neumann và công ty, một sơ đồ quản trị độc tài và khoản thua lỗ khổng lồ mặc dù WeWork đã tăng gấp đôi doanh thu. Không hề đề cập đến kế hoạch "cắt lỗ", bộ hồ sơ dành hẳn 30 trang để trình bày các rủi ro cho nhà đầu tư.
Đặc biệt là phần mâu thuẫn lợi ích: Neumann đang sở hữu hoặc kiếm lợi từ ít nhất 4 tòa nhà mà WeWork đang thuê. Vị CEO này còn "vay nóng" ngân sách công ty với mức lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu cá nhân.
Trong đó có khoản tiền trị giá đến 362 triệu USD, ưu tiên cho Neumann nhận cổ phiếu sớm hơn (đã được trả) và 500 triệu USD tiền vay tín dụng, được đảm bảo bằng số cổ phiếu hiện có của vị CEO. Nhưng đáng ngờ nhất là khi Neumann mua bản quyền thương hiệu "We" thông qua một công ty cổ phần, sau đó "ép" chính WeWork phải chi 5,9 triệu USD để mua lại. Trong phần trích dẫn về "Bên liên quan", WeWork tiết lộ sẽ "làm giàu" cho hơn 100 nhân viên, quản lý và giám đốc.
Neumann còn sử dụng tiền công ty cho các dự án cá nhân, vì rất đam mê bộ môn lướt sóng nên vị CEO này đã quyết định đầu tư 32 triệu USD cho startup của Laird Hamilton - vận động viên lướt sóng chuyên nghiệp và đổ 14 triệu USD vào Wavegarden - công ty sản xuất bể tạo sóng nhân tạo.
Dễ dàng nhận ra Neumann đang nắm công ty trong lòng bàn tay. WeWork có 3 loại cổ phần, trong đó là 2 loại mà Neumann mặc định có 20 phiếu bầu cho mỗi cổ phần. Nếu chẳng may Neumann qua đời, vợ CEO này sẽ có truyền chỉ định CEO mới, bất chấp ý kiến của hội đồng quản trị.
Nhưng điều lạ nhất chính là mô hình kinh doanh của WeWork, dù đang đứng trước số tiền nợ thuê Bất động sản lên đến 47 tỷ USD, WeWork chỉ cam kết mang về 4 tỷ USD doanh thu. Vào năm ngoái, WeWork mang về 1,8 tỷ USD nhưng lại lỗ đến 1,9 tỷ USD, đồng nghĩa với mỗi đồng kiếm được công ty này phải chi đến 2 đồng.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng lỗ của WeWork đã tăng đến 904 triệu USD trong khi doanh thu tăng gấp đôi, vượt mốc 1,5 tỷ USD. Để che giấu sự thật này, WeWork tạo ra danh mục "Lợi nhuận đóng góp" và thay đổi liên tục từ đầu năm để giới đầu tư không thể nhận ra.
"Chúng tôi đã có một lịch sử thua lỗ, và nếu cứ tiếp tục mở rộng với tốc độ này, WeWork có thể không mang về lợi nhuận trong tương lai gần", WeWork ghi trong tài liệu.
Đến cuối ngày hôm đó, cả tờ Financial Times và Wall Street Journal đều đề xuất WeWork giảm định giá để thu hút đầu tư. Giới phân tích cũng nhanh chóng vào cuộc, đẩy mức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings xuống mức thấp kỷ lục.
Không những thế, Faraday Grid - một startup sản xuất máy biến áp thế hệ mới đã nộp đơn phá sản vào đầu năm, sau khi nhận được khoản đầu tư 25 triệu USD từ Neumann.
Tất cả xảy ra trong chưa đầy 24 giờ kể từ khi bộ hồ sơ của WeWork được công khai.
KIỆT TÁC "MÃ HÓA"
Đó là cụm từ mà Rett Wallace của Triton Research dành tặng cho bản cáo bạch của WeWork.
Giáo sư Scott Galloway của trường Đại học New York còn đặc biệt danh cho WeWork là "WeWTF". John Coffee, giáo sư Đại học Columbia chia sẻ trên tờ Financial Times rằng để trấn an các nhà đầu tư về mô hình, thị trường cũng như kế hoạch IPO, Neumann phải "đi chân trần qua lửa".
Các cố vấn của WeWork lại tỏ ra rất ngạc nhiên với sự phản ứng tiêu cực từ thị trường, các quản lý cấp cao của WeWork còn tỏ ra lạc quan và ra sức mua trái phiếu, khiến giá trị của trái phiếu tăng 3% trước khi IPO.
Nhưng các bài báo phân tích vẫn tiếp tục "bắn phá", vào ngày 19 tháng 8, tờ Financial Times đã vạch trần bí mật của Neumann và WeWork với tiêu đề: "Coi chừng bàn tay tử thần của nhà sáng lập độc tài" và "Tư duy ma thuật để che giấu thiếu sót của WeWork."
"Hưng phấn quá độ là một trong những "ma thuật" trong ngành công nghệ", tờ Financial Times cho hay. "Như Uber và Lyft, chẳng ai biết mô hình sẽ thành công hay không."
Trong khi đó, các cố vấn của WeWork liên tục khảo sát các nhà đầu tư, hy vọng IPO sẽ mang về cho công ty ít nhất 3 tỷ USD. Nhưng giới đầu tư gần như đã quay lưng lại với WeWork. 4 giờ chiều ngày 26 tháng 8, Neumann quyết định nhảy lên chiếc chuyên cơ WeWork Gulfstream, bay hơn 13 tiếng đến Tokyo để gặp các nhà đầu tư SoftBank và bàn về tình trạng IPO.
Cuộc thảo luận xoay quanh 2 câu hỏi: Liệu SoftBank có tiếp tục trở thành nhà đầu tư lớn trong lần IPO lần này không, và liệu SoftBank có khả năng tiếp tục "bơm tiền" để WeWork trì hoãn đợt IPO này.
Buổi họp trên nhanh chóng gây ra bất đồng nội bộ tại SoftBank, một bên là các nhà đầu tư một mực phản đối kế hoạch chi tiền cho WeWork, và một bên là CEO Son vẫn đứng về phía Neumann. Với vị thế của mình, Son nhanh chóng lật ngược thế cờ, SoftBank bắt đầu kế hoạch "bơm" thêm 9 tỷ USD để WeWork trả nợ ngân hàng và chuẩn bị cho IPO.
TRÈO CAO THÌ TÉ ĐAU
Đến đầu tháng 9, cái kim trong bọc cũng đến lúc lòi ra. Các ngân hàng bảo lãnh từng đưa WeWork lên mây chẳng thể nào kêu gọi được thêm hỗ trợ trước thềm IPO, tất cả nhà đầu tư giờ đây đã biết đến "danh tiếng" của Neumann và không còn quá mặn mà với mô hình kinh doanh này.
Đến ngày 4 tháng 9, WeWork buộc phải hành động, bắt đầu bằng việc Neumann đồng ý trả lại 5,9 triệu USD tiền mà WeWork chi ra để mua bản quyền từ "We". Công ty cũng tuyên bố sự tham gia của Frances Frei, một giáo sư có tiếng tại Harvard với vai trò cố vấn từ tháng 3 để đáp lại chỉ trích việc "thiếu vắng phụ nữ" trong hội đồng quản trị. Tin đồn WeWork sẽ IPO ngay trong tuần sau bắt đầu xuất hiện khắp mặt báo.
Nhưng chỉ trong 24 giờ, thông tin tiêu cực một lần nữa ngập tràn các phương tiện truyền thông. Một số bên liên quan khẳng định rằng cần phải xem xét lại định giá của WeWork, cả giới tư vấn và đầu tư đều tỏ ra im lặng một cách đáng sợ.
Một số tờ báo còn cho rằng WeWork sẵn sàng hạ giá cổ phiếu đến 50%, đổi 20 tỷ USD tiền đầu tư để lấy 30 tỷ cổ phiếu trong lần định giá gần nhất. Nhưng một số người trong cuộc vẫn nuôi hy vọng WeWork có thể bán được từ 25 đến 30 tỷ USD cho khoản cổ phiếu trị giá 30 tỷ USD.
Đây mà một bước thụt lùi đáng xấu hổ của Neumann, WeWork đang đứng trước nguy cơ trở thành thương hiệu "down round" (chào bán cổ phiếu với mức giá thấp hơn so với giá đã được chào bán ở vòng trước) lớn nhất thung lũng Silicon.
Mọi điểm xấu đã được phơi bày trên mặt báo, bất chấp cố gắng giải thích của hàng loạt nhân viên WeWork. Financial Times cho biết các nhà bảo lãnh hết sức nghi ngại những gì đã xảy ra với Uber sẽ lặp lại với WeWork, định giá quá cao đã khiến gã khổng lồ gọi xe mất hơn 33% giá trị cổ phiếu kể từ khi niêm yết.
IPO TRONG TUYỆT VỌNG
Đến ngày 8/9, WeWork bắt đầu xem xét mức định giá chỉ còn 20 tỷ USD, dù ngày hôm sau đã bắt đầu roadshow, nhưng các bên tư vấn vẫn tích cực tổ chức nhiều cuộc họp nhằm gia tăng nhu cầu trước IPO.
Nhưng khi Thứ hai ập đến, SoftBank đã nổ phát súng đầu tiên, cả lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Nhật và quỹ Vision đều lên tiếng, yêu cầu Neumann hủy IPO ngay lập tức.
Đây là một bước đi có phần "trở mặt" của SoftBank, vì sau khi đổ hơn 10 tỷ USD vào WeWork đổi lấy 29% cổ phần, CEO Son đang trong tình thế buộc phải thành công. Tuy nhiên, cũng vì khoản đầu tư khổng lồ trên mà SoftBank không thể để WeWork IPO, bước đi đó chắc chắn sẽ "thổi bay" 1/3 giá trị mà cả hai đã thống nhất khi đầu tư vào tháng 1.
Đến thứ năm ngày 12/9, WeWork bắt đầu giảm quyền bỏ phiếu của Neumann từ 20 phiếu bầu trên mỗi cổ phần xuống còn 10 phiếu bầu trên mỗi cổ phần. Về phía Neumann, bất chấp những nỗ lực IPO trong tuyệt vọng, ban quản lý WeWork đã đi trước một bước và hủy một buổi "hội đàm" mà vị CEO kia đang chuẩn bị.
Thứ sáu hôm sau là một ngày quan trọng, WeWork quyết định tổ chức roadshow ngay vào tuần sau và ra sức thu hút các nhà đầu tư bằng tuyên bố thay đổi cơ cấu quản trị. Toàn bộ ý kiến mà tờ Financial Times đưa ra dường như đã được cân nhắc, vì sau đó là hàng loạt thay đổi được áp dụng.
WeWork khẳng định rằng công ty đang tinh chỉnh mô hình dựa trên "phản hồi của thị trường" và khẳng định không còn một thành viên nhà Neumann nào ngồi trên ghế quản trị. Kế hoạch để vợ Neumann chọn "người kế nhiệm" cũng bị xóa sổ, WeWork thông báo rằng ban quản trị hoàn toàn có thể sa thải CEO.
Tệ hơn những dự báo trước đó, Reuters đưa tin WeWork chỉ đang nhắm đến mức định giá từ 10 tỷ USD đến 12 tỷ USD, thấp hơn tổng số vốn 12,8 tỷ USD mà công ty đã huy động được trong 9 năm hoạt động.
Nhưng CEO Neumann vẫn khăng khăng muốn WeWork IPO càng sớm càng tốt để đón kỳ lễ Rosh Hashanah từ 29/9 đến 1/10 một cách thoải mái nhất. Trong cuộc trao đổi với Softbank vào đầu tuần, CEO WeWork khẳng định rằng công ty sẽ chẳng thay đổi gì trong 12 tháng tới, anh ta chỉ cần tiền để tiếp tục mở rộng, hướng đến việc huy động thêm 3 tỷ USD qua IPO và 6 tỷ USD từ các ngân hàng bảo lãnh sau khi IPO thành công. Đến cuối ngày thứ Sáu, WeWork tuyên bố sẵn sàng niêm yết trên sàn Nasdaq.
Theo nguồn tin trong cuộc, Neumann và các chuyên gia tư vấn liên tục "lời qua tiếng lại" trong suốt quá trình chuẩn bị cho IPO. Vị CEO này còn công khai phản đối đề xuất thay đổi trước khi niêm yết, nhất là về quyền kiểm soát và bỏ phiếu. JPMorgan còn cảnh cáo Neumann rằng ngân hàng sẽ "phanh phui" những giao dịch mờ ám, khiến giới đầu tư phản ứng dữ dội. Kể cả SoftBank, nhà đầu tư lớn nhất của WeWork cũng chẳng thể nào thuyết phục được Neumann.
Vị CEO trên liên tục lao đầu về phía trước, buộc SoftBank phải tiếp tục ủng hộ vì đã lỡ "phóng lao". Vào buổi trưa thứ Sáu, tập đoàn công nghệ này lại xuất hiện trên mặt báo với tin đồn sẵn sàng trở thành nhà đầu tư đầu tiên khi WeWork niêm yết, cam kết mua ít nhất 750 triệu USD tiền cổ phiếu ngay khi thị trường mở cửa.
Đến cuối tuần, cả WeWork, SoftBank và các nhà phân tích đều hy vọng những thay đổi cơ cấu và kiểm soát, giảm định giá và cam kết hỗ trợ của SoftBank sẽ đủ để màn roadshow được chờ đợi từ lâu bắt đầu triển khai.
Nhưng có ai ngờ rằng, 48 giờ cuối tuần đó chính là khoản thời gian dài nhất đời Adam Neumann.
QUẢ BOM PHÁT NỔ
Đến thứ Hai, thay vì tổ chức roadshow để tiến hành IPO, WeWork làm cả thế giới bất ngờ khi tuyên bố dời ngày IPO lại sau lễ Rosh Hashanah.
Nhưng đó chỉ là lý do bên ngoài, rất nhiều nguồn tin đã đoán được rằng tất cả những bước chuẩn bị vào thứ Sáu tuần trước vẫn chưa đủ để WeWork có thể huy động 3 tỷ USD trong đợt IPO, và công ty này sẽ không được vay thêm 6 tỷ USD để duy trì hoạt động.
Như nhiều lời dự báo, WeWork sau đó một lần nữa tuyên bố sẽ IPO từ giờ cho đến cuối năm, đó gần như là giới hạn cuối cùng của công ty, vì các khoản vay không thể chờ lâu hơn được nữa.
Một ngày sau khi hoãn IPO, Neumann thừa nhận trong một cuộc họp nội bộ rằng mình cần phải khiêm tốn hơn, đây là lần đầu tiên nhà sáng lập WeWork công khai sự kém cỏi của mình. Anh ta còn thừa nhận rằng các kỹ năng quản lý startup cần phải được thay đổi khi quản lý một tập đoàn lớn. Sau cuộc họp, hàng loạt thành viên của hội đồng quản trị bắt đầu kế hoạch "lật đổ" Neumann.
Nhưng chưa kịp hành động thì một "quả bom" đã phát nổ ngay sau giờ nghỉ trưa.
Nhà báo Eliot Brown của Wall Street Journal đã công bố một bài báo dài 2.864 từ, tường thuật tỉ mỉ cơn nghiện cần sa và rượu Tequila của Neumann. Bài báo còn kể lại chuyến đi đến Israel trên máy bay riêng của Neumann sau khi WeWork sa thải một loạt nhân viên, thay vì tập trung làm việc để tránh thảm họa xảy ra một lần nữa, vị CEO này đã liên tục hút cần sa, uống rượu và mời hẳn một thành viên của nhóm nhạc Run-DMC trình diễn ngay trên không trung.
Một giọt nước làm tràn ly về tình hình ngày càng tồi tệ của WeWork. Hình ảnh "vị CEO hút cần sa" liên tục được lặp đi lặp lại trong những bài báo sau đó.
TRƯỢT DÀI ĐẾN PHÁ SẢN
Đã quá đủ rồi, ngay trong ngày Chủ Nhật, Softbank chính thức ủng hộ kế hoạch "tống cổ" Neumann. Hàng loạt cáo buộc sử dụng ma túy, hành vi "điên rồ" và ngoan cố thúc đẩy IPO mặc dù nhà đầu tư lớn nhất ra sức ngăn cản.
Softbank đã chính thức mất niềm tin. Một số nhà đầu tư còn khẳng định chỉ tiếp tục đầu tư khi WeWork thay CEO có kinh nghiệm, đe dọa sẽ đem Neumann ra tòa vì quá nhiều lần hành động "điên rồ" trên danh nghĩa công ty.
Những động thái trên buộc Neumann phải ngồi lại với Jamie Dimon - CEO của JPMorgan. Cả hai bàn đến việc tiếp tục thúc đẩy IPO sau khi Jamie đã trao đổi với một cố vấn WeWork trong 2 ngày liên tục.
Dimon không thể nào hành động một cách trung lập. Không chỉ là nhà tư vấn chiến lược trong kế hoạch IPO của WeWork, JPMorgan còn bơm hàng trăm triệu USD vào công ty trên, trong đó có khoản chi tiêu "mờ ám" 380 triệu USD của vị CEO. Không những thế, Neumann còn đang vay ngân hàng này ít nhất 98 triệu USD. Tất cả những bước đi "lấy lòng" trên nằm trong kế hoạch lật đổ sự thống trị của 2 ngân hàng đối thủ là Goldman Sachs và Morgan Stanley trong mảng IPO startup công nghệ.
Đến cuối ngày hôm đó, Neumann hẹn ăn tối với Bruce Dunlevie, một trong những giám đốc lâu đời nhất và cũng là nhà đầu tư của WeWork tại quỹ Benchmark Capital. Neumann muốn gặp 2 người này trong tình thế "dầu sôi lửa bỏng" vì cả Dunlevie và Dimon đều công khai ủng hộ việc duy trì ghế CEO cho Neumann. Nhưng bất ngờ thay, Dunlevie lại tiết lộ rằng anh đã về phe SoftBank và mong muốn Neumann sớm từ chức.
Đến ngày 24 tháng 9, số phận của Neumann đã vào thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi hội đồng quản trị WeWork có buổi họp tại trụ sở Madison Avenue của JPMorgan. Tòa nhà này một lần nữa trở thành một nhân chứng lịch sử sau nỗ lực cứu Bear Stearns trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Hội đồng đã dành hàng giờ liền để thống nhất về những việc phải làm. Sau một đợt biểu quyết, Neumann đã bị sa thải. Chính Neumann cũng đã tự bỏ phiếu sa thải chính mình.
Vị CEO quyền lực sẽ lập tức gia nhập nhóm chủ tịch không thường trực, tất cả quyền kiểm soát công ty đều bị hủy bỏ, biến Neumann trở thành một cổ đông thiểu số với khả năng bầu chọn chỉ một vài vị trí giám đốc.
Ngay sau đó, hội đồng đã chỉ định Sebastian Gunningham và Artie Minson cho chiếc ghế CEO, bắt đầu xem xét "kìm hãm" tốc độ phát triển, "thanh lọc" hàng nghìn nhân sự và tập trung về mảng cho thuê văn phòng, xóa sổ mô hình trường học của vợ Neumann để cắt giảm chi phí.
WeWork cũng bắt đầu cân nhắc vay thêm 3 tỷ USD để tiếp tục hoạt động, nhưng trước hết thì công ty phải tăng thêm vốn chủ sở hữu. Tờ Economist còn "đổ dầu vào lửa" khi trực tiếp thảo luận liệu có phép màu nào để "Cứu WeWork khỏi vực phá sản" hay không.
Đến Thứ Năm tuần rồi, SoftBank bắt đầu cân nhắc bơm thêm 1 tỷ USD. Và ngay hôm qua, WeWork đã chính thức rút lại bản cáo bạch với hy vọng số tuần "địa ngục" sẽ chấm dứt ở con số 6.
Thanh Sang
Theo Trí Thức Trẻ/Business Insider