(TBKTSG) - Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước như một sự tất yếu và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai nước.
Đến thời điểm này ý niệm “thoát Trung” về mặt kinh tế của Việt Nam dường như là không hiện thực. Nguồn: Petsourcing.com |
Tuy nhiên, trong quan hệ này phía Việt Nam luôn bị thâm hụt thương mại và tình trạng ngày càng trầm trọng, do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào.
So sánh một số chỉ số kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc dựa trên bảng cân đối liên ngành input - output (I/O) của hai nước (bảng 1) cho thấy trong 100 đồng giá trị sản xuất thì Trung Quốc tạo ra được 32 đồng giá trị tăng thêm, trong khi Việt Nam chỉ tạo ra 29 đồng. Tỷ lệ này cho thấy nền sản xuất của Việt Nam không hiệu quả bằng Trung Quốc hoặc là một nền kinh tế gia công “sâu” hơn Trung Quốc.
Tỷ lệ sản phẩm đầu vào là nhập khẩu trong chi phí trung gian của Việt Nam lớn hơn hẳn tỷ lệ này của Trung Quốc (0,29 so với 0,08), nghĩa là Trung Quốc sản xuất ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tham gia vào chi phí trung gian trong quá trình sản xuất.
Trong khi Việt Nam, ngoài những sản phẩm đầu vào là dịch vụ, điện nước, hầu như không có bao nhiêu sản phẩm hỗ trợ tham gia vào chi phí trung gian trong quá trình sản xuất của mình. Điều này cho thấy lan tỏa từ cầu cuối cùng đến phía cung của Việt Nam thấp hơn so với lan tỏa đến nhập khẩu.
Bảng 1 còn chỉ ra trong quan hệ thương mại giữa hai nước, ở khía cạnh sản xuất, cũng có sự khác biệt rất rõ và khá lớn. Trong chi phí trung gian của Việt Nam có 8% đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc, thì Trung Quốc chỉ sử dụng 0,1 % đầu vào là sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Điều này phần nào cho thấy mức độ quan trọng tương đối của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đối với nền sản xuất của Việt Nam là lớn hơn hẳn chiều ngược lại. Sự lệ thuộc này rất đáng được lưu tâm.
Xem xét về hệ số co giãn giữa lao động và vốn của hai quốc gia thông qua bảng cân đối liên ngành của hai nước cho thấy Việt Nam cần một lượng vốn cao hơn Trung Quốc khá nhiều mới tạo ra được tăng trưởng.
Có một nghịch lý là tỷ lệ đầu tư so với tổng giá trị tăng thêm (GVA) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (22% so với 44%), nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao, không kém Trung Quốc bao nhiêu.
Mức tăng trưởng bình quân của Việt Nam giai đoạn 2010-2015 khoảng 6,1% trong khi của Trung Quốc trong giai đoạn này ước tính khoảng 7%. Điều này chỉ có thể lý giải là do năng suất nhân tố tổng hợp (total factor productivity - TFP) của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, nhưng đó dường như lại là một nghịch lý. Những nhân tố nào ảnh hưởng tới năng suất nhân tố tổng hợp? Điều này cho thấy phải chăng tăng trưởng của Việt Nam dựa khá nhiều vào khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI)?
Xét về các yếu tố của cầu cuối cùng (Final demand), có thể thấy chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình ở Việt Nam chiếm tỷ trọng trong GVA(1) cao hơn Trung Quốc đến 20 điểm phần trăm (56% so với 36%), bù lại chi tiêu dùng cuối cùng chính phủ của Trung Quốc cao hơn Việt Nam 8 điểm phần trăm (14% và 6%).
Tuy nhiên tổng tiêu dùng cuối cùng của Trung Quốc trong GVA vẫn khá thấp so với Việt Nam (50% so với 62%); tỷ trọng xuất khẩu thuần trong GVA của Việt Nam thậm chí còn cao hơn Trung Quốc.
Như vậy, để đạt được tăng trưởng Trung Quốc phần lớn dựa vào vốn. Tỷ trọng đầu tư trong GVA của Trung Quốc là rất cao, khoảng 44% GVA, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam chỉ là 22% GVA. Tình hình này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương một khi thu từ sở hữu gặp trục trặc và tiết kiệm (saving) luôn nhỏ hơn đầu tư.
Tính toán các kịch bản khi có sự tổn thương về thương mại giữa hai quốc gia (bảng 2) cho thấy phía Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề hơn Trung Quốc rất nhiều. Bảng 2 đưa ra các giả định khi giảm sút thương mại với Trung Quốc xảy đến, trong điều kiện hiện nay, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế như thế nào. Trường hợp xấu nhất, GVA/GDP của Việt Nam có thể giảm đến 5,9%.
Điều này cho thấy Việt Nam đã lún rất sâu vào sự phụ thuộc trong quan hệ thương mại với Trung Quốc từ rất nhiều năm nay. Đến thời điểm này ý niệm “thoát Trung” về mặt kinh tế dường như là không hiện thực. Như vậy, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu làm đầu vào, đầu vào là sản phẩm của Việt Nam cơ bản là điện, nước, bao bì và các chi phí dịch vụ mà thôi.
(1) GDP = GVA + thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản xuất
Nguyễn Quang Thái - Bùi Trinh