Bị chặn đường tiến ra thế giới, Huawei quay về bóp nghẹt các đồng hương Trung Quốc

Khó có hy vọng tiến ra thị trường quốc tế, Huawei đang dồn toàn lực vào thị trường trong nước, đồng thời bóp nghẹt thị phần của các đối thủ trên thị trường smartphone Trung Quốc.
Quyết định của Washington nhằm chặn smartphone Huawei sử dụng các dịch vụ di động của Google đã gây ra những nạn nhân ngoài ý muốn: các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đồng hương của Huawei. Khi Huawei bị chặn đường ra quốc tế, họ buộc phải củng cố ngôi vị thống trị thị trường trong nước và bóp nghẹt các đối thủ khác.

Dấu hiệu đầu tiên của nỗi đau này chính là Xiaomi, khi vào cuối tháng trước, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 Trung Quốc thông báo kế hoạch cải tổ đội ngũ lãnh đạo lần thứ 5 trong năm nay. Cơn địa chấn này đến vào thời điểm kết quả kinh doanh quý vừa qua cho thấy lần đầu tiên lượng smartphone xuất xưởng của công ty sụt giảm kể từ khi IPO tháng 7 năm 2018 đến nay.

Ông Lôi Quân từ chức chủ tịch Xiaomi Trung Quốc sau kết quả kinh doanh bết bát trong quý vừa qua.
Những thiệt hại ngoài dự kiến từ lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei

Các nhà phân tích cho rằng, đà sụt giảm của Xiaomi có thể xem như thiệt hại ngoài dự kiến trước các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ dành cho Huawei của chính phủ Mỹ.

Flora Tang, nhà phân tích tại Counterpoint Research ở Hong Kong cho biết: "Khi không được tiếp cận các dịch vụ di động của Google, Huawei giờ buộc phải tập trung toàn lực vào thị trường Trung Quốc," nơi Google đã bị cấm cửa nhiều năm nay và các khách hàng địa phương ưa thích các lựa chọn thay thế từ trong nước hơn.

Cùng với việc Huawei dồn sức cho thị trường trong nước, lệnh cấm từ Mỹ cũng tạo nên tâm lý yêu nước của người Trung Quốc khiến họ ủng hộ Huawei nhiều hơn, gia tăng gấp bội áp lực đè nặng lên các nhà sản xuất smartphone khác của quốc gia này. Ngay cả những thương hiệu nội địa như Xiaomi cũng không phải ngoại lệ.

Theo hãng Counterpoint Research, trong quý từ tháng Bảy đến tháng Chín, Xiaomi bán được 8,6 triệu thiết bị cầm tay tại Trung Quốc, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh Xiaomi, thống kê từ hãng Canalys cũng cho thấy các thương hiệu như Vivo và Oppo, các thương hiệu smartphone thứ 2 và thứ 3 tại Trung Quốc, cũng chịu tác động khi lệnh cấm giáng xuống Huawei.

Trong quý 3 vừa qua, thị phần Vivo tại Trung Quốc chỉ còn 17,9%, giảm mạnh so với mức thị phần 22,6% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, thị phần của Oppo, người anh em với Vivo, giảm từ 21,1% xuống còn 17,4%. Báo cáo của Canalys cho thấy, thị phần Xiaomi trượt giảm từ 13,1% xuống còn 9%.

Một cú đánh khác giáng vào các hãng sản xuất smartphone còn là tình cảnh chung tại thị trường Trung Quốc. Các con số thống kê cho thấy, tổng lượng smartphone xuất xưởng tại nước này trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, càng gây thêm sức ép cho các hãng khác.

Trái ngược với tình cảnh chung của thị trường, thị phần Huawei tăng vọt từ mức 24,9% lên 42,4%, gần như tương đương với cả Xiaomi, Oppo và Vivo cộng lại.

Huawei tăng trưởng, ngược dòng toàn thị trường smartphone Trung Quốc.
Apple, thương hiệu nước ngoài duy nhất còn nằm trong top 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu tại Trung Quốc, cũng chịu cảnh lép vế trong mắt những người mua sắm. Từ mức thị phần 7% tại Trung Quốc cùng kỳ năm ngoái, giờ đây thị phần Apple giảm xuống còn 5,2%.

Cuộc tháo chạy ra nước ngoài

Nhưng cơn ác mộng này vẫn chưa chấm dứt ở đây. Nicole Peng, phó chủ tịch mảng di động của hãng nghiên cứu Canalys tại Hong Kong cho rằng: "Vài tháng tới sẽ đánh dấu thời kỳ còn khó khăn hơn nữa cho Xiaomi và các nhà sản xuất smartphone khác ở Trung Quốc."

Trong tháng 10, cả 3 nhà mạng di động lớn nhất Trung Quốc đã ra mắt các gói dịch vụ 5G được chờ đợi từ lâu. "Huawei đang ở vị thế vững chắc để củng cố hơn nữa ngôi vị thống trị trên thị trường Trung Quốc thông qua việc triển khai mạng 5G." Bà Peng cho biết.

Hiện tại, Huawei là nhà sản xuất smartphone duy nhất của Trung Quốc có thể tự sản xuất chipset 5G, giúp họ dễ dàng kiểm soát chi phí sản xuất và bán các thiết bị có công nghệ kết nối thế hệ mới với mức giá dễ tiếp cận hơn so với các đối thủ.

Chính vì vậy, Xiaomi và các nhà sản xuất khác đang tích cực tìm lối đi ra thị trường quốc tế. Xiaomi đang chuẩn bị tiến vào thị trường Nhật Bản từ tuần trước. Tại châu Âu và Đông Nam Á, những thị trường mà Huawei buộc phải bỏ lại, Xiaomi, Oppo và Vivo đang gia tăng sự hiện diện của mình. Gần đây, Oppo đã mở cửa hàng trải nghiệm flagship đầu tiên của mình tại Thái Lan, với nhiều cửa hàng khác chuẩn bị mở cửa tại Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines.

Cửa hàng trải nghiệm đầu tiên của Oppo tại Thái Lan.
Bà Peng cho biết về 3 nhà sản xuất smartphone Trung Quốc trên : "Khi không thể đấu lại với Huawei tại quê nhà, họ đang tìm kiếm tăng trưởng từ nước ngoài."

Ngay cả như vậy, tăng trưởng từ thị trường quốc tế có lẽ sẽ quá nhỏ để thay đổi tình thế cho họ, ít nhất là không ngay lập tức. Trong quý vừa qua, bản thân doanh thu smartphone của Xiaomi trên toàn cầu chỉ đạt 4,6 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tham khảo Nikkei
Theo Nguyễn Hải
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét