(TBKTSG) - “Đến hẹn lại lên”, giữa bộn bề các mối lo về sản xuất, phân phối, thu hồi công nợ cuối năm..., các doanh nghiệp cũng đang tất bật thu xếp dòng tiền để kịp thưởng Tết cho người lao động.
Với người lao động Việt Nam, thưởng Tết là phần thu nhập quan trọng. Trong ảnh: Công nhân trong một nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tại Hậu Giang. Ảnh: Minh Tâm |
Dành tiền thưởng Tết
Từ cuối tháng 11, tức còn hơn một tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần Sài Gòn Food đã công khai về tình hình thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, mỗi cán bộ nhân viên sẽ được nhận thưởng bằng tiền tương đương hai tháng lương. Riêng các công nhân sản xuất có tay nghề cao, đạt các danh hiệu thi đua được thưởng gần ba tháng lương.
Các công nhân về quê ăn Tết được tài trợ xe đưa đón hai chiều; các công nhân còn ngày phép chưa sử dụng được quy đổi ra tiền và nhận thưởng... Những công nhân không có điều kiện về quê được tổ chức tiệc cuối năm. Những người trở lại làm việc ngày đầu tiên sau Tết Nguyên đán được nhận tiền mừng tuổi...
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food, cho biết tổng ngân sách mà công ty này dành thưởng Tết, chăm lo cho người lao động trong năm nay là 45 tỉ đồng. Công ty đã có sự chuẩn bị về tài chính, tích lũy trong năm nên không gặp áp lực về cân đối thu chi cũng như chuẩn bị ngân sách cho việc thưởng Tết.
Trong năm, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể gặp một số biến động nhưng công ty luôn cố gắng mức thưởng của cán bộ nhân viên không bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Đông Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Vina Latex, nói rằng mức thưởng Tết cho người lao động ở công ty ông phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, đây là khoản chi nằm trong kế hoạch nên doanh nghiệp luôn thu xếp để thực hiện đúng cam kết.
Việc khó khăn hơn, theo ông Thành, là khi phân bổ mức thưởng phải làm sao tạo sự hài hòa giữa các nhân viên theo thời gian lao động, hiệu quả công việc cũng như sự đóng góp của mỗi người.
Ông Võ Duy Phú, Giám đốc tiếp thị của chuỗi cà phê The Coffee House, cho biết với đặc trưng của ngành bán lẻ và đang ở giai đoạn mở rộng thị trường, công ty này thường dành tiền để tái đầu tư (mở thêm cửa hàng mới, đào tạo nhân viên...). Khi Tết đến thì việc sắp xếp dòng tiền phải linh hoạt hơn nhằm đảm bảo nhân viên được tưởng thưởng xứng đáng cho một năm lao động. Kế hoạch năm nay của công ty là mỗi cán bộ nhân viên được thưởng ít nhất một tháng lương.
“Chúng tôi coi việc thưởng Tết là cách để giữ chân người lao động. Do đó, có những thời điểm như cuối năm, công ty cũng có những vấn đề về tài chính nhưng vẫn ưu tiên thu xếp cho việc thưởng Tết”, ông Phú nói.
Trưởng phòng kế toán của một doanh nghiệp tại quận 7, TPHCM tiết lộ, mức thưởng năm nay của công ty này khá tốt, vẫn duy trì ở mức từ bốn đến năm tháng lương/người, tùy vị trí như năm ngoái (tương đương 30- 50 triệu/người) dù hoạt động kinh doanh không tốt bằng.
Để có được mức thưởng này, trong từng tháng trước đó, công ty đã bớt một phần thu nhập của cán bộ, nhân viên. Vị này thừa nhận, làm vậy người lao động không vui nhưng công ty đành phải “để dành” thì mới có thể có thưởng Tết “ra tấm ra món”. Nguyên nhân là với người Việt, thưởng Tết rất quan trọng.
Để thưởng Tết không là gánh nặng với doanh nghiệp
Báo cáo công bố cách đây khá lâu của trang web tuyển dụng VietnamWorks (thuộc tập đoàn Navigos) đưa ra kết quả, có đến 53% ứng viên luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc, hơn một phần tư nhân viên sẽ nghỉ việc sau Tết nếu không nhận được mức thưởng như mong đợi. Do tầm quan trọng của việc thưởng cuối năm nên nhiều doanh nghiệp coi việc thưởng Tết chính là cách để giữ chân nhân tài.
Từ trải nghiệm nhiều năm quản lý nhân sự, bà Đinh Kim Nhung (hiện là giám đốc nhân sự một tập đoàn lớn) cho biết, bản thân các ứng viên khi đi phỏng vấn đều rất thẳng thắn hỏi về lương Tết (lương tháng 13) và coi đây là một phần cam kết, đảm bảo của doanh nghiệp sử dụng lao động trong tổng thu nhập.
Ngược lại, các doanh nghiệp khi đề nghị công việc với các ứng viên thì cũng thường giải thích về tổng thu nhập nói chung, không chỉ dừng ở lương tháng. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp trả thưởng cuối năm (thường là lương tháng 13, thậm chí 14, 15) như là một phần tất yếu của thu nhập. Chính sách này cũng áp dụng với cả những lao động người nước ngoài.
Khoản này thường được trả trước Tết Nguyên đán hai tuần để người lao động chủ động chi tiêu, mua sắm. Tất nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp chia thành trước và sau Tết do lo ngại người lao động nhận thưởng rồi không quay lại làm việc.
Các doanh nghiệp bao giờ cũng chuẩn bị khoản ngân sách lương Tết cho người lao động. “Vì nếu không có, nhân viên sẽ có suy nghĩ công ty làm ăn không tốt hoặc không chăm lo đời sống người lao động, nhất là vào những dịp quan trọng như Tết cổ truyền”, bà Nhung lý giải. Đó là lý do lương tháng thứ 13 giúp giữ danh tiếng cho doanh nghiệp (làm ăn ổn định, có lời và biết chăm lo đời sống nhân viên).
Bên cạnh lương Tết, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn tiến hành đánh giá và chi trả thưởng theo thành quả lao động cho cán bộ, nhân viên trước khi nghỉ Tết. Tất nhiên, khoản này còn dựa trên kết quả kinh doanh chung của công ty. Đây thực sự là khoản thưởng tăng thêm, rất quan trọng trong tổng thu nhập và là chiến lược thu hút, giữ chân người tài của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, lương tháng 13, thưởng vào dịp cuối năm cho nhân viên, có khi lên đến hàng ngàn người, là một gánh nặng chi phí với nhiều doanh nghiệp.
Do vậy, theo bà Nhung, công ty nên có trao đổi thẳng thắn với người lao động về cách xây dựng tổng thu nhập, cách phân bổ và phương thức, thời gian chi trả... để tìm được sự thống nhất, thông hiểu. Có như vậy, doanh nghiệp sẽ có thể giảm được gánh nặng về chi phí vào cuối năm, thực hiện chi trả dàn đều trong suốt năm hoặc những thời điểm ít nhạy cảm mà vẫn động viên, giữ chân được nhân viên cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững.
“Tôi được biết có những doanh nghiệp thưởng thành tích kinh doanh được trả vào tháng 4 hàng năm, tức sau Tết Nguyên đán nhiều tháng”, bà Nhung nói thêm.
Nguyễn Thị Thanh Hương (Phó tổng giám đốc Talentnet):
Thưởng Tết - bài toán quản trị
Thưởng Tết luôn là vấn đề nóng trong thời gian này tại các doanh nghiệp. Với nhân viên, mong muốn của họ không chỉ là có thêm một khoản thu nhập mà họ còn muốn biết sự ghi nhận của công ty về những đóng góp của mình vào kết quả hoạt động chung của công ty trong năm qua.
Đối với công ty, thưởng Tết thể hiện sự trân trọng và ghi nhận những nỗ lực của nhân viên, đồng thời chuyển tải những thông tin về kết quả kinh doanh, những thành công, thách thức và định hướng hoạt động trong năm tới.
Với một công ty hoạt động chuyên nghiệp thì việc thưởng Tết thường đã được lên kế hoạch và mức thưởng thực tế thật ra luôn được dự trù theo sát hoạt động kinh doanh theo thời gian trong năm; cho nên bức tranh thưởng Tết sẽ ngày càng rõ nét vào thời gian cuối năm dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế. Như vậy, chuyện bị động về thưởng Tết sẽ hầu như không xảy ra.
Do đó, theo tôi vấn đề chính ở đây là công tác truyền thông và việc phân bổ quỹ thưởng cho nhân viên.
Nếu năm nay công ty thưởng Tết cao hơn năm ngoái thì việc truyền thông có nhiều thuận lợi. Còn nếu không được như kỳ vọng thì doanh nghiệp nên có kế hoạch truyền thông cụ thể tới đội ngũ quản lý và nhân viên để họ hiểu rõ kết quả kinh doanh, biết được lý do để rút ra bài học, cũng như nắm được định hướng kinh doanh cho năm sắp tới. Truyền thông cũng cần nhấn mạnh là kết quả kinh doanh phản ánh nỗ lực của từng nhân viên. Vì vậy, tất cả nhân viên cần đồng hành trong công việc nhằm đạt kết quả cao hơn cho các năm sau.
Phân bổ quỹ thưởng cũng rất quan trọng và cần tập trung vào việc phân bổ, sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý quỹ thưởng thực tế theo đúng chiến lược chi trả thù lao, kết quả kinh doanh của công ty; thể hiện sự trân trọng đối với đóng góp cá nhân của những nhân viên xứng đáng.
Việc thưởng Tết còn có tác động đến mức độ thu hút người tài, ảnh hưởng đến việc giữ chân người tài, tiềm năng phát triển của nhân viên và định vị của doanh nghiệp trong thị trường.
Tâm Lan
Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn