Trung Quốc đang tiến tới một năm vỡ nợ trái phiếu kỷ lục – điều sẽ tạo ra thêm rất nhiều áp lực cho Chính phủ nước này trong nỗ lực giữ cho thị trường tài chính ổn định trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc và các công ty ngập chìm trong nợ.
Kể từ đầu tháng 11 đã có ít nhất 11 vụ vỡ nợ xảy ra, khiến tổng cộng từ đầu năm đến nay quy mô vỡ nợ trái phiếu đã lên đến 120,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 17,1 tỷ USD), trong khi con số của cả năm 2018 là 121,9 tỷ nhân dân tệ.
Mặc dù rất khiêm tốn nếu đặt trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá tới 4.400 tỷ USD của Trung Quốc, những con số này vẫn làm dấy lên những lo ngại về khả năng khủng hoảng lây lan vì các nhà đầu tư hoang mang không biết Bắc Kinh sẽ hỗ trợ đến đâu và hỗ trợ những công ty như thế nào. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phải "đi trên dây", vừa cố gắng loại bỏ quan niệm đang bóp méo thị trường nợ rằng nhà nước sẽ không để các công ty phá sản mà sẽ ra tay giải cứu, vừa phải hỗ trợ nền kinh tế đang bị làm cho suy yếu bởi chiến tranh thương mại.
Năm nay, vấn đề nợ bao trùm gần như tất cả các ngành kinh doanh ở Trung Quốc, từ các công ty bất động sản và nhà máy thép cho đến các công ty năng lượng mới và công ty phần mềm. Không chỉ các công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn mà cả mảng kinh doanh của các trường đại học (vốn được quản lý rất lỏng lẻo và mơ hồ) cũng vậy.
Ví dụ, đầu tuần này quỹ kinh doanh của ĐH Bắc Kinh đã khiến nhà đầu tư rúng động khi không thể thanh toán gốc và lãi cho các trái chủ của số trái phiếu trị giá 2 tỷ nhân dân tệ. Cùng ngày, Tunghsu Optoelectric Technology, nhà sản xuất linh kiện điện quang, cũng bị vỡ nợ đối với số trái phiếu trị giá 1,7 tỷ nhân dân tệ.
Rắc rối còn lan sang cả trái phiếu niêm yết bằng USD - thị trường từ trước đến nay vốn tỏ ra vững vàng. Tewoo Group sẽ trở thành doanh nghiệp nhà nước cấp cao đầu tiên vỡ nợ trái phiếu USD trong hơn 20 năm qua. Mới đây công ty vừa công bố kế hoạch tái cấu trúc nợ mà theo đó các nhà đầu tư sẽ lỗ lớn.
Dẫu vậy, giới phân tích cho rằng nguy cơ khủng hoảng nợ trên toàn hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn đang ở rất xa. "Trung Quốc là 1 thị trường lớn với rất nhiều công ty phát hành trái phiếu. Xảy ra một số vụ vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi trong 1 thị trường vốn", Todd Schubert, lãnh đạo của Bank of Singapore, nhận định.
Theo S&P Global Ratings, tỷ lệ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc trong năm 2019 được dự báo sẽ ở mức tương tự năm ngoái, tức 0,5%. Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu trong nhóm doanh nghiệp nhà nước trong 10 tháng đầu năm chỉ là 0,2% vì có sự trợ giúp của Chính phủ cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng tốt hơn, còn tỷ lệ trong nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước là 4,5%, cao kỷ lục.
Đối mặt với núi nợ doanh nghiệp bằng với 165% GDP năm 2018, Trung Quốc đang cho phép một số doanh nghiệp vỡ nợ để thắt chặt kỷ cương đối với cả bên đi vay và các nhà đầu tư. Theo Anne Zhang, chuyên gia đến từ JPMorgan, tỷ lệ vỡ nợ tăng là điều tất nhiên sẽ xảy ra theo chu kỳ của thị trường tín dụng. "Về dài hạn vì đó là điều tích cực đối với bất kỳ thị trường nào, nhằm hoàn thiện cơ chế định giá rủi ro".
Tuy nhiên, làn sóng vỡ nợ sẽ có thể gây tổn thất lớn cho các nhà đầu tư nếu như các nhà hoạch định chính sách không cải thiện tính minh bạch xung quanh các vụ vỡ nợ, theo Cindy Huang, chuyên gia phân tích của S&P Global Ratings. Nếu các vụ vỡ nợ quá bất ngờ và khó đoán, tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Thu Hương
Theo Nhịp Sống Việt