Thách thức phát triển công nghiệp ở “đầu tàu kinh tế”

(TBKTSG) - Trong bối cảnh hiện nay, việc tập trung phát triển bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu như lâu nay không còn phù hợp, đòi hỏi TPHCM phải điều chỉnh lại, đưa ra chính sách tốt nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và tham gia các ngành mới theo hướng công nghệ cao và kinh tế số.
Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo “Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển” do UBND TPHCM tổ chức vào tuần trước với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, giới phân tích, và cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tư RA các tỉnh

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn TPHCM đã và đang có xu hướng chuyển đầu tư về các tỉnh lân cận. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp sản xuất đầu tư sang các tỉnh với quy mô khá lớn. Đơn cử như doanh nghiệp hoạt động trong ngành hóa dược - cao su - nhựa như Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền chuyển đầu tư về Bình Dương, Công ty TNHH Sơn Kova chuyển về Đồng Nai...

Nhận định về tình hình này, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết giai đoạn 2011-2015, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có giá trị đầu tư ra các tỉnh cao nhất. Những năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp dịch chuyển ra các tỉnh tiếp tục tăng và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ trọng khu vực công nghiệp thành phố năm 2018 giảm 1,12% so với năm 2016.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ ra những điểm yếu khiến thành phố không còn sức hấp dẫn với nhà đầu tư sản xuất công nghiệp. Đó là sự cạnh tranh của nhiều tỉnh - thành trong cả nước về công tác thu hút đầu tư, đặc biệt trong cung cấp đất sạch.

Thành phố hiện thiếu quỹ đất cho lĩnh vực sản xuất, giá thuê đất, mặt bằng sản xuất ở thành phố cao so với các khu chế xuất - khu công nghiệp ở các khu vực lân cận khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của thành phố cho công nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư.

Thách thức doanh nghiệp “li ti”

Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND TPHCM, trong thời gian qua, dù quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM tăng trưởng hàng năm 8,6%/năm nhưng trong tổng giá trị xuất khẩu đóng góp chủ yếu là khu vực kinh tế có vốn nước ngoài (chiếm 55,7%), còn lại là kinh tế nhà nước (chiếm 11,3%), kinh tế ngoài nhà nước chỉ chiếm 33%.

Ông Phong chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là quy mô của doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ. Hiện toàn thành phố có gần 380.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn từ 1.000 tỉ đồng trở lên, 2% số doanh nghiệp có vốn từ 100 tỉ đồng, trong khi số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 88%, số còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông dẫn chứng về kết quả bình chọn của tạp chí Forbes hàng năm lựa chọn ra 40 thương hiệu lớn của Việt Nam, TPHCM chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp trong danh sách bình chọn này.

Phát triển theo hướng nào?

Đứng trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng ngành công nghiệp của thành phố chỉ duy trì trong ngắn hạn. Về lâu dài, TPHCM cần phải có sự thay đổi nếu muốn duy trì đà tăng trưởng như hiện nay. Ông Ngân của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhấn mạnh các ngành kinh tế trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, cao su - nhựa, lương thực - thực phẩm) mà TPHCM đang ưu tiên phát triển trong thời gian qua đã không còn phù hợp.

Nếu muốn duy trì đà tăng trưởng trên 7% trong những năm tới, TPHCM cần điều chỉnh lại ngành công nghiệp ưu tiên cũng như phát triển thêm các ngành mới phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

“Năm 2019, năng suất lao động của thành phố tăng 6,82% là khá cao nhưng vẫn còn tiềm năng để tăng hơn nữa. Thành phố cần tập trung vào hạ tầng cho các khu công nghiệp khu chế xuất, hỗ trợ khu công nghệ cao, hình thành khu công nghiệp mới ưu tiên lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Có như vậy thì chúng ta mới thu hút được nhà đầu tư dùng công nghệ tiên tiến, phù hợp với cách mạng công nghệ 4.0. Từ đó, khuyến khích các mô hình kinh doanh mới để thúc đẩy tăng năng suất lao động”, ông Ngân nói.

Trong khi đó, ông Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM, đề xuất thành phố đầu tư xây dựng trung tâm hoặc viện công nghệ công nghiệp (hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối kinh phí hoạt động) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp nâng cao năng lực về công nghệ. Đặc biệt, Chính phủ cần sớm ban hành các biện pháp bảo vệ thị trường điện, điện tử gia dụng như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại... nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lĩnh vực này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước.

Đối với thu hút đầu tư, ông Quốc cho rằng lợi thế nhân công giá rẻ sẽ không kéo dài lâu, cùng với việc thời hạn ưu đãi đầu tư kết thúc, nếu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước không phát triển, để cắt giảm giá thành sản phẩm, các tập đoàn đa quốc gia sẽ di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác hấp dẫn hơn. Khi đó, doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam không có đủ khả năng cạnh tranh và phát triển.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho rằng thời gian qua, TPHCM đã thành lập nhiều quỹ hỗ trợ vốn đầu tư cho doanh nghiệp nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp, khó tiếp cận nên cần cải cách thủ tục hành chính quyết liệt hơn nữa.

Ghi nhận những đề xuất trên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết sắp tới thành phố sẽ xác định lại các tiêu chí một cách chặt chẽ, khoa học, chú ý đến các vấn đề lớn như lợi thế của doanh nghiệp trên địa bàn, những ngành có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa rộng đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

“Thành phố cần lập hội đồng phát triển doanh nghiệp ở từng lĩnh vực để đến năm 2025 sẽ có được các tập đoàn kinh tế mạnh, trong đó việc chọn lựa các doanh nghiệp đủ lớn, mạnh trong từng lĩnh vực để tiếp cận được ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sẽ được chú trọng”, ông Phong nhấn mạnh.

Riêng về quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp, ông Phong cho biết Chính phủ đã đồng ý cho thành phố chuyển hơn 30.000 héc ta đất nông nghiệp sang đất khác. Theo lộ trình từ đây đến năm 2021, thành phố sẽ dành gần 2.000 héc ta cho phát triển công nghiệp. Thành phố cũng sẽ khẩn trương triển khai, sớm hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông.

Quốc Hùng
0 Nhận xét