Trong khi chờ đợi Michelin vào Việt Nam, các tổ chức xã hội đã hợp tác và cho ra mắt The Lotus RIR – chương trình đánh giá xếp hạng chất lượng cơ sở kinh doanh ăn uống. Hiện The Lotus RIR đang đánh giá thử nghiệm khoảng 100 nhà hàng và sẽ công bố kết quả ở Asia Food and Beverage Summit vào 5/3/2020.
Hệ thống đánh giá The Lotus RIR sẽ được tối ưu hóa để phù hợp với thực trạng Việt Nam. Ảnh minh họa |
Ẩm thực là một ngành kinh doanh sôi động nhất nhì tại Việt Nam. Với thị trường gần 100 triệu dân, nó không chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước và cả quốc tế.
Theo tiết lộ của ông Chữ Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV), Việt Nam đang nằm trong Top 3 những thị trường có ngành ẩm thực tăng trưởng ấn tượng nhất khu vực Đông Nam Á. RAV cũng là thành viên sáng lập Liên minh Hiệp hội Nhà hàng ASEAN, đơn vị tiên phong xây dựng hệ sinh thái cho mục tiêu phát triển ngành ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới.
Gần nhất, RAV đã kết nối cho gần 50 nhà đầu tư trong ngành ẩm thực cũng như các cơ quan quản lý Đài Loan đến Việt Nam tham quan tìm hiểu ngành ẩm thực của nước ta. Cũng như thế, Việt Nam đang là thị trường được các nhà đầu tư trong ngành F&B Singapore quan tâm số 1, khi họ vừa đưa 2 đoàn doanh nhân của mình qua Việt Nam tìm hiểu và khảo sát tiềm năng. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư của Việt Nam cũng đã có các đợt sang Singapore và Đài Loan.
Tuy nhiên, nói như thế nào, thì sự phát triển hiện tại của ngành nhà hàng nói riêng và F&B của Việt Nam nói chung vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng của mình.
"Hiện tại, ở Việt Nam, trong ngành nhà hàng đang có tình trạng là mạnh ai người nấy làm, các nhà đầu tư quá tham lam và ôm đồm, một lúc làm nhiều thứ. Tỷ suất lợi nhuận trong ngành này vẫn còn thấp, do gánh nặng chi phí quá lớn ở mảng lãi suất ngân hàng, nhân sự và tuyển dụng. Ngoài ra, có không ít ông bà chủ không có bất cứ kiến thức nào trong ngành này vẫn cứ đứng ra mở nhà hàng/quán ăn, dẫn đến không có định hướng và chiến lược đúng đắn – rõ ràng.
Thế nên, muốn ngành F&B Việt Nam phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nhà nghiên cứu", ông Lê Tân – Tổng thư ký Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam (VCCA), nhận định.
Nhằm góp phần nâng tầm nền ẩm thực Việt cũng như có một quy chuẩn chung để những nhà đầu tư trong ngành F&B cũng như khách hàng biết đâu là một nhà hàng/quán ăn đạt chuẩn, các tổ chức xã hội trong ngành ẩm thực Việt Nam vừa hợp tác xây dựng hệ thống The Lotus RIR (Restaurant Inspections & Ratings).
The Lotus RIR là chương trình đánh giá xếp hạng nhà hàng chuyên nghiệp được phối hợp thực hiện bởi Mạng lưới Nhà hàng Khách Sạn Việt Nam (VHN) và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) với sự hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước như UITM, UBIS…; thông qua mạng lưới chuyên gia và Hệ thống tiêu chuẩn MGP/ MSPA (đánh giá bởi RAV Auditing theo quy trình Mystery Guest) nhằm mục tiêu chuẩn hóa và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn bộ hệ thống ẩm thực, nhà hàng của Việt Nam.
"Lý do khiến nền ẩm thực của Việt Nam chúng ta, dù được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá cao – xem là ‘Bếp ăn của thế giới’, nhưng chưa có bất cứ nhà hàng nào đạt sao Michelin, đơn giản bởi hệ thống đánh giá danh giá này chưa có kế hoạch mở rộng thị trường đến Việt Nam, mặc dù họ đã vào Singapore và Đài Loan.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ của ngành nhà hàng, tất nhiên chúng ta không thể ngồi đợi Michelin vào thì mới bắt đầu cố gắng. Mục tiêu của chúng tôi khi giới thiệu The Lotus RIR, nhằm giúp tất cả các bên liên quan trong ngành nhà hàng Việt Nam có một quy chuẩn để đánh giá và một mục tiêu để phấn đấu", ông Chữ Hồng Minh chia sẻ.
Ông Chữ Hồng Minh đang trình bày về dự án The Lotus RIR. |
Quy trình hoạt động giai đoạn đầu của The Lotus RIR sẽ có 5 bước: đầu tiên là thiết lập yêu cầu & mục tiêu đánh giá, bước hai là khảo sát – đánh giá thử nghiệm, bước ba là phát triển chương trình – kịch bản, bước bốn là trải nghiệm – đánh giá dịch vụ theo bộ tiêu chí, cuối cùng là tổng hợp – phân tích dữ liệu – báo cáo đề xuất Hội đồng Cố vấn và phê duyệt.
Các tiêu chuẩn của The Lotus RIR sẽ được địa phương hóa và tối ưu hóa nhằm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. The Lotus RIR sẽ có 5 hạng: Kim cương – Diamond, Bạch Kim - Platinum, Vàng – Gold, Silver – Bạc, Hồng ngọc – Ruby.
Đã có khoảng 100 nhà hàng tại Việt Nam tham gia vào giai đoạn đánh giá đầu tiên của The Lotus RIR. Hiện các chuyên gia của The Lotus RIR đã hoàn tất việc đánh giá 20 nhà hàng thông qua hệ thống mobile và đang từng bước tiến hành báo cáo chuyên sâu. Trong suốt quá trình đánh giá, chính các chuyên gia của The Lotus RIR cũng đã học hỏi nhiều thứ, để điều chỉnh bộ tiêu chí trở nên ngành càng tốt và hoàn thiện hơn.
Kết quả của chương trình đánh giá 100 nhà hàng Việt trong giai đoạn đầu, sẽ được The Lotus RIR công bố vào ngày 5/3/2020, tại Asia Food and Beverage Summit.
Asia Food and Beverage Summit 2020 cũng là một nỗ lực khác của các tổ chức như RAV và VCCA trong việc phát triển ngành F&B Việt Nam. Ngoài lễ công bố xếp hạng như đã nói ở trên, sự kiện này còn có các hoạt động khác như Hội thảo – tọa đàm với sự tham gia của khoảng 20 chuyên gia đến từ Úc – Thụy Sỹ - Đài Loan, triển lãm quốc tế với 30 nhà cung cấp đến từ khắp châu Á, Kết nối kinh doanh, VIP Dinner, những màn trình diễn của các đầu bếp nổi tiếng.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ