(TBKTSG Online) - Cho dù thu ngân sách từ dầu thô vượt 21,1% dự toán nhưng kế hoạch lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp dầu khí tiếp tục lao dốc, do giá dầu thô thực tế giảm sâu. Những yếu tố này đang góp phần tạo thành bức tranh không mấy sáng sủa của ngành trong năm 2019.
Dàn khoan trên mỏ Rạng Đông. Ảnh:pvn.vn |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 của toàn tập đoàn. Nhưng nhìn trong bức tranh chung của các công ty con, tình hình kinh doanh chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Như công bố sớm nhất của Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), kế hoạch năm 2020 và chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra giảm mạnh. Doanh thu mục tiêu đặt ra khoảng 7.956 tỉ đồng, cao hơn 1.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2019. Song lợi nhuận sau thuế chỉ đặt mức 51,91 tỉ đồng. Nếu đem so mức lợi nhuận kế hoạch này so với cùng kỳ năm 2019 mà Đạm Cà Mau đặt ra thì mức lợi nhuận mới sụt giảm khoảng 78% so với năm qua.
Lý do doanh nghiệp xây dựng mức lợi nhuận tụt dốc là do cơ chế giá khí đã thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Mức lợi nhuận hiện thời được xây dựng trên công thức giá khí là 46% FO cộng thuế với giá khí 60 đô la Mỹ/thùng.
Trước đây ở giai đoạn 2015-2018, Đạm Cà Mau được áp dụng cơ chế giá khí bao tiêu với đầu vào thấp hơn nên lợi nhuận hàng năm trong khoảng 600-700 tỉ/năm. Nay, nhà nước sẽ điều tiết lại giá bán khí cho các nhà máy đạm theo lộ trình báo trước nên việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doamh là tất yếu.
Ở một diễn biến khác, giá dầu giảm mạnh với bình quân mức giá năm 2019 ở mức 58,62 đô la Mỹ/thùng, so với kế hoạch là 65 đô la/thùng đã khiến cho các nhà máy khai thác, chế biến bị ảnh hưởng. Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chưa công bố kế hoạch cho năm 2020 nhưng hết quí 3-2019, lợi nhuận sau thuế đã giảm sâu, sụt khoảng 50% so với năm trước đó, chỉ còn 589 tỉ đồng. Giá dầu giảm dẫn đến giá thành phẩm cũng giảm. Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, nhà máy luôn phải có lượng dầu thô duy trì và cần thời gian chế biến từ dầu thô ra sản phẩm. Do giá vốn tồn kho cao và giá thành phẩm lại giảm nên mức lợi nhuận càng ngày càng thu hẹp.
Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cũng hoàn thành kế hoạch khai thác trước 12 ngày so với kế hoạch đặt ra nhưng chưa công bố doanh thu và lợi nhuận. Trong bối cảnh giá dầu thô diễn biến khó lường theo chiều hướng đi xuống, những khó khăn, bất cập của PVEP cũng chưa được tháo gỡ. Cơ chế tài chính chưa phù hợp với đặc thù hoạt động lĩnh vực thăm dò khai thác PVEP hiện vẫn thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt.
Ngoài ra, việc chưa có quy định về quản lý đầu tư các dự án dầu khí trong nước, các quy định pháp luật chồng chéo khiến PEVP chưa thể tạo ra những bước thay đổi thật sự sau nhiều cú sốc đầu tư thua lỗ ở nước ngoài.
Tập đoàn PVN hiện chịu sự quản lý của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 128 ngàn tỉ đồng và 20 ngàn tỉ đồng. Chỉ tiêu cũ này dựa trên dự đoán giá dầu thô là 65 đô la/thùng và không bao gồm doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động bao tiêu, phân phối sản phẩm của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Lan Nhi