(TBKTSG Online) - Huy động thêm tiền từ giới đầu tư, cắt giảm chi phí tiếp thị, giảm lương ban lãnh đạo, bồi thường cho các chủ nhà bị hủy phòng... là những biện pháp mà nền tảng chia sẻ phòng trực tuyến Airbnb (Mỹ) đang quyết liệt triển khai, để củng cố tình hình tài chính và vực dậy niềm tin của giới chủ nhà trọ giữa cơn khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.
Huy động thêm vốn để củng cố tình hình tài chính
Bước vào năm 2020, mọi thứ dường như thuận lợi cho Airbnb khi thị trường chứng khoán Mỹ xác lập mức điểm kỷ lục mới, tạo thuận lợi cho kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Airbnb.
Song cơn bùng phát dịch Covid-19 đã dập tắt viễn cảnh tươi đẹp này. Khi mà ngành du lịch và lữ hành toàn cầu gần như bất động, Airbnb đối mặt mức thua lỗ 1 tỉ đô la trong nửa đầu năm nay.
Tại cuộc hội nghị trực tuyến với nhân viên vào cuối tháng 3, khi có người hỏi liệu công ty có sa thải nhân viên hay không, Brian Chesky, Giám đốc điều hành Airbnb, đã trả lời rằng: “Mọi thứ đang được thảo luận”.
Hôm 6-4, Airbnb thông báo đang huy động 1 tỉ đô la từ một trong hai công ty đầu tư cổ phần tư nhân Silver Lake và Sixth Street Partners để củng cố tình hình tài chính. Các nguồn tin nắm rõ thương vụ này cho biết Airbnb chấp nhận khoản vay này với mức lãi suất hơn 10% trong thời hạn năm năm.
Nếu Airbnb tiến hành IPO, các nhà đầu tư này có quyền chọn được trả nợ bằng cổ phiếu hoăc tiền mặt. Họ cũng được bảo đảm quyền chọn nhận cổ phiếu dựa trên mức định giá chỉ 18 tỉ đô la, thấp hơn rất nhiều so với mức định giá 31 tỉ đô la của nền tảng chia sẻ phòng này hồi đầu tháng 3.
Một số nhà đầu tư không rót tiền sau khi Airbnb tuyên bố sẽ không thay thế chiếc ghế giám đốc điều hành của Chesky như yêu cầu của họ. Airbnb cũng không đề cập đến kế hoạch IPO nhưng một số nhà đầu tư không tin nó sẽ diễn ra trong năm nay.
Giờ đây, Airbnb đang cân nhắc kế hoạch huy động thêm 1 tỉ đô la nữa. Airbnb đáng ra đã có thể tiến hành IPO vào năm 2018 với mức định giá từ 50-70 tỉ đô la. Nhưng Chesky và hai người đồng sáng lập Airbnb khác, Joe Gebbia và Nate Blecharczyk, đã gạt bỏ kế hoạch này vì tin rằng Airbnb có thể hoạt động tốt hơn nhờ tránh được sự quản lý gắt gao trong trường hợp trở thành công ty đại chúng.
Hồi đầu tháng 3, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan mạnh ở Mỹ và khắp châu Âu, Chesky nói với các nhân viên rằng công ty vẫn lên kế hoạch IPO trong năm nay.
Cách đây vài tuần, giá cổ phiếu của Airbnb trên thị trường thứ cấp tư nhân là 150 đô la nhưng nay đã giảm về dưới mức 90 đô la, khiến mức định giá của Airbnb chỉ còn chưa đến 30 tỉ đô la.
Paul Maguire, đối tác quản lý của Công ty Iron Edge VC, chuyên giao dịch cổ phiếu trên thị trường thứ cấp tư nhân, ví von: “Airbnb giống như một chiếc máy bay đang mất độ cao. Những nhà đầu tư sớm ở Airbnb đang tìm xem thứ hành lý nào có thể quẳng bớt để giảm tải trọng cho máy bay”.
Bồi thường 25% tiền đặt phòng cho các chủ nhà
Giữa tình hình khủng hoảng do dịch Covid-19, sự mập mờ về chính sách hủy, đặt phòng tại hơn 7 triệu cơ sở lưu trú trên thế giới niêm yết cho thuê trên Airbnb đã gây ra những xung đột giữa khách lưu trú và chủ nhà trọ.
Alexia Hernandez, ở TP. College Station, bang Texas, muốn hủy đơn đặt phòng trên Airbnb cho bốn ngày nghỉ ở Malaga, Tây Ban Nha vào tháng 5 tới.
Tuy nhiên, cô gặp phiền phức khi hủy đơn đặt phòng và yêu cầu hoàn tiền do dịch Covid-19 đang nghiêm trọng ở Tây Ban Nha. Chủ nhà trọ tại Malaga chỉ chấp nhận hoàn 50% số tiền đặt phòng vì cho rằng đến tháng 5, tình hình du lịch ở Tây Ban Nha có thể đã an toàn.
Cô đã tìm cách hủy đơn đặt phòng thông qua một cổng trực tuyến do Airbnb thiết lập nhưng chủ nhà vẫn từ chối yêu cầu của cô. Rốt cục, Airbnb đồng ý hoàn đầy đủ tiền sau khi cô đăng những lời phàn nàn trên Twitter.
Do nhiều khách lưu trú than phiền về việc không được hoàn tiền đầy đủ cho các đơn đặt phòng từ những nơi cho thuê lưu trú của Airbnb ở các thành phố đang bị phong tỏa, Chesky buộc đưa chính sách mới là hoàn tiền đầy đủ cho bất cứ đơn đặt phòng nào được thực hiện trước ngày 14-3 với thời gian nhận phòng từ ngày 14-3 đến ngày 31-5.
Động thái nói trên là một sự thay đổi quyết liệt trong chính sách của Airbnb bấy lâu nay: cho phép chủ nhà tự thiết lập chính sách hủy phòng và duy trì nó trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Song quyết định đó khiến các chủ nhà trọ nổi giận vì thu nhập bị mất mát. Hôm 30-3, Airbnb cho biết sẽ chi 250 triệu đô la để bồi thường cho các chủ nhà bị hủy đơn đặt phòng, đồng thời thành lập quỹ trị giá 10 triệu đô la để giúp họ trả những khoản vay thế chấp bất động sản. Airbnb sẽ bồi hoàn cho các chủ nhà trọ 25% số tiền mà họ đáng lẽ ra sẽ nhận được từ đơn đặt phòng bị hủy trong giai đoạn 14-3 đến 31-5.
Ông Chesky gửi lời xin lỗi đến các chủ nhà trọ vì nhận thấy công ty ngày càng xa cách với họ. Ông nói: “Chúng tôi đang lắng nghe các bức xúc của các bạn. Chúng tôi không là gì cả nếu thiếu các chủ nhà trọ. Các bạn là huyết mạch của chúng tôi”.
Airbnb cũng vận động thành công Quốc hội Mỹ đưa Airbnb vào danh sách những công ty được hỗ trợ từ gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỉ đô la vừa được Tổng thống Mỹ ký thông qua hồi cuối thang 3. Gói cứu trợ này cho phép các chủ nhà trọ Airbnb nhận trợ cấp thất nghiệp và vay tiền từ chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Sức ép cắt giảm chi phí
Tháng trước, Airbnb tiết lộ công ty đang nắm giữ số tiền mặt 4 tỉ đô la. Nhưng hội đồng quản trị và các nhà đầu tư của Airbnb đang ngày càng lo ngại không biết điều gì sẽ xảy ra nếu đại dịch Covid-19 kéo dài thêm nhiều tháng nữa, khiến doanh thu không phục hồi sớm trong nửa cuối năm nay.
Airbnb đã trở thành nền tảng chia sẻ nhà ở lớn nhất ở Mỹ và là một đấu thủ lớn trong dịch vụ này trên toàn cầu.
Đà tăng trưởng càng nhanh, Airb càng chi tiêu nhiều. Tổng chi tiêu của Airbnb tăng lên 5,6 tỉ đô la vào năm ngoái 2019 so với mức 2,6 tỉ đô la trong năm 2017, vượt xa mức tăng doanh thu 85% trong cùng thời kỳ, từ 2,6 tỉ đô la lên 4,8 tỉ đô la.
Từ hồi đầu năm nay, một số thành viên hội đồng quản trị của Airbnb đã gây sức ép để Chesky cắt giảm chi phí khi lượng đơn đặt phòng lao dốc.
Tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong tuần lễ từ ngày 1 đến 7-3, Airbnb chỉ nhận được hơn 1.600 đơn đặt phòng, giảm 96% so với tuần lễ từ ngày 5 đến 11-1, theo dữ liệu của Công ty phân tích thị trường lưu trú ngắn hạn AirDNA. Tại Mỹ, lượng đơn đặt phòng từ Airbnb vào tuần cuối tháng 3 cũng giảm 80% so với tuần đầu của tháng.
Hai thành viên hội đồng quản trị của Airbnb, Kenneth Chenault, cựu Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính American và Ann Mather, một cựu lãnh đạo ở Tập đoàn truyền thông giải trí Walt Disney, đang quyết liệt hối thúc Chesky cắt giảm chi phí.
Họ yêu cầu giảm chi phí ở dự án Airbnb Experiences, một dịch vụ cho phép khách của Airbnb đặt tour, tham gia các khóa học, thực hiện các chuyến khám phá... ở địa phương nơi họ lưu trú.
Dự án Airbnb Experiences hoạt động vào năm 2016 và được lên kế hoạch có lợi nhuận vào năm 2019. Nhưng tính đến nay, dự án đã lỗ tổng cộng gần 1 tỉ đô la. Tuy nhiên, Airbnb tuyên bố vẫn duy trì mảng kinh doanh này.
Hồi cuối tháng 3, Chesky cũng cho biết sẽ cắt giảm chi phí tiếp thị để tiết kiệm 800 triệu đô la đồng thời sẽ giảm 50% lương của các lãnh đạo cao cấp. Chesky nằm trong số các lãnh đạo của Airbnb đồng ý không nhận lương trong sáu tháng tới.
Theo Wall Street Journal
Chánh Tài