(TBKTSG Online) - Sau hai tháng gồng gánh chi phí để duy trì hoạt động, đến nay các hệ thống chuỗi nhà hàng kinh doanh ẩm thưc (F&B) đã chạm đến giới hạn của sự chịu đựng. Họ đã gửi thư kiến nghị lên Chính phủ và trong thư cho biết nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bên liên quan thì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị phá sản.
Doanh thu đóng băng, mặt bằng không giảm
Mới đây, một số chuỗi lớn tại Việt Nam như Golden Gate, The Coffee House, Aka House, Dairy Queen, Otoke Chicken, Guardian, Coffee Club, nhà hàng Hoàng Yến, 30Shine, Thế Giới Di Động, Kids Plaza… đã đứng ra làm một bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính Phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính.
Trong đó, văn bản nêu 3 kiến nghị về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ - dịch vụ trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng; hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tài chính; chấp thuận hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và mua hàng mang đi trong thời gian cách ly.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ, các chuỗi hầu như không có khách hàng từ tháng 2 và phải đóng cửa từ ngày 26-3. Điều này gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là tại Hà Nội, TPHCM, khi các cửa hàng hầu như không có doanh số, song vẫn phải gánh chịu các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi nhân viên.
“Các chuỗi đã chủ động và tích cực đàm phán với các đối tác cho thuê mặt bằng về các biện pháp hỗ trợ như điều chỉnh giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ thanh toán…Tuy vậy, phần lớn đối tác không xác định đại dịch Covid-19 là một sự bất khả kháng và yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuê, phí dịch vụ đầy đủ cho thời gian tạm dừng kinh doanh do dịch Covid-19”, văn bản nêu rõ.
Các doanh nghiệp cũng linh hoạt cầm cự bằng việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến nhưng hình thức này, chưa thể bù đắp được doanh thu sụt giảm của kênh truyền thống. Thêm vào đó, một số cơ quan quản lý địa phương không xác định việc kinh doanh trực tuyến này là hoạt động được phép thực hiện trong khoảng thời gian cách ly dù doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ quy định về phòng và chống dịch bệnh.
“Dịch Covid-19 còn khiến các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ đột ngột mất thanh khoản dòng tiền, rơi vào tình thế không thể thanh toán tiền mặt như điều kiện kinh doanh bình thường. Nếu không có phương án cho dòng tiền, các doanh nghiệp bán lẻ và địch vụ đứng trước nguy cơ phá sản rất cao. Hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm”, văn bản ghi rõ.
Theo đó, các doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ cần xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về tài chính như giảm 50% giá các dịch vụ tiện ích như điện, nước cho các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ đến hết năm. Đồng thời, miễn 50% thuế giá trị gia tăng thu được và hoãn nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp (50%) đến cuối năm; hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phát sinh; hoãn nộp các loại bảo hiểm bắt buộc phát sinh trong năm 2020 đến cuối năm.
Không ngại bắt tay đối thủ để chống dịch
Trước khi gửi kiến nghị vài ngày, Liên minh F&B Việt Nam thời Covid-19 vừa mới ra mắt với sự tham gia của gần 2.000 thành viên, trong đó có nhiều chuỗi nhà hàng lớn và quán ăn nhỏ lẻ. Đây là sự “hiệp lực” đầu tiên giữa các đối thủ để cùng nhau tìm cách đối phó với dịch Covid-19. Bởi phần lớn các doanh nghiệp này điều phải đóng cửa các chuỗi nhà hàng, mọi khó khăn đều tương đồng nên phải bắt tay nhau tìm ra hướng đi tốt nhất.
Bà Nguyễn Hà Linh - Đồng sáng lập hệ thống 5 nhà hàng Bếp Thái Koh Yam gọi đây là giai đoạn tăng trưởng âm của ngành F&B, khi doanh nghiệp hụt thu từ hàng tỉ đến chục tỉ đồng nhưng vẫn phải chi trả hàng loạt chi phí khác. Do đó, dù e ngại tiết lộ thông tin bí mật của doanh nghiệp, bà Linh vẫn tin rằng cộng đồng F&B cần chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua Covid-19.
Bếp Thái Koh Yam đã chính thức đóng cửa toàn bộ năm nhà hàng từ ngày 11-3, ngay sau đó dừng dịch vụ giao đồ ăn từ ngày 15-3. "Đến nay, chúng tôi đã đóng cửa được một tháng, ước tính thiệt hại xấp xỉ 3 tỉ đồng doanh thu, cùng khoản chi phí vẫn phải chi trả cho tiền nhà, bảo vệ, giữ gìn vệ sinh định kỳ, và gần 200 nhân viên đang phải nghỉ không lương”, bà Nguyễn Hà Linh chia sẻ.
Trong thời gian hạn chế kinh doanh này, các chuỗi nhà hàng ngồi lại với nhau để chia sẻ những giải pháp kinh doanh ngắn hạn để tồn tại qua mùa dịch. Thông qua liên minh này cũng có nhiều ý tưởng hay để các doanh nghiệp áp dụng triển khai tức thời. Ví dụ như các chuỗi The Coffee House, Vua Cua… có thêm ý tưởng đưa ra các gói sản phẩm mới trong thời gian vừa qua.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Khối vận hành của Tập đoàn Golden Gate, cho rằng ý tưởng xây dựng một liên minh F&B từ khá lâu, nhưng đến nay các doanh nghiệp mới bắt tay vào thực hiện. Các chủ doanh nghiệp, nhân sự trong ngành đều hiểu và ủng hộ và ý thức được rằng cần phải chủ động chung tay cứu lấy ngành, cứu lấy mình trước đại dịch.
Thực tế, trong một cộng đồng gồm nhiều đơn vị cùng cạnh tranh trong thị trường khốc liệt như F&B, nên cũng có một số đơn vị e ngại vì nhiều thông tin là bí mật của doanh nghiệp, không thể chia sẻ công khai. Tuy nhiên liên minh này sẽ mang lại giá trị tích cực khi hỗ trợ thông tin về các dịch vụ liên quan, văn bản hướng dẫn, hay kinh nghiệm làm sao để bảo vệ sức khỏe cho khách hàng và nhân viên để họ tồn tại qua giai đoạn này.
Bà Nguyễn Hà Linh cho rằng, khi Covid-19 qua đi, nếu các doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ này thì ngành F&B sẽ tăng trưởng trở lại sau ba tháng. Bởi lẽ đây là một ngành thiết yếu, phục vụ nhu cầu cơ bản của xã hội.
V.Dũng