Nghĩ đến bán hàng, nhất là bán hàng thời trang, người ta vẫn nghĩ phải cần một cửa hàng. Tuy nhiên một startup với cái tên Coolmate lại làm ngược lại, thay vì có offline store lại bắt đầu với online 100%, nhờ đó mà vẫn tăng trưởng trong mùa dịch.
Tiếp cận với khách hàng thông qua Internet như điều tất yếu
Thực tế là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam từ đầu năm, riêng tháng 4 là tháng bị tác động nặng nề nhất, do việc bùng phát dịch trở lại cũng như chính sách mạnh tay của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Nghị định 15 và 16 như một bước đi kịp thời để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhưng lại đẩy một loạt doanh nghiệp vào tình huống dở khóc dở cười.
Việc đóng cửa các cửa hàng buộc nhiều doanh nghiệp đổi hướng sang Internet, nhờ Internet để tiếp cận với khách hàng. Trong khi các doanh nghiệp còn loay hoay "dọn hàng từ kệ lên Internet", thì Coolmate đã có lợi thế trước đó nhờ ứng dụng công nghệ ngay từ đầu, do đó có đà tăng tốc trong mùa dịch. Từ đầu mùa dịch, mỗi tháng doanh số của Coolmate vẫn giữ tốc độ tăng trưởng từ 15-20% mỗi tháng và tăng trưởng gần 400% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty bán đồ thời trang, nhưng không có cửa hàng vật lý.
Khởi nghiệp với mục tiêu xây dựng mô hình mua sắm hoàn toàn mới cho người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng nam giới, với cách tiếp cận đi ngược với kiểu kinh doanh thời trang truyền thống, áp dụng công nghệ vào thời trang để nam giới Việt có thể mua sắm tiện lợi hơn, chất lượng hơn và tiết kiệm hơn. Coolmate áp dụng Internet và hoạt động theo mô hình phân phối trực tiếp đến người dùng thông qua nền tảng trực tuyến (Direct to Customer), mô hình này cắt bỏ toàn bộ chi phí hoa hồng trả cho các khâu trung gian, không chi phí mặt bằng, không chi phí trang trí cửa hàng… tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng.
Tập trung vào trải nghiệm, tạo sự tin tưởng khi mua hàng online
Thực tế rào cản lớn nhất của khách hàng khi mua hàng online là sự thiếu tin tưởng liệu chỗ này có giao hàng cho mình không, giao đến rồi thì hàng có đúng như quảng cáo không, với quần áo lỡ bận không vừa thì sao có được đổi trả không.
Nắm bắt được tâm lý khách hàng, Coolmate chủ động mang đến dịch vụ giao hàng 4H tại Hà Nội và Hồ Chí Minh và chính sách đổi trả 45 ngày dù bất kỳ lý do gì, đảm bảo sự yên tâm tuyệt đối với khách hàng khi mua hàng qua website.
Để có được sự mua sắm tiện lợi chỉ với một lần mua, website của Coolmate được thiết kế tối ưu cho người sử dụng, trung bình chỉ mất từ 2-3 phút để hoàn thành 1 Box đồ theo ý thích của bản thân, thay vì mất 2-3 tiếng đồng hồ chạy xe đi lựa từng món.
Các sản phẩm của Coolmate từ khâu dệt vải, nhuộm vải, cắt may, hoàn thiện đều được thực hiện trong những nhà máy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mang đến những sản phẩm được gắn nhãn "Tự hào sản xuất tại Việt Nam" - chính vì việc sản xuất hàng trong nước, từ các xưởng Việt Nam nên khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh, Coolmate vẫn đảm bảo được số lượng và chất lượng cho sản phẩm của mình. Hơn nữa, còn có động lực để ra mắt nhiều sản phẩm mới tốt hơn, mới mẻ hơn, điển hình như quần lót nam vải Bamboo mà hãng vừa ra mắt tháng 4 này.
Đi cùng khách hàng, thay vì cố bán hàng
Mùa dịch, tâm lý khách hàng có phần rụt rè, tiết kiệm chi tiêu và chỉ mua những món đồ thực sự cần thiết. Do đó, thay vì cố bán hàng như ngày bình thường, Coolmate nhanh chóng đặt hàng và triển khai những chương trình "đi cùng khách hàng" như tặng miễn phí khẩu trang và nước rửa tay cho khách hàng cũ, tuỳ biến sản phẩm hiện tại thành sản phẩm mới với những câu khẩu hiệu như một sự đồng lòng lan toả thông điệp mà mọi người quan tâm, hoặc tặng kèm những gói giải trí trên Netflix để giải toả khách hàng khỏi việc "Burnout" khi làm việc tại nhà quá lâu.
"Hai tháng 3 và 4 công ty có sự tăng trưởng so với tháng 1/2020, gần 20% một tháng thay vì xu hướng giảm như các doanh nghiệp khác. Các yếu tố khách quan như: mọi người dành thời gian ở nhà và online nhiều hơn, cũng như hứng thú hơn với việc sử dụng các dịch vụ trên Internet, cùng với uy tín thương hiệu cùng những chương trình đi cùng khách hàng đã giúp Coolmate đón được lượng traffic lớn hơn thông thường" - Nhu Phạm, CEO của Coolmate chia sẻ.
Đương đầu, và sống chung với dịch bệnh.
Dịch bệnh không chỉ mang lại áp lực về chi phí, nhân sự, doanh thu… mà cả cơ hội cho doanh nghiệp non trẻ với mô hình bắt kịp xu hướng như Coolmate có được niềm tin và sự ủng hộ của khách hàng. "Quan trọng là chúng tôi phải tập trung cải tiến sản phẩm, tối ưu vận hành để tiết kiệm chi phí, nhằm duy trì trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Có thể thấy sau mỗi đại dịch hành vi tiêu dùng của khách hàng sẽ thay đổi. Điều đó có thể mang nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp để cung cấp các dịch vụ có ý nghĩa ra thị trường." - Nhu Phạm chia sẻ.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế