(TBKTSG) - Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn lực hỗ trợ là có giới hạn nên việc đưa ra các quyết định hỗ trợ đúng và kịp thời cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Cách làm của một số quốc gia trong quá khứ có thể là gợi ý tốt cho Việt Nam.
Bài học từ Sri Lanka, Mexico và Brazil
De Mel và cộng sự đã nghiên cứu (2011) về chính sách hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong thảm họa sóng thần tại Sri Lanka tháng 12-2004(1), sử dụng dữ liệu của 608 doanh nghiệp nhỏ, bao gồm ba nhóm: bị ảnh hưởng trực tiếp (thiệt hại tài sản); bị ảnh hưởng gián tiếp (không bị thiệt hại tài sản nhưng bị tác động giảm cầu); không bị ảnh hưởng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có ba bài học như sau:
- Sau ba năm, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp không thể phục hồi quy mô vốn so với trước kia.
- Tiếp cận vốn có tác động thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục. Nhìn chung các công ty nhận được hỗ trợ tài chính phục hồi lợi nhuận nhanh hơn khoảng hai năm so với các công ty khác. Các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp nhận được các khoản hỗ trợ phục hồi ngay trong năm đầu tiên, trong đó các công ty nhận được khoản hỗ trợ tài chính đã phục hồi lợi nhuận so với trước khi bị ảnh hưởng bởi sóng thần và gần bằng mức lợi nhuận của các công ty không bị thiệt hại và không nhận được hỗ trợ tài chính.
Tỷ lệ sinh lời trên vốn của các doanh nghiệp này rất cao - 11,8% mỗi tháng - và nhiều gấp bốn lần khoản hỗ trợ tài chính ban đầu trong khoảng thời gian dưới hai năm.
- Hỗ trợ về vốn là không đủ khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Các khoản hỗ trợ về tài chính có tác động lớn hơn đối với ngành bán lẻ so với các ngành chế biến - chế tạo và dịch vụ. Ngành bán lẻ đã có sự hồi phục nhanh chóng về quy mô vốn lẫn lợi nhuận. Trong khi đó đối với ngành chế biến - chế tạo và dịch vụ chỉ là sự phục hồi về quy mô vốn nhưng không tăng lợi nhuận.
Các lý do được giải thích như sau: (1) sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng - các công ty là nhà cung cấp cho một nhà sản xuất lớn hơn đang bị gián đoạn thì phải chờ đợi công ty này phục hồi; (2) sự gián đoạn trong các quan hệ giao dịch - các công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho một khách hàng chính sẽ mất khách hàng này, do khách hàng có các lựa chọn thay thế trong giai đoạn chờ phục hồi; (3) phục hồi ngành du lịch cần có thời gian - các công ty dịch vụ bán hàng cho khách du lịch, cầu hàng hóa này cần nhiều thời gian để phục hồi hơn so với ngành bán lẻ cho khách hàng nội địa; (4) sự phục hồi của ngành bán lẻ có thể hưởng lợi từ việc hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình: cầu nội địa phục hồi khi các khoản hỗ trợ tiền mặt đến các hộ gia đình.
Nghiên cứu của Bruhn (2020) về chính sách hỗ trợ tiền lương tại Mexico trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008(2), trong đó các công ty trong các ngành sản xuất nhận trợ cấp lương từ tháng 1-2009 đến tháng 8-2009 với điều kiện: không sa thải công nhân mà thay vào đó là giảm giờ làm. Tiền hỗ trợ bắt đầu được chi trả từ tháng 6-2009.
Kết quả cho thấy, số lượng việc làm trong các ngành nhận hỗ trợ bắt đầu phục hồi khi tiền trợ cấp được chi trả. Hiệu quả đạt được chủ yếu đến từ việc cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp thay vì hạn chế sa thải nhân công.
Chương trình hỗ trợ tín dụng thông qua các ngân hàng tại Brazil, tập trung vào các khoản cho vay đầu tư nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp hạn chế tài chính. Ngân hàng Phát triển Brazil (BNDES) tài trợ cho các ngân hàng thương mại để lựa chọn khách hàng nhận các khoản vay được hỗ trợ lãi suất. Vì bản thân các ngân hàng sẽ gánh chịu rủi ro với các khoản cho vay nên các ngân hàng có khuynh hướng lựa chọn các khách hàng có rủi ro thấp để cho vay. Chương trình này được mở rộng trong năm 2010 nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, nguồn tín dụng trực tiếp này không thể tiếp cận đến các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhất cũng như các doanh nghiệp có khó khăn tài chính nhất. Kết quả của chương trình này cho thấy, phần lớn các khoản cho vay đều chuyển cho các doanh nghiệp có quy mô lớn và ít gặp các khó khăn về tài chính (Haas và cộng sự, 2019(3); Bonomo và cộng sự, 2014(4)).
Việt Nam nên làm như thế nào?
Cho đến nay, các hỗ trợ đã được đưa ra là gói tín dụng 300.000 tỉ đồng đang được các ngân hàng thương mại triển khai và gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19 trị giá 61.580 tỉ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua. Ngoài ra, còn có các gói hỗ trợ khác đang được soạn thảo hoặc ở giai đoạn dự thảo.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 10-4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết trong năm 2020 dự kiến sẽ tăng tín dụng cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỉ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng. Vì vậy, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lưu ý các điểm chính như sau:
Hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các ngân hàng thương mại
Kênh hỗ trợ cho các doanh nghiệp cần thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại là đơn vị có nguồn lực và thông tin để đảm bảo các khoản hỗ trợ được sử dụng hiệu quả nhất, hạn chế các khoản nợ xấu phát sinh ở mức thấp nhất khi cho vay.
Tuy nhiên, việc lựa chọn kênh hỗ trợ qua hệ thống ngân hàng có nhược điểm là các khoản hỗ trợ có thể không đến được các doanh nghiệp nhỏ nhất như kinh nghiệm của Brazil. Đây cũng là điểm mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý.
Cuối cùng, các gói tín dụng và hỗ trợ dù từ ngân sách nhà nước hay từ các ngân hàng thương mại phải được thiết kế để tránh dẫn đến vấn đề nợ quá mức và có tính đến khả năng tái cấu trúc nợ trong tương lai.
Phân loại doanh nghiệp và ngành để hỗ trợ
Vì nguồn lực hỗ trợ là giới hạn nên cần phân loại doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục để hỗ trợ. Chẳng hạn, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng có khả năng tiếp tục sản xuất cần được ưu tiên hỗ trợ nhanh chóng theo các hình thức đã đề xuất như: hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, lãi vay, hoãn chi trả thuế. Với các doanh nghiệp này, có thể cung cấp thêm tín dụng thông qua các ngân hàng thương mại. Quan trọng hơn, cần tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau dịch.
Là một quốc gia có mối liên kết ngược cao, do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cho hàng xuất khẩu, việc gián đoạn chuỗi cung ứng cùng với việc suy giảm cầu của thế giới sẽ khiến cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến - chế tạo xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, ngành du lịch, dịch vụ cư trú có thể sẽ là những ngành có tốc độ phục hồi chậm vì phụ thuộc nhiều vào cầu hàng hóa và dịch vụ của thế giới hay phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới. Ngành bán lẻ hoặc các ngành phục vụ cầu nội địa có thể là các ngành có tốc độ phục hồi nhanh chóng sau cú sốc (kinh nghiệm của Sri Lanka).
Do đó, việc lựa chọn các doanh nghiệp trong từng ngành để hỗ trợ nên có một thứ tự ưu tiên nhất định như tốc độ hồi phục, mức độ ổn định của đầu ra của sản phẩm. Những doanh nghiệp hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp gắn với an sinh xã hội
Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động liên tục có thể gắn với chính sách an sinh xã hội. Chính phủ có thể hỗ trợ chi trả lương trực tiếp cho người lao động đối với các doanh nghiệp cam kết không giảm lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như kinh nghiệm của Mexico.
Xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh
Nghiên cứu của Zhou và Wouter Botzen (2017)(5) cho thấy, các doanh nghiệp có kinh nghiệm ứng phó với thiên tai như bão và lũ lụt tại Việt Nam sẽ có sự hồi phục về lao động và sản lượng đầu ra sau thảm họa tự nhiên nhanh hơn so với các doanh nghiệp không có kinh nghiệm. Điều này có hàm ý rằng, việc xây dựng các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp các thông tin và kiến thức trong việc chuẩn bị các ứng phó với các sự kiện thiên tai, dịch bệnh là cần thiết để giảm thiểu rủi ro.
(1) De Mel, S., McKenzie, D., & Woodruff, C. (2012). Enterprise recovery following natural disasters. The Economic Journal, Volume 122, Issue 559, pp 64-91.
(2) Bruhn, M. (2020). Can Wage Subsidies Boost Employment in the Wake of an Economic Crisis? Evidence from Mexico. The Journal of Development Studies.
(3) Haas, J., Pedraza, A., Ruiz-Ortega, C., Silva, T. (2019). Locking-in Firms : Loan Conditions in the Presence of Government-Driven Credit. Policy Research Working Paper Series 8952.
(4) Bonomo, M., Brito, R.D., Martins, B. (2015). The after crisis government-driven credit expansion in Brazil: A firm level analysis. Journal of International Money and Finance, Vol. 55(C), pages 111-134.
(5) Zhou, F., Wouter Botzen W. J. (2017). The Impact of Natural Disasters on Firm Growth in Vietnam: Interaction with Financial Constraints, SSRN Electronic Journal, 10.2139/ssrn.3095539.
Trần Hùng Sơn (*)
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TPHCM