TheLEADER - Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhận định, không biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc nên giải pháp tốt nhất là cần có biện pháp sống chung với nó.
“Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 6, ước tính sẽ có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp buộc phải phá sản. Chiến lược trong năm 2020, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp sẽ bị kéo lùi. Hệ quả của nó đó là những tổn thất vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế”, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhận định về tác động của đại dịch đến sức khoẻ của các doanh nghiệp.
Lý do khiến ông Quốc Anh bi quan về số lượng doanh nghiệp có thể trụ được qua dịch bệnh là do hiện Việt Nam có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp nhưng 98% trong số đó là quy mô nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp rất hạn chế về vốn, trình độ quản trị, thị trường và bạn hàng. Vì vậy, khi nền kinh tế gặp khó khăn, ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp rất thấp. Phần lớn doanh nghiệp đều đang cạn dần nguồn tiền do hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ từ đầu năm.
Theo đó, toàn bộ các đơn hàng đang thực hiện, những hợp đồng đã ký đã bị hoãn vô thời hạn do các hoạt động kiểm soát biên giới để phòng dịch và sự giảm nguồn cầu trên toàn thị trường. Nhiều ngành nghề như dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, nguồn cầu thậm chí đã giảm đến 80 - 90%.
Ngoài các ngành hàng về lương thực thực phẩm, y tế thì hầu hết tất cả các lĩnh vực khác đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch do tổng cầu giảm. Người dân giảm nhu cầu tiêu dùng do dịch bệnh. Doanh nghiệp không bán được hàng dẫn đến không có nguồn tiền để duy trì hoạt đông trong khi các chi phí về mặt bằng, truyền thông, chi phí trả lương, bảo hiểm cho người lao động, lãi vay ngân hàng vẫn phải trả khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái kiệt quệ về tài chính.
Hơn nữa, Việt Nam hiện đang tham gia rất sâu rộng vào chuỗi giá trị liên kết toàn cầu, chuỗi giá trị liên kết khu vực. Chính vì vậy, tác động của bệnh dịch và sự suy giảm kinh tế thế giới càng ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế trong nước. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặt khác, theo ông Quốc Anh, vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay là phải chuyển đổi số trên nền tảng online để thích ứng với điều kiện hoạt động mùa dịch. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, con người và thời gian rất lớn. Khi tiềm lực của doanh nghiệp còn hạn chế thì việc chuyển đổi số là không hề đơn giản.
Một khó khăn nữa là doanh nghiệp không đánh giá được khi nào hết dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất kinh doanh trở lại. “Khi hết dịch, người dân quay trở lại tiêu dùng, khi đó doanh nggiệp mới có nguồn thu. Còn nếu kéo dài tình trạng bất động như hiện nay, doanh nghiệp sẽ không cầm cự được lâu nữa”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Thực tế theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong quý I/2020 cũng cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Trong quý I, có tới 34.889 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 2% so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở 15/17 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất với 493 doanh nghiệp, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực dịch vụ việc làm; du lịch có 1.037 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với số lượng lớn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động cũng tăng cao. Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Tính từ 1/1 đến 26/3, đã có trên 153 nghìn người mất việc làm và hàng triệu lao động bị ngừng việc. Nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính quý II/2020 sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5 - 2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II/2020 sẽ có 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.
Cần giữ vững trận địa cho doanh nghiệp
Theo ông Quốc Anh, một số doanh nghiệp có thể cầm cự được đến hết tháng 6, tuy nhiên, số lượng không nhiều. Hiện các doanh nghiệp này đang giảm lương, cắt giảm chi phí để cố gắng duy trì hoạt động ở mức cơ bản. Song nếu dịch bệnh kéo dài, chắc chắn họ sẽ buộc phải giải thể.
"Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến tháng 9 hoặc tệ hơn là đến hết năm 2020, số lượng doanh nghiệp mất đi trong nền kinh tế sẽ còn nhiều hơn mức 35% và có thể lên tới 50%. Nếu kịch bản này xảy ra, Việt Nam sẽ phải mất 5 năm nữa để trở lại mốc 1 triệu doanh nghiệp mà lẽ ra trong năm 2020 này, chúng ta đã đạt được theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Quốc Anh nói.
Sự suy yếu của doanh nghiệp sẽ kéo theo những tác động nặng nề đến nền kinh tế khiến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, sự lớn mạnh của doanh nghiệp chính là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế. Chính phủ cần có giải pháp giúp các doanh nghiệp “sống được” qua dịch bệnh. Doanh nghiệp có tồn tại được thì sau dịch, họ mới có động lực để hồi phục và trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch có thể sẽ khiến thâm hụt ngân sách Nhà nước, song đây là biện pháp cần thiết. Bởi nếu các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, cuối cùng Chính phủ vẫn mất nguồn thu, thậm chí nền kinh tế sẽ nhận hậu quả lớn hơn nhiều lần.
Để giúp các doanh nghiệp vượt qua đại dịch, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, hiện Chính phủ đã thực hiện các biện pháp giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay và tiền thuế, tiền thuê đất. Tuy nhiên, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn như hoãn, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15 - 17%; lùi thời gian nộp thuế VAT đối với hàng nhập khẩu từ 120 ngày đến 180 ngày (thay vì hiện nay là nộp ngay); giảm, giãn, hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.
Bên cạnh đó, Chính phủ có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực có chi tiêu công của Nhà nước.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cần cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Hạn chế, giảm tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến các doanh nghiệp trừ các trường hợp vi phạm.
Quan trọng hơn, theo vị lãnh đạo này, hiện các chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp đã được ban hành, song vấn đề là các cơ quan quản lý phải tiến hành rà soát cụ thể xem có bao nhiêu doanh nghiệp được thụ hưởng ưu đãi, doanh nghiệp còn vướng mắc gì để Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn.
Mặt khác, để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, Chính phủ cần khoanh vùng các vùng kinh doanh an toàn. Theo đó, hiện cả nước mới có hơn 20 tỉnh, thành phố có dịch, các tỉnh thành khác vẫn nên để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ những người đi từ vùng dịch về và làm tốt công tác phòng bệnh cho người dân.
"Nếu đợi đến lúc dịch bệnh chấm dứt hoàn toàn mới sản xuất kinh doanh thì kinh tế sẽ đi xuống rất nhiều. Hơn nữa cũng không biết khi nào dịch bệnh sẽ quay trở lại nên giải pháp tốt nhất là cần có biện pháp sống chung với nó", ông Quốc Anh nhận định.
Thu Phương