(TBKTSG Online) - Kể từ khi thành lập vào năm 2013 tới nay, chưa bao giờ VeXeRe lại gặp khó khăn như thời điểm này khi dịch Covid-19 đã kéo tụt doanh thu về con số 0. Nhà sáng lập và CEO của công ty cho rằng, đây gần như thời điểm công ty... khởi nghiệp lại từ đầu.
Doanh thu về 0 đồng, startup đứng giữa thách thức và cơ hội |
Ra đời năm 2013, nền tảng bán vé xe khách trực tuyến VeXeRe do Trần Nguyễn Lê Văn và hai cộng sự đồng sáng lập Lương Ngọc Long và Đào Việt Thắng, đã có được những thành công bước đầu. Theo số liệu công bố cuối năm 2019, startup này duy trì tốc độ tăng trưởng vé bán trên 300% mỗi năm với 3 triệu lượt khách truy cập hàng tháng. VeXeRe đã thực hiện 4 vòng gọi vốn thành công, hiện có khoảng 150 nhân viên với hơn 550 hãng xe hợp tác và phủ rộng hơn 2.600 tuyến đường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, doanh thu của VeXeRe liên tục lao dốc và về con số 0 kể từ khi các tuyến xe khách tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh.
VeXeRe có 3 mảng kinh doanh chính là cung cấp giải pháp đặt vé xe trực tuyến cho hành khách, phần mềm quản lý cho nhà xe và phần mềm hỗ trợ bán vé cho đại lý. “Cả 3 mảng này đều tê liệt do các hãng xe ngừng hoạt động”, ông Văn nói.
Hiện nay, ngoài việc cắt giảm tối đa các chi phí vận hành, công ty vẫn chưa giảm lương và cắt giảm nhân sự, bởi VeXeRe vẫn có nguồn vốn từ các nhà đầu tư, đặc biệt là đợt gọi vốn cuối năm 2019. Theo tính toán của vị CEO này, nếu không có doanh thu, với số vốn đã gọi được, startup này vẫn có thể duy trì hoạt động được trong vòng 3 năm.
Tương tự, Puritrak, nhà cung cấp hệ thống lọc không khí ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) chủ yếu nhắm vào các văn phòng, trường học cũng vơi vào hoản cảnh tê liệt về doanh thu trong thời gian dịch bệnh. Ông Nguyễn Trung Hiếu, nhà sáng lập và CEO Puritrak cho hay, các hoạt động tiếp thị đến nhà trường đều bất động. Mảng khách hàng cá nhân cũng không sáng sủa hơn khi thu nhập người dân giảm sút, họ sẽ lo cho các mặt hàng thiết yếu trước, sau đó mới tới các sản phẩm bổ sung như máy lọc không khí.
“Tất cả các mảng kinh doanh đều đình trệ", ông Hiếu nói. “Cái khó ở thời điểm này là sau dịch, chúng tôi sẽ phải bắt đầu tiếp cận khách hàng từ đầu sau thời gian dài tiếp thị. Đây là khoản chi phí lớn về công sức và tiền bạc".
Puritrak tính toán, nếu tình trạng này kéo dài trong 6 tháng, công ty sẽ khó có khả năng sống sót.
Tuy vậy, vẫn có những startup ăn nên làm ra ở thời điểm dịch Covid-19 lây lan khi xu hướng tiêu dùng thay đổi, chuyển từ offline sang online. CEO Loship, ứng dụng giao đồ ăn của người Việt, Nguyễn Hoàng Trung cho hay: “Chúng tôi nhìn thấy sự tăng mạnh trong mảng giao đồ ăn, đi chợ dùm, giặt đồ và giao thuốc”.
Bên cạnh việc nhiều quán ăn phải đóng cửa do tác động của dịch bệnh, cũng có khá nhiều cửa hàng khác chuyển hướng sang kinh doanh online và chọn cách tích hợp vào nền tảng Loship như MEATdeli, chuỗi Golden Gate với Icook, hoặc KFC, Jollibee, Phúc Long,... Ngoài ra, Loship cũng ghi nhận số lượng tài xế đăng ký mới tăng nhanh rõ rệt. Những người ở nhiều ngành nghề khác có xu hướng chuyển sang làm shipper nhằm khắc phục tình trạng thất nghiệp tạm thời, cũng như đảm bảo dòng thu nhập ổn định.
Về lại vạch xuất phát, cơ hội nào cho startup?
Khác với nhiều startup khi đây là giai đoạn ngủ đông, hoặc cắt giảm tối đa nhân sự, VeXeRe lại đang thực hiện điều ngược lại. Đây là thời điểm mà công ty tăng tuyển dụng, đặc biệt là các vị trí trước kia tìm “đỏ mắt” không ra, hoặc phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường tuyển dụng như IT manager, Product manager….
Hơn nữa, nhiều hãng xe trước kia hoạt động độc lập cũng có doanh thu và lợi nhuận khá tốt, do dịch bệnh, hoạt động của họ trở nên khó khăn hơn. Đây là lúc họ nghĩ tới việc cơ cấu lại hoạt động, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí hoạt động. Do vậy, khách hàng là các hãng xe muốn sử dụng phần mềm quản lý của VeXeRe tăng đột biến, dù chưa tạo doanh thu.
“Trong nguy luôn có cơ", ông Văn nói. “Ngủ đông cũng là một cách, nhưng đây cũng là lúc mình quan sát thị trường. Nhiều khi mình lại thấy được những hướng đi phù hợp hơn”.
Theo ông Hiếu, đại dịch không phải là điều đáng sợ nhất đối với startup mà cái sợ hơn chính là “bị tụt hậu so với xã hội”. Đại dịch này đang khiến toàn xã hội phải ngừng trệ, không chỉ startup mà nhiều doanh nghiệp lớn có thể cũng trở về vạch xuất phát. “Trong rủi ro luôn có cơ hội để startup thay đổi, hoàn thiện mình. Bước đầu là cơ cấu lại hoạt động của công ty, tìm ra những điểm bất hợp lý, từ đó giúp bộ máy hoạt động hiệu quả, giảm chi phí", ông Hiếu nói.
Theo ông Csaba Bundik, nhà sáng lập và CEO của CETA Consulting, đồng sáng lập VietAccelerator, một quỹ đầu tư thiên thần cho các startup Việt, “trong nguy vẫn có cơ”. Các quỹ đầu tư trên thế giới đang đổ tiền vào các startup có giải pháp ứng phó lại với các vấn đề phát sinh do đại dịch Covid 19 gây ra, ví dụ như giải quyết các vấn đề về sức khoẻ, giáo dục trong bối cảnh cánh ly xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Tại Việt Nam, các startup cần vốn để lấn sâu hơn vào lĩnh vực này có thể tham khảo chương trình mới công bố của EXPARA, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore.
Ông Csaba Bundik, người đã có nhiều năm làm mentor (tư vấn) cho startup, đồng thời cũng đã thành công, vượt qua giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đưa ra bốn lời khuyên cho startup tại thời điểm này. Thứ nhất: tất cả các cuộc khủng hoảng đều tạo ra cơ hội mới, có thể không phải startup nào cũng nhìn thấy ngay lập tức. Thứ hai, startup luôn phải năng động. Thị trường luôn vận động và sẽ không còn như trước kia sau đại dịch. Thứ 3: đại dịch sẽ để lại hậu quả nặng nề nhưng hãy nhớ rằng, đối thủ cạnh tranh của mình cũng vậy. Do đó, chiến lược cạnh tranh là hãy trụ lại thị trường lâu hơn đối thủ của mình. Thứ 4: Luôn có những nguồn tài chính, gói hỗ trợ sẵn có trên thị trường. Ví dụ, các gói cứu trợ của chính phủ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, startup vượt qua đại dịch. Đây sẽ là nguồn oxy, tiếp sức cho startup kéo dài sự sống, thậm chí có thể vượt qua khủng hoảng và lớn mạnh.
Vũ Dung