(TBKTSG Online) - Để vượt qua khó khăn mùa dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tập trung nguồn lực, tối ưu hóa công tác quản lý nhân sự, chủ động chuyển đổi số và gia tăng các hoạt động kinh doanh trên mạng để nâng cao giá trị gia tăng, tiết kiệm chi phí tài chính và thời gian. Việc đẩy nhanh tiến trình số hóa hoạt động cũng góp phần đón đầu cơ hội kinh doanh sau khi kết thúc dịch.
Từ đầu mùa dịch tới nay, các cửa hàng điện thoại di động phải thay đổi cách thức bán hàng, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm mới... Ảnh minh hoạ: Di động Việt cung cấp |
Số hóa và tối ưu hóa nguồn lực
Tại hội nghị trực tuyến "Áp dụng nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn trong bối cảnh dịch Covid-19" do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Hiệp hội) tổ chức tuần qua, kết nối 10 điểm cầu gồm thành phố Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội nêu ý kiến, các bộ, ban ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả những giải pháp điều hành tài chính tiền tệ và tín dụng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Song song đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần chủ động ứng dụng nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương để chia sẻ nguồn lực; tích cực chuyển đổi phương thức quản lý, quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh từ xa; nâng cao hiệu suất của người lao động cũng như gia tăng sự minh bạch của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Thân, hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần sự phối hợp để liên kết và tích hợp các giải pháp giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc triển khai thương mại điện tử bằng cách tích hợp ví điện tử, chữ ký số, thanh toán di động (mobile money) và các công cụ thanh toán đầu cuối... để giảm thiểu thanh toán tiền mặt lại vừa minh bạch hoá các hoat động thương mại của doanh nghiệp. Đây cũng là cách để tự động đánh giá giá trị doanh nghiệp theo thời gian thực nhằm giúp doanh nghiệp thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đạt, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ Di động Việt cho biết trong giai đoạn hiện tại công ty đã phải sử dụng nguồn tài chính dự phòng, tối ưu hóa lượng nhân sự hiện có trong hoạt động bán hàng, tiếp thị sản phẩm.
Hiện tại, Di động Việt tập trung cho truyền thông tiếp thị trên nhiều nền tảng khác nhau (website, fanpage…), lập hẳn bộ phận nhân sự chuyên giới thiệu sản phẩm thông qua hoạt động livestream (phát video trực tiếp trên fanpage) nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng. Doanh nghiệp đánh giá đây là biện pháp hữu hiệu để tư vấn sản phẩm trực tiếp đến khách hàng, ngoài ra thu hút số lượng lớn người tương tác fanpage của cửa hàng, từ đó giúp tăng nhanh lượng đơn hàng trực tuyến (online).
Bên cạnh đó, nhà bán lẻ này cũng linh hoạt tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ thông qua hoạt động bán hàng cho các dự án, cung ứng sản phẩm trọn gói.
Một chuyên gia về công nghệ là ông Phí Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn P.A.T cho rằng, nhiều doanh nghiệp nội địa có các sản phẩm, dịch vụ công nghệ đáp ứng được nhu cầu của thị trường thời kỳ dịch bệnh nhưng do chưa được truyền thông rộng rãi nên ít người biết tới. Do đó, các hiệp hội doanh nghiệp cũng như cộng đồng doanh nghiệp có thể chung tay truyền thông về sản phẩm, giải pháp nội địa nhằm tạo đầu ra cho doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tìm kiếm những giải pháp làm việc trên “đám mây” (cloud computing), nên chọn hình thức thuê dịch vụ (như thuê phần mềm kế toán, quản lý nhân sự…) thay cho việc bỏ tiền ra thiết lập hạ tầng cồng kềnh tốn kém chi phí như trước đây. Điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí vận hành so với cách thức trước đây, và khoản tiết kiệm được sẽ dùng để thuê phần mềm dịch vụ, sử dụng công nghệ "đám mây" để bắt kịp xu hướng phát triển trên thế giới", ông Tuấn tư vấn.
Mặt khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nên tìm kiếm những giải pháp công nghệ có thể triển khai nhanh chóng, chủ yếu do các startup cung cấp, để phục vụ nhu cầu làm việc linh hoạt giữa môi trường công sở và môi trường từ xa.
Linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động bán hàng
Ông Hoàng Giang, Giám đốc điều hành Topship - hệ thống so sánh giá vận chuyển hàng hóa, cho biết doanh nghiệp nhỏ càng phải tập trung nhiều hơn cho hoạt động bán hàng, chú ý chăm sóc nhóm khách hàng hiện hữu. Cách thức mà Topship đang đẩy mạnh hiện nay là cắt giảm chi phí vận hành không cần thiết, nguồn lực tập trung vào những kênh phát sinh lợi nhuận, cung cấp thêm các giá trị gia tăng cho khách hàng, tăng cường hợp tác với các cửa hàng bán hàng online.
Một số doanh nghiệp cho rằng thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 lại là cơ hội tốt để họ có thể tiếp nối những công việc chưa kịp triển khai trước đó do thiếu thời gian và nguồn lực. Hiện nay, họ đã có đủ thời gian để tập trung cho hoạt động thiết kế website bán hàng online, tìm kiếm phân khúc thị trường mới, phát triển định hướng kinh doanh nhằm khắc phục sau mùa dịch…
Ông Mai Triều Nguyên, quản lý chuỗi bán lẻ sản phẩm công nghệ Mai Nguyên Mobile cho biết doanh nghiệp tăng cường chào bán, giới thiệu sản phẩm, khuyến mãi trên các kênh truyền thông trực tuyến như mạng xã hội, diễn đàn, trang web...
Còn ông Chu Võ Kim Long, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng điện thoại di động Tablet Plaza, cho biết cửa hàng chọn các sản phẩm thế mạnh, có nhiều tính năng hữu ích để phục vụ cho xu hướng học tập và làm việc từ xa. Tablet Plaza tập trung vào việc giới thiệu nhóm sản phẩm máy tính bảng, bàn phím và chuột không dây, giúp các bậc phụ huynh và học sinh sử dụng máy tính bảng gắn thêm bàn phím không dây cho việc học trực tuyến. Cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà trong vòng 60 phút sau khi khách hàng chốt đơn hàng online trên hệ thống cũng là cách thức để thu hút thâm khách mua hàng.
Ông Nguyễn Dương, Tổng giám đốc Dcorp R-Keeper, cho biết yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện các quy định về phòng chống lây lan dịch bệnh cũng là yếu tố tạo sự thúc đẩy doanh nghiệp triển khai những giải pháp quản trị nhà hàng, giải pháp đặt hàng online, xây dựng đội ngũ giao thức ăn tận nhà…
Khảo sát của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn trong mùa dịch Covid-19 như sau: Doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường chiếm 51,8%; 43,4% doanh nghiệp gặp khó do không có nguồn thu; 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh (phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh để phòng chống dịch); 31,2% doanh nghiệp trả lời hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước; 17,2% doanh nghiệp cho biết hàng hoá không xuất khẩu được. Bên cạnh đó là các khó khăn về thiếu hụt vốn chiếm 36,7%; thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nhập khẩu là 29,1%…
Chí Thịnh