Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỉ USD tại bang Arizona - Mỹ.
Một nhà máy của Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Ảnh: TSMC |
The Wall Street Journal hôm 15-5 cho biết nhà máy kể trên dự kiến mang lại 1.600 việc làm cùng hàng ngàn việc làm khác thông qua chuỗi cung ứng, hướng tới sản xuất sản phẩm cho các công ty Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Trong một thông cáo báo chí, TSMC tuyên bố dự án này có tầm quan trọng và chiến lược đối với lĩnh vực bán dẫn vốn đang sôi động và cạnh tranh của Mỹ. Nó cho phép các công ty hàng đầu của Mỹ chế tạo sản phẩm bán dẫn tiên tiến nội địa thay vì ở Trung Quốc.
Nhà máy sẽ được xây dựng và hoạt động trong khoảng 9 năm, bắt đầu khởi công từ năm 2021 và là nơi sản xuất chip trên tiến trình 5nm. Loại chip nhỏ và nhanh nhất trên thị trường này không chỉ sử dụng trong các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh mà còn trong các hệ thống phòng thủ cấp cao.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận chip của TSMC sẽ cung cấp năng lượng cho mọi thứ - từ trạm 5G đến máy bay chiến đấu F-35. TSMC hiện là đối tác lớn của Apple - công ty Mỹ sở hữu nền tảng chip Bionic dùng trong nhiều sản phẩm của hãng như iPhone, iPad...
Theo The Wall Street Journal, nhà máy đặt mục tiêu sản xuất chip vào năm 2024. Khoản đầu tư 12 tỉ USD sẽ trải dài đến cuối năm 2029. Nhà máy có thể sản xuất tới 20.000 tấm bán dẫn/tháng.
TSMC được biết đến là nhà sản xuất vi mạch dựa trên hợp đồng lớn nhất thế giới. Công ty chuyên sản xuất bộ vi xử lý cho mọi thứ, từ điện thoại di động iPhone (Apple), máy tính xách tay, máy chơi game đến máy chủ và cơ sở hạ tầng internet quan trọng. Hầu hết nhà máy của TMSC đặt tại Đài Loan.
Kế hoạch xây nhà máy của TSMC được thông qua trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc do hai bên bất đồng về thương mại, thuế quan, gián điệp công nghiệp và an ninh quốc gia. Chính vì vậy, đây được đánh giá là chiến thắng lớn dành cho ông chủ Nhà Trắng.
Phạm Nghĩa
Theo NLĐ