Hertz có tổng cộng 568.000 xe ô tô và 12.400 chi nhánh (cả nhượng quyền) trên toàn thế giới.
Hertz Global Holdings Inc, công ty cho thuê xe ô tô lớn thứ hai ở Mỹ, vừa nộp đơn phá sản ở bang Delaware sau khi các lệnh giới hạn di chuyển và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu thuê xe lao dốc không phanh.
Nộp đơn theo Chapter 11, Hertz có thể tiếp tục hoạt động trong khi chuẩn bị kế hoạch trả nợ cho các chủ nợ và tìm cách tái cấu trúc. Hành động này ảnh hưởng đến các chi nhánh ở Mỹ và Canada nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động ở châu Âu, Australia và New Zealand. Hertz cho biết hãng vẫn còn 1 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên từng đó là chưa đủ, hãng cần phải vay mượn thêm. Theo tài liệu phá sản, Hertz có 25,8 tỷ USD tài sản và 24,4 tỷ USD nợ. Các chủ nợ lớn nhất gồm IBM và công ty đi chung xe Lyft.
Từ tháng 3, công ty cho thuê xe lớn thứ hai ở Mỹ đã bắt đầu sa thải nhân viên để bảo tồn lượng tiền mặt trong bối cảnh các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh nói chung, đặc biệt là du lịch nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày 29/4 Hertz cho biết đã không thể thanh toán các hợp đồng cho thuê tài chính đúng hạn. Đầu tháng 5 công ty bổ nhiệm CEO mới, là CEO thứ 5 kể từ 2014 đến nay.
Công ty có trụ sở ở Estero, Florida đã đàm phán với các ngân hàng cũng như tìm kiếm 1 gói giải cứu từ Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên với nhu cầu gần như biến mất, đội xe quá lớn và giá ô tô đã qua sử dụng giảm mạnh, Hertz không thể có đủ thanh khoản để duy trì đến khi thị trường phục hồi.
Tất cả các công ty hoạt động trong ngành du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng gánh nặng của Hertz chủ yếu đến từ chiến lược của hãng. Phần lớn xe ô tô của Hertz là do chính hãng mua đứt hoặc thuê đứt thay vì sử dụng các thỏa thuận mua lại với nhà sản xuất. Đối mặt với nhu cầu sụt giảm, Hertz thường bán bớt xe và điều này càng tồi tệ vì giá ô tô cũ sụt giảm thảm hại.
Năm ngoái công ty vẫn đạt doanh thu kỷ lục 9,8 tỷ USD. Tuy nhiên khoản lỗ ròng là 58 triệu USD, và chỉ 3 tháng đầu năm nay đã lỗ 356 triệu USD.
Hertz có tổng cộng 568.000 xe ô tô và 12.400 chi nhánh (cả nhượng quyền) trên toàn thế giới. 1/3 trong số các địa điểm này là ở sân bay. Nhóm khách hàng quan trọng của hãng là những người đang phải mang chờ sửa xe sau khi gặp tai nạn, nhưng với quá nhiều người thất nghiệp hoặc làm việc tại nhà vì dịch bệnh, nhu cầu sụt giảm rất mạnh.
Hertz, trước đây có tên gọi là Rent-a-Car, được thành lập năm 1918, ở Chicago. Đến cuối tháng 2 hãng có 12.400 chi nhánh trên toàn thế giới. Công ty đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, từ Đại khủng hoảng 1930, sự kiện ngành ô tô Mỹ gần như ngừng hoạt động trong thế chiến thứ 2 đến vô số cú sốc giá dầu.
Đại dịch đã khiến nhiều công ty của Mỹ phá sản, ví dụ như những hãng bán lẻ JCPenney, Neiman Marcus hay các công ty năng lượng như Whiting Petroleum và Diamond Offshore Drilling. Nhưng không có công ty nào chiếm thị phần quá lớn trong mảng kinh doanh của họ như Hertz.
Tú Anh
Theo Tổ Quốc