Gần như cùng lúc với nhau, cả Samsung và TSMC đều thông báo gia tăng đầu tư, mở rộng hoạt động gia công chip, một dấu hiệu cho thấy cuộc cạnh tranh giữa hai người khổng lồ gia công chip đang ngày càng nóng lên.
Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Samsung và TSMC vừa leo lên một nấc thang mới khi các quy định mới nhất của chính phủ Mỹ giáng xuống Huawei đã làm thay đổi hoàn toàn ngành gia công chip bán dẫn.
Thứ Năm tuần trước, Samsung cho biết họ sẽ xây dựng các dây chuyền sản xuất mới ở Pyeongtaek, phía nam Seoul để sản xuất hàng loạt các chip 5nm từ nửa sau của năm nay. Cùng với dây chuyền ở Hwaseong, dây chuyền mới này sẽ là nơi Samsung bắt đầu sản xuất các chip cao cấp trong năm nay.
Hai dây chuyền sản xuất này sẽ sản xuất các chip sử dụng công nghệ tia siêu cực tím EUV, một trong những công nghệ sản xuất chip hiện đại nhất hiện nay. Samsung không cho biết cụ thể số tiền đầu tư cho dây chuyền mới nhưng theo nguồn tin của Nikkei, số tiền đầu tư lên đến khoảng 10.000 tỷ Won (khoảng 8,1 tỷ USD).
Việc giới thiệu dây chuyền mới này được đưa ra chỉ 1 tuần sau thông báo của Bộ Thương mại Mỹ về việc siết chặt các biện pháp quản lý xuất khẩu, buộc các công ty nước ngoài phải xin giấy phép nếu sử dụng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ để sản xuất chip cho Huawei hoặc các công ty con. Quy định mới này được xem như nhắm đến TSMC, vốn là đối tác sản xuất chip chính cho Huawei.
Các quy định mới đã được đưa ra chỉ một ngày sau khi TSMC thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip cao cấp tại Mỹ sử dụng công nghệ 5nm. Việc xây dựng dự kiến từ năm 2021 và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2024. Tổng chi của TSMC cho dự án này dự kiến đến 12 tỷ USD từ năm 2021 đến 2029.
Theo các nhà phân tích, những dấu hiệu trên cho thấy cuộc cạnh tranh giữa Samsung và TSMC trong lĩnh vực kinh doanh gia công chip đang bắt đầu nóng lên. Tuy vậy, Samsung lại phải vượt qua các trở ngại về việc dựa quá nhiều vào những đối thủ cạnh tranh của chính công ty. Trong tháng Tư, Huawei từng cho biết sẽ đặt hàng Samsung sản xuất chip nếu Mỹ ngăn TSMC giao dịch với công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, Samsung lại chính là đối thủ của Huawei trên sân chơi smartphone và viễn thông.
Eric Chen, nhà phân tích kỳ cựu của ngành bán dẫn tại hãng Cornucopia Capital Partner, cho rằng: "Samsung cũng là một đế chế sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ. Không công ty công nghệ hay nhà phát triển chip đơn lẻ nào trên thế giới lại đặt hàng sản xuất các linh kiện chip quan trọng từ đối thủ, hoặc đối thủ tiềm năng của mình. Đây sẽ là vấn đề đối với Samsung."
Đối lập với Samsung, TSMC lại chỉ gia công chip và không tham gia lĩnh vực kinh doanh nào cạnh tranh với các khách hàng của mình. Đó là lý do họ có một tập khách hàng rộng lớn từ các nhà phát triển chip hàng đầu thế giới, ông Chen cho biết.
Việc bổ sung thêm dây chuyền 5nm là điều rất quan trọng với Samsung cho nỗ lực mở rộng sự hiện diện trong ngành kinh doanh gia công chip. Theo dữ liệu của TrendForce, hiện TSMC đang kiểm soát hơn nửa thị phần gia công chip toàn cầu tính theo doanh thu, đứng thứ hai là Samsung với 15% thị phần.
Không những thế cả hai công ty này còn cạnh tranh nhau trong lĩnh vực sản xuất các chip với tiến trình công nghệ nhỏ. Càng tạo ra các bóng bán dẫn có kích thước nhỏ hơn, các con chip càng hiện đại hơn nhưng cũng khó sản xuất hơn và có đắt đỏ hơn. Trong khi TSMC sẽ sớm bắt đầu sản xuất chip 5nm để sử dụng cho các iPhone 5G sắp ra mắt, dây chuyền 5nm của Samsung cũng sẽ được khởi động vào nửa sau của năm nay.
Cho đến nay, Samsung đã thuyết phục được Qualcomm và Nvidia – hai khách hàng quan trọng của TSMC – chuyển một phần đơn hàng sang cho công ty Hàn Quốc. Tuy vậy vị thế là một người khổng lồ trong ngành điện tử đang làm suy yếu tham vọng gia công chip của công ty này.
Ví dụ, Apple từng đặt hàng cả Samsung và TSMC gia công chip cho iPhone của mình, nhưng cho đến nay, TSMC đã trở thành nhà cung cấp chip duy nhất cho Apple. Có thể Apple vẫn mua màn hình và chip nhớ từ Samsung, nhưng họ đã không đặt hàng công ty Hàn Quốc sản xuất chip cho mình nữa.
Nguyễn Hải
Theo Trí Thức Trẻ