Muốn triệt để lợi dụng những ưu thế kể trên để bứt phá, doanh nghiệp sản xuất Việt cần có kế hoạch nhập nguyên liệu hợp lý, gửi email thông báo cho tất cả đối tác về sự sẵn sàng của mình, nắm chắc tâm lý khách hàng…
Không như nhiều doanh nhân khác, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA (Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh), đồng thời là Chủ tịch của AA Corporation và BoConcept luôn giữ tinh thần tỉnh táo và lạc quan khi gặp bất cứ vấn đề gì. Sau khi phân tích thiệt hơn, ai nói về thiệt hại mặc kệ, ông chỉ muốn đề cập tới cơ hội sau đó, lần Covid-19 này cũng thế.
"Trong đợt giãn cách xã hội, do ở nhà nhiều, người tiêu dùng liền quan tâm hơn đến đồ dùng và đồ thủ công mỹ nghệ. Tôi xin báo một tin vui, là BoConcept đã tăng 28% doanh thu tại Hàn Quốc trong suốt thời gian dịch Covid-19 diễn ra, nhờ nắm bắt được xu thế đó. Cũng như thế, khách hàng ở nhiều nước tại Mỹ và châu Âu cũng đang có xu hướng muốn thay đổi vật dụng trong nhà, từ cao cấp đến thấp cấp", ông Nguyễn Quốc Khanh tiết lộ.
Vậy các doanh nghiệp ngành gỗ - lâm sản Việt cần làm gì để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng?
Đầu tiên là chuyển dịch ngành hàng, tuy nhiên chỉ doanh nghiệp đã sẵn sàng và có công tác chuẩn bị chu đáo thì mới tận dụng được cơ hội này. Như chúng ta đã biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc và FDI đã đóng cửa nhà máy ngay từ đầu năm nhằm ‘ngủ đông’ chống dịch, nên chắc chắn sau dịch họ sẽ khởi động chậm hơn các doanh nghiệp Việt vẫn đang gồng mình suốt dịch. Thế nên, khi có đơn hàng, doanh nghiệp Việt sẽ là người đầu tiên nhận được.
"Để tô đậm lợi thế này, các công ty của tôi đã gửi email cho các đối tác trong suốt mùa dịch, miêu tả rằng chúng tôi giảm sản xuất nhưng không đóng cửa xí nghiệp hoặc nhà máy, nên luôn có thể sẵn sàng phục vụ họ", Chủ tịch HAWA tiết lộ cách thức ứng phó của mình.
Ngoài nhân công và phương tiện lao động, thì nguyên liệu cũng phải sẵn sàng để không vuột mất ưu thế không cần khởi động lại của chúng ta. Với việc Mỹ vẫn chưa kiểm soát đứt điểm dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành gỗ - lâm nghiệp có thể gặp khó khăn về gỗ cứng trong tương lai. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần ngồi lại vẽ ra các kịch bản khác nhau, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đủ nguyên liệu ứng phó cho mỗi kịch bản. Nếu có đơn hàng, có công nhân song không có nguyên liệu vẫn không thể sản xuất được!
Ngoài ra, doanh nghiệp cần ngồi tư duy lại chiến lược về thị trường, cần làm gì để đa dạng hóa thị trường và nguồn hàng để không bị động khi gặp sự cố. Nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng OEM đã không thể xoay xở được khi đại dịch ập đến. Tùy khả năng, các doanh nghiệp có thể tấn công vào phân khúc nhỏ hơn nhưng ít đối thủ hơn, ít nhất cũng nên chủ động một phần nguyên liệu đầu vào, cũng như không nên chỉ sản xuất 1 mặt hàng và nhắm vào 1 thị trường duy nhất.
"Những ‘thiên tai’ kiểu như Covid-19 là điều mà không ai có thể đoán định cũng như ngăn cản được, nên thay vì ngồi đó ủ ê mặt mày kể khổ ta nên giữ tinh thần lạc quan để cả tổ chức cũng có tinh thần lạc quan. Như vậy, doanh nghiệp mới có tốc độ làm gì cũng nhanh và sáng tạo ra những mô hình kinh doanh – hoạt động mới. Trong suốt thời gian dịch bệnh, ngoài ứng phó với dịch chúng ta cũng cần phải có những chuẩn bị để chớp thời cơ đi trước sau dịch", ông Nguyễn Quốc Khanh đề nghị.
Phần mình, ông Lê Minh Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng, lạc quan là tốt nhưng cũng không nên quá lạc quan. Với ông, đây nên là thời điểm nói về sự hồi phục là chính, còn tăng tốc hay bứt phá vẫn còn quá xa.
Theo quan sát của vị Chủ tịch này, thì các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nói chung và ngành gỗ lâm sản nói riêng, sẽ gặp khó khăn dồn dập trong Quý II và Quý III/2020. Các doanh nghiệp trong ngành gỗ đang khá bi quan, vì đơn hàng trong 2 quý tiếp theo giảm trầm trọng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có một bản đánh giá thiệt hại cụ thể của các doanh nghiệp, rồi dựa vào đó đưa ra các phương án phục hồi chi tiết, như: phục hồi từ điểm nào, cần ai hỗ trợ…?
Tuy nhiên, từ quan điểm của ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2, thì cẩn trọng là tốt nhưng chúng ta cũng đừng quá bi quan, vì ‘sau cơn mưa trời lại nắng’. Tâm thế đúng của các doanh nghiệp là cần chuẩn bị ‘đón nắng’ ngay trong cơn mưa, vì sau khi mưa tạnh mới chuẩn bị thì có khi đã quá muộn.
Nhờ Covid-19, không ít doanh nghiệp trong ngành gỗ - lâm sản đã hoàn toàn thích ứng với môi trường online.
Trước đây không có họp online nhưng bây giờ hầu như tất cả doanh nghiệp đã làm thế. Trước đây khi nói đến bán hàng online thì kiểu như đang ‘nói chơi’ chứ không dùng nhưng sau Covid-19 đã ngược lại. Trước đây, chúng ta hay nói về chuỗi cung ứng - supply chain nhưng bây giờ đã chuyển sang mạng lưới cung ứng - supply network. Việc các công ty trên thế giới dùng công nghệ thông tin vào các hoạt động từ sản xuất đến kinh doanh không mới, nhưng với các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam vẫn là mới, cần nhanh chóng thích ứng.
Cũng theo ông Hiệp, nếu tương lai có vaccin chống được virus Corona, chúng ta có thể tạm yên tâm, nhưng vì con virus này biến thể rất nhanh, nên chưa chắc chúng ta đã không gặp Covid-20. Do đó, dù như thế nào, chúng ta cũng không nên duy trì cách hoạt động như cũ, từ online quay trở lại offline. Chúng ta phải sống chung với dịch thông qua mô hình hoạt động online và ngành gỗ phải làm sao để có thể phát triển tốt trên môi trường này.
Chúng ta có thể tập trung bán hàng và xuất khẩu online qua các kênh bán hàng như Amazon hay Alibaba, ứng dụng công nghệ vào sale – marketing hay công tác trưng bày sản phẩm. Còn về vấn đề nguyên liệu, Việt Nam cần phải chú tâm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hơn nữa, vì dịch bệnh đã chứng minh, công ty có nhiều đối tác nhà nhập khẩu thì càng mệt, 5 mệt hơn 10.
"Chính đại dịch Covid-19 đã buộc chúng ta phải ngồi tư duy lại, bởi nếu không có sự cố này, chúng ta luôn tưởng chúng ta rất hoành tráng và đã đi đúng hướng.
Thế giới có 7 tỷ người, Covid-19 đã lấy mất của chúng ta khoảng 20.000 người; nói một cách nôm na, thì dung lượng thị trường vẫn thế, không có gì thay đổi. Vì vậy, cũng như trước đây, các doanh nghiệp vẫn nên quan tâm đến việc khách hàng cần gì muốn gì, họ thích mua hàng ở đâu, thanh toán như thế nào, cần chăm sóc ra sao...", ông Điền Quang Hiệp kết luận.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ