Hàng chục nghìn héc ta đất nông nghiệp, dự án Sala, khu phức hợp HAGL Myanmar cùng nhiều tài sản khác sẽ được "gom" lại chuyển sang cho một công ty mới và tách ra khỏi THACO.
Sau một thời gian mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực mới như bất động sản, nông nghiệp thì việc CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) quyết định tái cấu trúc với việc thành lập các công ty để quản lý các mảng kinh doanh riêng biệt là điều không có gì bất ngờ, tương tự như cách Vingroup hay Masan Group đã thực hiện từ lâu.
Tuy vậy nếu như động thái tái cấu trúc của Vingroup hay nhiều tập đoàn khác giữ nguyên sở hữu tại công ty mẹ thì tỷ phú Trần Bá Dương lại quyết định tái cấu trúc theo một cách khá phổ biến trên thế giới nhưng ít gặp ở Việt Nam: chia tách công ty (corporate spin-off).
Theo đó thay vì hình thành 1 công ty "THACO-holdings" để trực tiếp nắm giữ "THACO-Ô tô", "THACO-Nông nghiệp", "THACO-Bất động sản" thì THACO sẽ gom các khoản đầu tư không liên quan đến ngành công nghiệp ô tô tách ra thành lập một pháp nhân mới mang tên CTCP Tập đoàn Trường Hải – THACO Group. Công ty THACO nguyên gốc sẽ tiếp tục giữ lại mảng cơ khí, sản xuất – lắp ráp ô tô như từ trước đến nay.
Khi đó, các cổ đông của THACO sẽ sở hữu 2 cổ phiếu riêng biệt: cổ phiếu hiện hữu của "THACO-Ô tô" và nhận thêm cổ phiếu mới THACO Group. Do được chia tách nên về cơ bản cơ cấu sở hữu của THACO và THACO Group sẽ như nhau, ngoại trừ các cổ đông sở hữu cổ phần ESOP năm 2018, chiếm 0,4% lượng cổ phần đang lưu hành.
Trước khi thực hiện phương án chia tách, THACO sẽ phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ mức hiện tại 16.950 tỷ lên 30.510 tỷ đồng. THACO Group sẽ được tách ra với vốn điều lệ 19.324 tỷ đồng và THACO sau chia tách giảm vốn xuống còn 11.186 tỷ đồng.
Sau chia tách, gia đình ông Trần Bá Dương tiếp tục là cổ đông chính của THACO cũng như THACO Group. Hiện tại, ông Dương cùng vợ và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh đang sở hữu xấp xỉ 71% cổ phần của THACO và cổ đông chiến lược JC&C nắm giữ 26,3% cổ phần.
Năm 2008, JC&C bắt đầu đầu tư vào THACO với việc chi 77 triệu USD để mua 20% cổ phần, tức định giá công ty ở mức 385 triệu. Ở lần đầu tư mới nhất năm 2019, JC&C đã định giá THACO lên đến hơn 9 tỷ USD.
THACO Group nắm giữ những gì?
Theo các thông tin đã được công bố, THACO sẽ chuyển giao cho THACO Group toàn bộ quyền và nghĩa vụ tại các công ty: Địa ốc Đại Quang Minh, THADI, HAGL Agrico, Hùng Vương cũng như các công ty khác không thuộc lĩnh vực ô tô và cơ khí.
Trong số này, Đại Quang Minh – THACO hiện nắm giữ 77,5% cổ phần - là công ty đầu mối quản lý mảng bất động sản. Đại Quang Minh được biết đến chủ yếu với khu đô thị Sala cũng như một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2019, Đại Quang Minh đã chi hơn 5.600 tỷ đồng để mua lại 100% cổ phần của HAGL Land, qua đó sở hữu khu phức hợp HAGL Myanmar tại Yangon, Myanmar.
Công ty THADI là đầu mối quản lý mảng nông nghiệp mới được thành lập từ đầu năm 2019 sau khi THACO bắt tay vào tái cấu trúc công ty HAGL Agrico. THADI đã đầu tư một số nhà máy chế biến trái cây cũng như sở hữu quỹ đất nông nghiệp rất lớn.
Năm 2019, THADI đã chi 7.600 tỷ đồng để mua lại 3 công ty con của HAGL Agrico là Cao su Đông Dương, Cao su Trung Nguyên và Công ty Đông Pênh. Ba công ty này đang quản lý gần 22.500 héc ta đất nông nghiệp tại Campuchia và tỉnh Gia Lai.
Báo cáo tài chính của THACO cho biết tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của mảng bất động sản và nông nghiệp đạt lần lượt là 41.300 tỷ và 11.700 tỷ đồng – tức tương đương với tài sản của mảng ô tô, đạt 53.800 tỷ đồng.
Sang năm 2020, THACO mới chính thức đầu tư vào Thủy sản Hùng Vương. Hai bên sẽ cùng nhau phát triển lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản và chăn nuôi heo.
Kiến Khang
Theo Trí Thức Trẻ